"Một lệnh ngừng bắn đã được công bố, bắt đầu từ 12 giờ ngày 10/10 năm 2020, vì mục đích nhân đạo để trao đổi tù binh và những người bị giam giữ khác, cùng thi thể của những người đã chết", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết.
Theo tuyên bố, cả Armenia và Azerbaijan đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán "thực chất" về xung đột tại Nagorno-Karabakh.
"Cộng hòa Azerbaijan, Cộng hòa Armenia, với sự trung gian của các đồng chủ tịch Nhóm OSCE Minsk, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của dàn xếp, bắt đầu các cuộc đàm phán thực chất với mục đích đạt được một giải pháp hòa bình càng sớm càng tốt" , ông Lavrov tuyên bố.
Tuyên bố chung, được trích dẫn bởi Ngoại trưởng Nga, cho biết các chi tiết cụ thể của lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh sẽ được thỏa thuận riêng.
Tuyên bố cũng cho biết các bên đã cam kết giữ nguyên hình thức của các cuộc đàm phán về Karabakh.
Theo truyền thống, hình thức hội đàm được quốc tế công nhận là do Nhóm OSCE Minsk đồng chủ trì gồm Nga, Mỹ và Pháp.
Kể từ ngày 9/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Karabakh với những người đồng cấp từ Armenia và Azerbaijan trong 10 giờ đồng hồ trước khi đạt được thỏa thuận.
Nguồn gốc xung đột
Xung đột tại Nagorno-Karabakh đã leo thang vào ngày 27/9, khi cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc nhau châm ngòi cho các hành động thù địch quân sự.
Khi cuộc xung đột bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ Azerbaijan, trong khi Nga, Pháp, LHQ và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, thúc giục các bên quay trở lại các cuộc đàm phán do OSCE làm trung gian.
Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Armenia và Pháp cáo buộc điều động lính đánh thuê Syria tham gia lực lượng Azeri đang chiến đấu ở Nagorno-Karabakh.
Theo dữ liệu chính thức của Armenia, 2 thường dân đã thiệt mạng và 95 người bị thương trong các cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh tính đến thứ Năm, trong khi văn phòng Tổng Công tố Azerbaijan cho biết hôm thứ Sáu rằng 31 thường dân đã thiệt mạng và 170 người bị thương.