Đời nghề của Thượng tá Hồ Như Vọng chỉ có hai lần đối diện với nữ tử tù tại trường bắn. Đó là hai tử tù lĩnh án liên quan đến buôn bán, vận chuyển ma tuý. Xử bắn tử tù là nữ khiến cho tâm lý của người chỉ huy lẫn các xạ thủ đều nặng nề.
Nhiều người đã kinh qua khói lửa của các cuộc chiến tranh, sống qua thời khắc giữa sự sống và cái chết nhưng khi được giao nhiệm vụ xạ thủ trong THA tử hình vẫn thấy ớn lạnh. Ông Vọng giãi bày với phóng viên: “Tôi cũng như nhiều người khác đều thấy rờn rợn khi phải đối mặt với nữ tử tù tại trường bắn. Dù có phạm tội lãnh án tử hình thì họ vẫn là phụ nữ, tay yếu chân mềm…”.
Đại tá Hồ Như Vọng đau đáu sau mỗi lần THA tử tù.
Hai đồng phạm là nữ trong đường dây ma tuý của Vũ Xuân Trường là Lại Thị Ngấn và Nguyễn Thị Hoa. Ngấn với “bản lĩnh” của mình được giới buôn “hàng trắng” thời đó đặt cho biệt danh “bà già heroin”, còn Hoa sở hữu một vóc dáng đầy đặn, thân hình nõn nà, nước da trắng hồng nên được coi là “hoa hậu ma tuý”. Nhưng ngày Vũ Xuân Trường và đồng bọn đi trên con đường độc đạo ra trường bắn Cầu Ngà và ở lại đó làm thành những nấm mồ thì chỉ có Lại Thị Ngấn là nữ, Hoa lãnh án tù chung thân.
Ông Vọng nhớ lại, đường dây ma tuý của Vũ Xuân trường và đồng bọn làm chấn động dư luận thời bấy giờ. Lại Thị Ngấn cũng là một mắt xích quan trọng trong đường dây ma quỷ đó. Sinh ra tại một làng quê nghèo thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên, Ngấn bỏ quê lên phố, buôn đường dài tuyến Điện Biên và rồi trở nên giàu có một cách nhanh chóng. Ngấn mua nhà mặt đường ở Hà Nội, xây khách sạn tư nhân.
Sự giàu lên nhanh chóng của Ngấn khiến người mẹ già ở quê nửa mừng, nửa lo. Rồi thì linh tính từ sâu thẳm trong trái tim của người mẹ mách bảo Ngấn sẽ gặp nạn từ cách làm ăn của mình. Người mẹ ấy đã tìm cách khuyên ngăn con gái nhưng vô vọng. Ngày cuối cùng người mẹ ấy gặp con, thấy khuôn mặt hốc hác, bộc lộ nhiều sự rối rắm, lo âu bà biết ngày đại hoạ đã đến rất gần với Ngấn. Một tuần sau ngày gặp mẹ tại quê nhà, Ngấn bị bắt tại Hà Nội.
Ngấn thành “ma sống” (từ mà phạm nhân thường gọi tử tù trong trại giam) sau khi phiên toà xét xử tuyên án tử hình với thị. Khu buồng biệt giam các tử tù, ban ngày im ắng đến lạ lùng. Tất cả các tử tù đều ngày ngủ vùi và đêm lại thức trân trân đếm thời gian. Đối với các tử từ, bình minh của họ lại bắt đầu kể từ lúc lặn mặt trời. Ban ngày họ ngủ lấy sức để ban đêm thức chờ ra… trường bắn. Quãng thời gian 2-3 giờ sáng là khoảng thời gian khủng khiếp nhất của các tử tù. Họ sống trong sự sợ hãi đến nghẹt thở, trong nỗi thấp thỏm chờ đợi… “thần chết gõ cửa”.
Sau khoảng thời gian này, chờ đợi đến chừng 4 giờ sáng mà không thấy tiếng mở khóa lách cách, tiếng cọt kẹt của cánh cửa nặng nề nơi khu xà lim mở ra khép lại là các tử tù thở phào nhẹ nhõm. Vậy là chưa có thêm một bản án nào nữa được thi hành và cuộc sống của họ lại được kéo dài thêm một ngày nữa. Tất cả lại ngủ vùi đến đêm lại thức, lại thấp thỏm đợi chờ….
Ngấn cũng chung tâm trạng với các tử tù khác, ngày ngủ vùi nhưng đêm đến không la hét huyên náo, không quằn quại nhớ người tình mà đêm nào thị cũng độc diễn một vở kịch giống nhau: “Thưa quý toà, tôi không có tội”! Ông Vọng bảo, trước cái chết đến rất gần, Ngấn sợ lắm, khác hẳn hôm tại phiên toà. Nhiều người tham dự phiên toà xét xử Ngấn đều ngạc nhiên vì sự ngoan cố đến khó tin của “bà già heroin” này.
Ngấn chối tội thuộc dạng siêu đẳng. Hỏi gì cũng không biết. Tại phiên tòa, Ngấn cũng bình thản đến lạnh lùng. Ngay cả khi tuyên án tử hình, Ngấn cũng vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng ấy và tịnh không rơi một giọt nước mắt. Nhưng đêm xuất buồng THA thì Ngấn lại sợ hãi đến mềm nhũn người, không thể bước đi nổi, hai tay cứ bấu chặt lấy người quản giáo.
Theo ông Vọng kể lại, ngày THA tử tù, Ngấn đã yếu lắm rồi, tinh thần suy sụp hoàn toàn. Người nữ quản giáo hàng ngày vẫn quản lý, trông coi, chăm sóc Ngấn bây giờ lại phải dìu Ngấn đi, đánh răng, rửa mặt cho Ngấn và nói những lời động viên an ủi cho Ngấn ra đi thanh thản.
Bên tai Ngấn không còn nghe thấy lời động viên mà chỉ thấy tiếng ù ù của một miền tối tăm mà thị sắp đến. Con người to béo, phốp pháp là thế mà hôm nay nhũn ra không thể đi bằng đôi chân của mình. Hai nữ quản giáo phải sốc nách, còn Ngấn cứ rền rệt đôi chân trên đất. Ngấn sợ hãi đến mức đáy quần luôn ướt rệt. Người nữ quản giáo phải thay cho Ngấn mấy lần quần mới.
Tới pháp trường, nhìn thấy bảy chiếc quan tài đỏ chờ sẵn, Ngấn sợ đến ngất xỉu. Người quản giáo phải bấm, day mạnh vào huyệt nhân trung cho thị tỉnh lại. Đến khi buộc vào cọc tại trường bắn thì Ngấn trông như một cái xác không hồn. Rạng sáng ngày 3/3/1998, một loạt súng vang lên kết thúc cuộc đời của con người tội lỗi, tự loại mình ra khỏi xã hội.
Theo ông Vọng kể lại: Sáng muộn, cuộc THA đã hoàn tất, Ngấn giờ thành một nấm đất sau trường bắn Cầu Ngà thì những người gần đấy bỗng nhìn thấy một người mẹ già chân chất đứng chết lặng đi bên ngoài. Bà chính là người mẹ tội nghiệp của Ngấn đã bao ngày khô nước mắt khóc con, hận mình khuyên răn con không được.
Hôm ấy bà trở dậy, lật đật đi như chạy ra chùa, thắp nhang và cầu kinh chờ cho trời sáng. Đúng 5 giờ thì Đài tiếng nói Việt Nam nổi nhạc bắt đầu một ngày mới. Trong chương trình thời sự đầu tiên của ngày, đài đưa tin đã THA tử hình đối với các bị án trong đường dây ma túy Vũ Xuân Trường. Bà tức tốc thuê xe ôm lên Hà Nội. Rồi cuối cùng thì bà cũng tìm được đến trường bắn Cầu Ngà.
Lúc này, mặt trời lên cao bằng con sào. Bà chỉ còn nhìn thấy bẩy nấm đất người ta vừa mới chôn xong, trong ấy có đứa con tội lỗi của bà. Dáng bà siêu vẹo, bước chân đi như vô định, khuất bóng phía sau trường bắn. Bà đâu biết có một đôi mắt của người chiến sĩ công an vừa THA xong dõi theo thương cảm với nỗi lòng người mẹ!
Mai Hà