Liên quan đến vụ cháu Lê Thị Hà Vi (học sinh lớp 10, ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bị mất chân oan, theo thông tin trên báo Tiền Phong, toàn bộ viện phí của Vi sau khi miễn giảm còn khoảng 18 triệu đồng, Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin đã nhận trách nhiệm thanh toán, gia đình cháu Vi không phải trả thêm khoản nào nữa.
Được biết, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk đã dự kiến mời một số chuyên gia tiến hành hội chẩn, giám định tỉ lệ thương tật Hà Vi trong tháng 4/2016 để xác định, do đại diện gia đình cháu Lê Thị Hà Vi từ tháng 3/2016 đã gửi đơn đến lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Cư Kuin và lãnh đạo Sở. Đơn không nêu số tiền cụ thể, nhưng yêu cầu ngành Y tế phải xem xét bồi thường thỏa đáng cho cháu Vi về cả vật chất lẫn tinh thần.
Hà Vi đang tập đi lại được trên chiếc chân giả.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã có Công văn số 1923 ngày 21/3/2016, chỉ đạo ngành Y tế có trách nhiệm thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí để giảm bớt nỗi đau và khó khăn về tài chính cho gia đình cháu Hà Vi.
Bên cạnh đó, vào ngày 16/4, một bác sĩ nổi tiếng công tác tại Đà Lạt điện thoại đến đại diện báo Tiền Phong, cho biết ông muốn được trả toàn bộ viện phí cho cháu Vi. Tuy nhiên lãnh đạo Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM cho biết đã có nguồn nhận thực hiện việc này. Vị bác sĩ đề nghị không đăng tên nói: "Việc cháu Vi mất một phần cơ thể vì sự tắc trách của một số người làm công tác y tế khiến tôi cảm thấy đau lây! Tôi muốn góp một phần rất nhỏ giúp cháu, bằng cách hỗ trợ gia đình cháu thanh toán toàn bộ khoản tiền viện phí phải đóng cho Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng TP.HCM".
Ông Lê Văn Long cũng đã nhờ báo chuyển lời cảm ơn thiện ý của vị bác sĩ giấu tên trên.
Một bác sĩ giấu tên đã đề nghị trả toàn bộ viện phí cho Hà Vi. Ảnh: Tiền Phong.
Gần một tuần qua, Vi đã tập di chuyển, cử động, điều khiển khớp gối... bằng chiếc chân giả do bệnh viện gia công riêng cho cháu. Chân giả có khớp nối thủy lực ở gối để giúp vận động linh hoạt. Vi cần tái khám hàng tháng và khi dùng chân giả thuần thục, cháu có thể đi đứng, sinh hoạt như người bình thường.
Hà Vi nói: “Cháu đã được lắp chân giả rồi, đi thử vẫn còn rất đau ở mỏm cụt. Các bác sĩ nói do cháu đi chưa quen, cứ về nhà tập tiếp sẽ ổn”.
Ông Lê Văn Long (SN 1973, bố Hà Vi) chia sẻ: “Khi cháu Vi cố gắng tập đi với chân giả, vết thương vẫn ứa máu. Gia đình chưa dám xin xuất viện nhưng các bác sĩ bảo về rồi, nên tối nay cháu sẽ về Đắk Lắk bằng xe đò, do chưa có chứng minh nhân dân không mua được vé máy bay”.
TS.BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng cho biết, Bệnh viện đã làm thủ tục xuất viện cho Lê Thị Hà Vi, học sinh lớp 10 Trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Như tin đã đưa vào trưa 6/3, trên đường đi học về, Hà Vi bị tai nạn giao thông và được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày bên phải rồi bó bột.
Đến tối cùng ngày, thấy Vi kêu đau và bị tê chân, phần dưới không còn cảm giác đau, gia đình đề nghị bác sĩ tháo bột ra và cho chuyển viện nhưng các bác sĩ không đồng ý.
Đến sáng 8/3, khi Vi kêu đau quá, các bác sĩ mới đồng ý tháo bột ra thì thấy chân Vi xuất hiện nhiều bỏng nước, sưng vù. Gia đình tiếp tục đề nghị được chuyển viện nhưng mãi đến ngày 11/3 bác sĩ mới cho chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết chân Vi đã hoại tử. Chiều cùng ngày, bệnh viện đã tức tốc chuyển Vi xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM nhưng đã quá muộn. Các bác sĩ tại đây đã phải phẫu thuật cắt bỏ gần hết chân phải của Vi.
Sau khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) ông Nguyễn Văn Tâm cũng đã thừa nhận nguyên nhân dẫn đến việc cắt chân là do bác sĩ yếu kém về chuyên môn, tắc trách trong công việc. Bệnh viện cũng đã cử một đoàn công tác xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM để thăm hỏi, động viên gia đình Vi và bước đầu khắc phục hậu quả.
An Nhiên (t/h)