“Bài học Singapore” hay câu chuyện niềm tin

(Ngày Nay) - Bộ sách “Hồi ký Lý Quang Diệu” gồm 2 tập "Câu chuyện Singapore" và "Từ Thế giới thứ Ba vươn lên thế giới thứ Nhất"...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam VICC
Nhà nghiên cứu Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam VICC

Bộ sách kể về câu chuyện phát triển của Singapore, từ một quốc gia thuộc thế giới thứ ba với tài nguyên nghèo nàn, kinh tế yếu kém và xã hội lạc hậu, dưới sự chèo lái của Chính phủ do Thủ tướng Lý Quang Diệu lãnh đạo, đã vươn lên vị thế hàng đầu thế giới, trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế với nền kinh tế tăng trưởng trên 10% trong những năm gần đây, xã hội phát triển và nền khoa học - giáo dục tân tiến.

Trong bộ hồi ký đặc sắc này, ông Lý Quang Diệu mô tả lại một cách chi tiết những sự kiện đã dẫn dắt Singapore đến độc lập và quá trình tái thiết quyết liệt để trở thành một “Con rồng châu Á”.

Bộ sách là hành trình Singapore chuyển mình từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu thành một trong những trung tâm tài chính, khoa học, giáo dục lớn nhất thế giới trong vòng vài chục năm. Đó có thể là những bài học kinh nghiệm đối với các nước đang trong giai đoạn chuyển mình, Đổi mới như Việt Nam.

Phóng viên Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam VICC, đơn vị phối hợp xuất bản bộ Hồi ký Lý Quang Diệu.

Trong thời gian gần đây, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đang được đề cập đến rất nhiều ở Việt Nam nhưng dường như có rất ít người hiểu rõ về bản chất cũng như vai trò của nó. Xin anh chia sẻ thêm về điều này.

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Đây cũng là khái niệm chưa rõ ràng. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam cũng chưa hiểu rõ bản chất của khái niệm và mô hình này. Tôi cũng không hoàn toàn hiểu rõ ý của các nhà lãnh đạo nhưng năm ngoái, tôi có tìm hiểu thì sơ bộ thấy định nghĩa tương đối rõ nét là của Herbert Hoover, Tổng thống Mỹ (1929-1933), năm 1928 trong một bài phát biểu ông tuyên bố về khái niệm Nhà nước/Chính quyền kiến tạo, và tôi xin tóm tắt mấy ý chính.

Theo Hoover, chính phủ kiến tạo là một một chính phủ thực thi được những công việc mà tiểu bang & người dân không thể làm được, để hỗ trợ và giúp đỡ cho dân chúng và xã hội phát triển thịnh vượng. Về cơ bản, có 3 mảng công việc mà chính phủ kiến tạo cần làm: (1) xây dựng các công trình công cộng nhưng giao thông, đường sá, nhà cửa, cầu cống…; (2) thúc đẩy giáo dục, y tế công cộng, nghiên cứu khoa học, công viên công cộng, bảo tồn các tài nguyên quốc gia, nông nghiệp, công nghiệp và ngoại thương; (3) trợ giúp người dân hợp tác với nhau và xây dựng môi trường/không gian cho phép mọi người sử dụng nguồn lực xã hội vào các mục đích kinh  tế và xã hội.

(Bài phát biểu tranh cử của Herbert Hoover tại St. Louis, Missouri ngày 2/11/1928, http://teachingamericanhistory.org/library/document/the-constructive-side-of-government/).

Bài phát biểu này có ý nghĩa lớn khi nước Mỹ khi đó sắp bước vào cuộc đại khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử, người Mỹ, dân chúng và xã hội mong đợi chính phủ Mỹ giúp họ vượt qua khó khăn đó.

Tôi hình dung rằng một nhà nước kiến tạo là một nhà nước không chỉ kiểm soát người dân, không chỉ xây dựng những công trình công cộng, thúc đẩy giáo dục, y tế… mà xa hơn, là phải kiến tạo không gian (bao gồm môi trường, luật pháp, cơ chế, khuôn khổ…) cho phép và khuyến khích dân chúng phát triển hết khả năng và tiềm năng của mình vì các mục đích tốt đẹp của xã hội…

“Bài học Singapore” hay câu chuyện niềm tin ảnh 1Ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ về bộ sách Hồi ký Lý Quang Diệu trong buổi ra mắt sách

Tại sao Singapore luôn được xem là một điển hình cho thành công của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển?

- Tôi nghĩ Lý Quang Diệu, cũng giống như những nhà lãnh đạo hiện đại và có tư tưởng tiến bộ khác, đều nhận thức được vai trò của nhà nước theo nghĩa hiện đại. Khái niệm nhà nước kiểu cũ là điều hành và dẫn dắt người dân, là cung cấp hàng hóa và nhu yếu phẩm, là kiểm soát và đặt ra các khuôn khổ, luật pháp.

Nhưng trong một thế giới hiện đại, mô hình nhà nước và việc cầm quyền đã phải chuyển dịch lên một nấc thang mới, đó là kiến tạo, là hỗ trợ và giúp đỡ người dân phát triển hết tiềm năng của họ bằng việc thiết kế và kiến tạo ra khuôn khổ và cơ chế. Cũng giống như việc giáo dục con cái, trước đây, mô hình giáo dục kiểu cũ là cha mẹ bắt và chỉ bảo con cái làm việc này việc kia, ngày nay, các cha mẹ hiện đại và có giáo dục đã chuyển sang vai trò định hướng, dẫn dắt và khuyến khích trẻ em phát triển hết tiềm năng, tài năng…

Còn Singapore, do gần sát với Việt Nam, là một quốc gia phát triển rất nhanh, thành công, hiện đại nên được thế giới và khu vực quan tâm, chú ý coi là hình mẫu thì là dễ hiểu,

Anh có đánh giá như thế nào về những tác động mà Singapore đã tạo ra đối với những nước đang phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới?

- Thực ra, bài học Singapore cũng như bài học về sự thành công của Hàn Quốc, Hongkong, Đài Loan, là 4 con rồng châu Á, đã được bàn đến từ thập niên 1990 chứ không phải đến bây giờ. 20 năm trước, mô hình thành công của các quốc gia này đã trở thành những bài học kinh điển, là nguồn khích lệ các dân tộc, các quốc gia khác về khả năng phát triển và thay đổi vận mệnh dân tộc/quốc gia mình không phải quá xa vời.

Tôi muốn so sánh điều này với câu chuyện Việt Nam giành độc lập năm 1945 là một trong những ngọn cờ đầu cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Sự thành công của Việt Nam đã khích lệ nhiều quốc gia châu Á, châu Phi giành độc lập và được ca ngợi thì 50 năm sau, những câu chuyện thành công của Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan… cũng có tác động như vậy đến các  quốc gia đang phát triển khác.

Nếu vào thập niên 40-50 của thế kỷ 20, các dân tộc thuộc địa tin rằng, mình có thể giành đươc độc lập, giống như Việt Nam, thì giờ đây các nước đang phát triển khác cũng thấy khích lệ và coi Singapore, Hàn Quốc như là hình mẫu cho việc phát triển thành một quốc gia hiện đại. Thực ra, trong giới học thuật, câu chuyện và bài học Singapore đã được nhắc đến nhiều và từ 10-20 năm qua, nhưng có lẽ vì mãi đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa làm được gì nhiều nên đó cứ như một nỗi ám ảnh cho người Việt vậy.

Liệu có phải năng lực và vai trò của người lãnh đạo như Lý Quang Diệu là một trong những yếu tố quyết định thành công của mô hình nhà nước Singapore hay không? Nếu có thì yếu tố này chiếm tỉ lệ khoảng bao nhiêu phần trăm?

- Đương nhiên, năng lực và vai trò của nhà lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất trong sự thành công, nhưng Lý Quang Diệu chỉ là tiêu biểu cho thế hệ những người Singapore hiện đại, có học thức, có ý chí mà thôi. Nếu không có một thế hệ những nhà lãnh đạo (mà ông Lý chỉ là một thành viên) thì không thể có lực lượng dẫn dắt sự thay đổi và phát triển Singapore. Không có họ, sẽ không có Lý Quang Diệu và không có thành công nào cả.

Câu hỏi này cũng giống như việc đặt ra nếu không có Phạm Nhật Vượng, liệu có VinGroup không, hay nếu không có Nguyễn Phương Thảo, liệu có VietJet không? Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều nói là không. Làm sao các tập đoàn, các doanh nghiệp có thể hình thành, phát triển nếu thiếu người sáng lập, thì với quốc gia cũng vậy.

Theo anh, từ những chia sẻ, đánh giá về Singapore và thế giới của Lý Quang Diệu với tư cách nhà lãnh đạo quốc gia và một chính trị gia mang tầm vóc quốc tế trong hồi ký của mình, Việt Nam có thể tiếp nhận được những bài học hay kinh nghiệm nào cho quá trình phát triển hiện nay?

- Có hai bài học chính: (1) Giống như đối với phong trào giành độc lập, người Việt có quyền và cần có niềm tin rằng chúng ta có thể thay đổi được. Người Việt có thể đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển. Niềm tin đối với tôi là quan trọng nhất. Nếu chứng kiến Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan làm được, chúng ta cũng cần có niềm tin rằng mình làm được; (2) Yếu tố duy nhất chúng ta thiếu là con người, thiếu những nhà lãnh đạo xuất sắc. Mà như tôi đánh giá, đó là yếu tố 100%. Không có con người, không có nhà lãnh đạo, chẳng làm được gì, kể cả với doanh nghiệp hay quốc gia. Tài nguyên thiên nhiên không đảm bảo được sự thành công, giống như câu chuyện tại Iraq hay Venezuela..

Kinh nghiệm và bài học từ Singapore liệu có khả thi khi áp dụng cho một đất nước rộng lớn và có những khác biệt nhất định về nhiều mặt như: diện tích, cơ cấu dân số, mô hình nhà nước,…?

- Nên hiểu là kinh nghiệm phát triển là kinh nghiệm nói chung chứ mỗi quốc gia có những đặc thù riêng, không phải bài học và chiến lược kinh tế nào của Singapore cũng áp dụng được cho Việt Nam nhưng tổng thể tôi tin là được dù khó khăn.

Sự thực là Hàn Quốc phát triển được dù dân số đông hơn, và bối cảnh chiến tranh còn khó khăn khăn, đất đai cằn cỗi hơn nhưng họ đã trở thành quốc gia hiện đại. Chúng ta đi sau, có điều kiện học hỏi được vô số kinh nghiệm, bài học trong việc phát triển quốc gia từ các nước khác. Nó giống như việc một gia đình xây nhà 3 tầng ở nông thôn cách đây 20-30 năm sẽ gặp nhiều khó khăn, cần làm trong 1-2 năm, thì ngày nay, có thể rút ngắn được rất nhiều, và đẹp hơn, hiện đại hơn.

Theo anh, liệu những lý tưởng và hoài bão của giới trẻ Việt Nam ngày nay có thể tìm được sự đồng điệu từ câu chuyện thành công của Lý Quang Diệu trong quá khứ?

- Chúng ta đang chứng kiến những người trẻ Việt được truyền cảm hứng bởi những doanh nhân như Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zukerberg hay Elon Musk trong việc khởi nghiệp và phát triển các doanh nghiệp của họ thì chẳng có lí do gì người Việt trẻ không học tập và được truyền cảm hứng từ những người như Lý Quang Diệu.

Dù đáng tiếc là câu chuyện đó hơi xa, trong vài thập kỷ qua, một vài thế hệ người Việt đã bỏ phí cơ hội làm theo từ những thập niên 1990, ngay sau khi Mở cửa chứ không cần phải chờ đợi đến hôm nay, 20-30 năm sau. Nhưng Tri thức là Sức mạnh, nếu soi rọi kỹ câu chuyện Singapore hay Hàn Quốc, soi rọi thật kỹ (tôi nhấn mạnh), chúng ta sẽ nhìn ra lí do vì sao 20-30 năm qua chúng ta chưa làm được, nhìn ra chúng ta thiếu gì… Nếu nhìn thấy, tôi tin thế hệ người Việt trẻ sẽ sửa chữa được, nếu sửa chữa được, họ sẽ làm được.


Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.