Bám trụ ở thành phố bằng…trợ cấp thất nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Giai đoạn hậu dịch bệnh đang chứng kiến tình trạng nhiều doanh nghiệp cắt giảm quy mô nhân sự. Để bám trụ tại các thành phố lớn, nhiều người lao động xin trợ cấp thất nghiệp hoặc thậm chí rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Báo Tin tức
Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Báo Tin tức

Thất nghiệp sát ngày Tết

Vừa kết thúc hợp đồng thử việc tại một công ty công nghệ vào cuối tháng 1 năm nay, Đình Duy bất ngờ nhận được tin nhắn cắt giảm nhân sự từ phía ban lãnh đạo.

"Lý do họ đưa ra là công ty muốn tinh giảm hệ thống do khó khăn tài chính", chàng trai 27 tuổi kể về tình cảnh thất nghiệp của mình. "Những lao động lớn tuổi như tôi sẽ không được giữ lại".

Cận Tết, nhu cầu chi tiêu rất lớn buộc Duy phải tính đến phương án rút trợ cấp thất nghiệp để gom tiền biếu bố mẹ. Sau khi tìm hiểu trên mạng, Duy được biết bản thân chỉ được hỗ trợ 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền chưa đến 10 triệu đồng.

Ngày đầu tiên tới làm hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm, Duy rất bất ngờ khi chứng kiến một đám đông đã đợi sẵn tại đây để làm thủ tục nhận trợ cấp.

"Lấy xong số thứ tự, tôi biết mình sẽ mất cả buổi sáng. Chỉ có hai cửa nhận hồ sơ, trong khi số người nộp là rất lớn", Duy hồi tưởng. "Nhận hồ sơ xong, họ báo tôi sau 15 ngày làm việc sẽ chuyển tiền vào tài khoản".

Tốt nghiệp đại học vào năm 2019, Đình Duy làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng ngành dịch vụ đồ ăn. Chỉ một thời gian ngắn, chàng trai quê Nam Định này lần đầu nếm mùi thất nghiệp khi công ty đóng cửa vì dịch bệnh.

Mỗi lần kết thúc giãn cách xã hội, Duy lại lao đi nộp hồ sơ khắp nơi, ở đủ mọi lĩnh vực, từ du lịch, vận tải cho tới làm đẹp. Trong vòng 5 năm, Duy đã "nhảy" 8 công ty khác nhau, tất cả đều vì lý do dịch bệnh và suy thoái kinh tế. Chưa công ty nào mà anh chàng này gắn bó quá một năm.

Thậm chí, có giai đoạn Duy thất nghiệp trong vòng 6 tháng, anh dựa hoàn toàn vào số tiền đền bù hợp đồng cùng nhiều khoản lặt vặt khác.

"Tôi không muốn về quê, cơ hội việc làm gần như rất ít, trong khi thu nhập không hề cao", Duy chia sẻ về lý do bám trụ tại Hà Nội. "Tôi còn tính đến phương án chạy xe ôm công nghệ".

Giống như Duy, ngày càng nhiều người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, nhiều người không còn cách nào khác ngoài việc xin trợ cấp thất nghiệp hoặc rút bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý 3 năm 2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 955.000 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2022, tương ứng gần 910.000 người.

Cụ thể, trong quý 3/2023, cả nước ghi nhận 1,079 triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, tăng 6.300 người so với quý 2/2023. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở mức cao, chiếm 7,86%. Đáng chú ý, nhóm có trình độ đại học trở lên nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lại tăng so với quý 2, với 15,4% (quý 2/2023 là 13,1%); riêng nhóm có trình độ cao đẳng và trung cấp đều chiếm 6,3%.

Cũng theo Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội, trong hai tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng giải quyết chế độ một lần cho 4.626 người. So với cùng kỳ năm 2023, số người rút bảo hiểm xã hội một lần trên địa bàn Hà Nội tăng 809 người, tương ứng với mức tăng tăng 21,19%, nhưng không đáng kể so với mặt bằng chung.

Hiện mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, trong đó, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở với người lao động khu vực Nhà nước, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng với người lao động khu vực doanh nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Tình trạng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng cũng phần nào có nguyên nhân từ tình trạng doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, thu hẹp hoạt động, thậm chí tạm ngừng hoạt động, dẫn đến phải cắt giảm lao động vừa qua.

Bám trụ ở thành phố bằng…trợ cấp thất nghiệp ảnh 1
Người lao động làm thủ tục lĩnh bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Báo Tin Tức

Thấu hiểu thực trạng tuyển dụng lao động, Đình Duy cho biết người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, ngày càng được hưởng ít các phúc lợi so với trước đây. Các doanh nghiệp hiện ưu tiên ký hợp đồng dịch vụ, vốn ít ràng buộc và đãi ngộ thấp, thay vì ký hợp đồng lao động lâu dài với người lao động.

“Hợp đồng dịch vụ chỉ phù hợp với những sinh viên mới tốt nghiệp, đang cần kinh nghiệm và chấp nhận mức lương thấp”, Duy cho biết. “Dù vậy, có rất ít bạn trẻ trụ lại được sau thời gian thử việc do nhận ra yêu cầu công việc cao nhưng mức thù lao nhận về không tương xứng”.

Thất nghiệp tăng, nhưng học nghề giảm

Tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) mới đây, Dương Thu Hà (25 tuổi) đã nghỉ việc được hai tháng nay, cho biết: “Tôi đang nhận bảo hiểm thất nghiệp nhưng không tham gia học nghề vì thấy một số ngành nghề không phù hợp như nấu ăn, làm bánh, lái xe… Mức hỗ trợ học nghề là 1,5 triệu đồng/tháng và thời gian không quá 6 tháng. Với mức hỗ trợ này, thủ tục lại phức tạp nên khó theo học”.

Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, số lao động nộp hồ sơ và có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng từng năm, nhưng số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) về hỗ trợ đào tạo nghề lại đang có xu hướng giảm.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, trong 3 năm qua, việc giải quyết thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng tăng dần về số người nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người lao động nộp hồ sơ và hưởng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp tăng lên, nhưng số người hưởng chính sách về đào tạo nghề hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới thì lại có xu hướng giảm và đặc biệt là năm 2023 giảm rất sâu.

Thông tin cụ thể tình hình thực hiện hỗ trợ học nghề đối với người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp từ năm 2021 đến năm 2023, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Vũ Thị Thanh Liễu cho biết: Số người lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp lần lượt qua từng năm là: Năm 2021 có 63.363 người; năm 2022 là 71.717 người; năm 2023 là 84.984 người và 2 tháng đầu năm 2024 là 10.741 người.

Tuy rằng số lao động nộp hồ sơ và có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhưng số người có quyết định học nghề lại giảm, cụ thể là: Năm 2021 là 1.075 người; năm 2022 là 1.590 người; năm 2023 là 778 người và 2 tháng đầu năm 2024 là 117 người. Và số lao động tham gia học nghề rất thấp, năm 2021 là 558 người, năm 2022 là 1.117 người, năm 2023 là 487 người và 2 tháng đầu năm 2024 có 36 người.

Các ngành nghề chủ yếu được người lao động lựa chọn đăng ký học là: Kỹ thuật nấu ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Lái xe ô tô hạng B2 và C, Tin học văn phòng, Làm bánh ngọt và một số ngành nghề khác.

Theo ông Nguyễn Tây Nam, Luật Việc làm đã được Quốc hội thông qua từ năm 2013 cho đến nay và một số nghị định do Chính phủ ban hành, đã quy định các chính sách rất nhân văn cho người thất nghiệp.

Nhưng số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp về hỗ trợ đào tạo nghề lại đang có xu hướng giảm là do sự không thiết tha của người lao động.

Thực tiễn cho thấy, nhiều người lao động chưa khai thác tối đa quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề khi bị mất việc. Đa số chỉ mong muốn nhanh chóng tìm ngay công việc mới, nên số lượng người lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đăng ký học nghề ít, chưa hiểu rõ được các nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động với các nghề đào tạo…

Trước thực tế trên, tại Luật Việc làm sửa đổi đang lấy ý kiến các chuyên gia, người dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, quy định về điều kiện để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn khá chặt chẽ, do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này.

Cùng với đó, Luật Việc làm sửa đổi đề xuất sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng: Mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; Bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thủ đô Hà Nội mưa to đến rất to, gió giật cấp 9-11
Thủ đô Hà Nội mưa to đến rất to, gió giật cấp 9-11
(Ngày Nay) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 7/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 10; khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 7, giật cấp 8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024
(Ngày Nay) - Sáng 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2024 để thảo luận, cho ý kiến đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Công ty Cổ phần VNG phát đi thông báo liên quan đến thông tin lực lượng công an đến trụ sở ngày 6/9.
VNG bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc giữa “giông bão”
(Ngày Nay) - Đêm qua (6/9/2024), Công ty Cổ phần VNG phát đi thông báo liên quan thông tin lực lượng công an đến trụ sở vào sáng cùng ngày. Sự kiện xảy ra chỉ vài ngày trước sinh nhật lần thứ 20 của doanh nghiệp này.