Nhiều phản ứng trái chiều khi Bộ GD-ĐT dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn Công dân với Tổ quốc. Việc này đồng nghĩa với sự "khai tử" môn Lịch sử, môn học quan trọng với học sinh Việt Nam.
Lịch sử là môn học quan trọng và phải được dành vị trí xứng đáng trong chương trình.
Hướng đi nào cho môn Lịch sử?
Để đổi mới cho môn Lịch sử, trước hết giáo viên cũng phải trả lời được câu hỏi: "Học lịch sử để làm gì?".
Lịch sử cho ta biết cội nguồn. Lịch sử cho ta biết những giá trị quật cường của dân tộc, Lịch sử hun đúc nên ý chí tự hào ngẩng cao đầu của chúng ta hôm nay. Đồng thời lịch sử cũng dạy chúng ta thấy cần phải tránh những sai lầm trong quá khứ… Học lịch sử để nuôi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, học lịch sử để hiểu biết và giữ gìn truyền thống dân tộc, học lịch sử để tự hào dân tộc…
Với những giá trị cốt lõi của lịch sử, không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của nó. Nhưng vì sao học sinh (HS) bây giờ lại tỏ ra thờ ơ với môn Lịch sử trong khi nhiều người đang cố gắng đấu tranh giữ gìn các giá trị lịch sử?
Nguyên nhân cốt yếu là vì chương trình học LS được biên soạn trong sách giáo khoa còn quá cồng kềnh, máy móc, chưa thật sự lôi cuốn. Trong khi xã hội hiện nay với sự phát triển như vũ bão của mạng thông tin điện tử, HS tiếp cận với nhiều luồng thông tin theo kiểu “Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra Google” mà trên đó thì muôn vàn thông tin nhiễu loạn, không chính thống, thậm chí có những sự kiện lịch sử còn bị bóp méo hay dựng lại theo mô típ khác hẳn, trái ngược hẳn làm cho học sinh hoang mang không biết đâu là thật, đâu là giả, dẫn đến chán học môn Lịch sử và quay lưng với môn Sử.
Một phụ huynh học sinh trường Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân chủ quan là HS còn nhỏ tuổi, mà tuổi trẻ thường luôn muốn khám phá cái mới. Nên cái gì đã cũ là không còn hấp dẫn với giới trẻ. Lịch sử là những gì đã qua, là quá khứ, là ngày hôm qua, nên học sinh không thích học môn Lịch sử, bởi phải học những gì đã qua, đã cũ mà chúng quan niệm rằng, cái gì đã qua thì cho qua luôn, cái đã qua không giúp gì được cho cái hôm nay và ngày mai. Đây cũng chính là điều mà chúng ta chưa làm được cho HS hiểu rõ.
Giải pháp đưa ra giúp học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử trước hết phải là sự chính xác. Ví dụ, xưa kia vua chúa thường có một người chép sử. Chép sử phải trung thực để đời sau biết rõ lịch sử đời vua đó từng xảy ra sự kiện gì và chúng ta cần tôn trọng điều đó. Bóp méo lịch sử là một tội lớn.
Thứ hai, giảng dạy môn lịch sử không chỉ có những quyển sách giáo khoa đầy chữ. Giờ Sử có thể là một buổi biểu diễn ngoại khóa trích đoạn Lịch sử do chính các HS dàn dựng ..v..v. Làm sao để HS có thể nhớ đến lịch sử, học xong mà ấn tượng, không bao giờ quên được. Nếu không thay đổi, đến một ngày nào đó con em chúng ta sẽ không còn nhớ đến các Anh hùng dân tộc, sẽ lẫn lộn các thời kỳ và các giá trị lịch sử cũng dần mai một.
Đa số học sinh cho biết, các em rất “ngại” môn Lịch sử vì khá… phức tạp và khó học thuộc. Các em mong muốn môn lịch sử được đơn giản hóa hơn, khái quát hơn các sự kiện hơn là việc liệt kê số quân thiệt mạng, thu giữ bao nhiêu vũ khí... Đơn giản thật ngắn gọn nhưng súc tích để học sinh dễ nhớ không áp lực quá lớn cho việc học vẹt rồi quên ngay sau đó.
Khảo sát ở một số trường thì đa số HS cho rằng, học môn Lịch sử không khó, nhưng không hấp dẫn và có quá nhiều dữ liệu phải thuộc lòng.
Đổi mới giáo dục lịch sử là việc cấp thiết
Nói về việc "khai tử" môn Lịch sử, nhiều giáo viên cảm thấy dùng từ "khai tử" cho môn học hơi quá nặng nề. Thực chất việc tích hợp môn Lịch sử giúp giảm tải cho học sinh trong quá trình học chứ không phải là loại bỏ môn Lịch sử như mọi người vẫn nghĩ. Về mặt nội dung trong sách Lịch sử, Bộ vẫn đang tiếp tục kiện toàn để phù hợp hơn với học sinh.
Đối với giáo viên dạy Lịch sử, họ cần có trách nhiệm tìm cách dạy làm sao cho HS hứng thú hơn. Một trong những phương pháp hữu hiệu nhất là lồng ghép những câu chuyện lịch sử của Việt Nam và thế giới. Ví dụ, trước khi vào bài giảng, nên cho học sinh tìm hiểu trước về đề tài rồi tự phát biểu, thuyết trình trước lớp về hiểu biết của mình về đề tài đó khiến cho HS rất hứng thú. Ngoài ra, việc dạy học đi kèm với tư liệu dạng phim, hình ảnh sẽ khiến HS dễ nhớ bài giảng và ham học hơn.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn mới về việc thay đổi cách giáo dục môn Lịch sử. Tuy nhiên sự thay đổi theo hướng nào, có thu hút được học sinh học môn Lịch sử, có đáp ứng được tiêu chí của nền giáo dục hay không, còn là vấn đề nan giải.
A.M