Cố vấn An ninh y tế khu vực của WHO, Tiến sĩ Ambrose Talisuna đã đưa ra đánh giá trên tại một cuộc họp cấp cao ngày 9/3 của các nhà kỹ trị đến từ 14 quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ bị ảnh hưởng của dịch tả. Đây là cuộc họp trù bị cho một cuộc họp cấp cao của bộ trưởng các nước này, diễn ra ngày 10/3 tại thủ đô Lilongwe của Malawi. Tại hội nghị này, quan chức các nước thảo luận những biện pháp ngăn chặn dịch tả lây lan và các thách thức khác bắt nguồn từ tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo quan chức WHO, trong số 129.295 ca mắc bệnh tả được ghi nhận tại 12 quốc gia châu Phi tính đến ngày 5/3, Malawi chiếm gần 50% (cụ thể là 51.287 bệnh nhân) - cao nhất tại châu lục. Tiến sĩ Talisuna thông báo 3.016 ca tử vong tại các nước trên và trong số đó, Malawi chiếm tới 1.605 ca (53,2%). Ông cho rằng đợt bùng phát dịch tả hiện nay tại Malawi có lẽ là lớn nhất và có liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu cũng như việc đi lại qua biên giới. Theo Tiến sĩ Talisuna, việc di chuyển qua biên giới cần được giám sát, nhưng cũng cần phù hợp với các biện pháp can thiệp của Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC). Ông đồng thời kêu gọi bộ trưởng các nước thúc đẩy hành động để xóa bỏ dịch tả vào năm 2030.
Tả là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, lây truyền theo đường tiêu hoá qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn. Bệnh có thể bùng phát thành đại dịch tả nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Theo thống kê, trong vòng gần 200 năm loài người đã phải trải qua 7 đại dịch tả với hàng nghìn người tử vong. Dịch tả đến nay vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.