Gần đây, báo chí liên tục phản ánh các vụ học sinh đánh nhau do những mâu thuẫn nhỏ. Mới nhất là vụ một học sinh lớp 8 ở TP HCM bị bạn đòi tiền, dọa đánh suốt hơn hai năm chỉ vì làm hỏng đồ chơi.
Tại buổi tập huấn mô hình hoạt động tư vấn tâm lý và kỹ năng tư vấn do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức tại TP.HCM cho biết, theo một khảo sát nhỏ của Vụ Công tác HSSV - Bộ GD&ĐT tại các trường THCS, THPT ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Khánh Hòa... thì có hơn 90% HS gặp khó khăn và vướng mắc về tâm lý. Thế nhưng, thực tế hoạt động tư vấn tâm lý ở các trường hiện nay vẫn còn yếu, số học sinh tiếp cận còn rất hạn chế.
Các vụ bạo lực học đường có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây cho thấy công tác tư vấn tâm lý học đường ngày càng trở nên cần thiết.
"Mổ xẻ" nguyên nhân, ông Trần Công Khanh, Phó trưởng khoa Tâm lý giáo dục - Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM cho rằng, một trong những lý do khiến học sinh "ngán" đến phòng tư vấn là vì phần lớn giáo viên làm kiêm nhiệm; trong đó, đa số là các giáo viên dạy môn Giáo dục công dân. Những người này không có kỹ năng và kiến thức tâm lý, lại thường sử dụng cái “uy” của nghề giáo để áp đặt, răn đe hoặc khuyên nhủ học trò.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định, vấn đề tâm lý học đường trong các nhà trường là hết sức cần thiết, quan trọng. Tuy nhiên, để cải thiện tình trạng tư vấn học đường hiện nay còn bị xem nhẹ, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý, nhà trường, xã hội và gia đình, học sinh.
- Như báo chí phản ánh, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc đáng tiếc do học sinh thiếu kỹ năng sống. Theo Tiến sĩ, công tác tư vấn học đường có vai trò quan trọng thế nào đối với sự phát triển của học sinh hiện nay bên cạnh việc học văn hóa?
- Từ năm 2010-2011 tôi đã phải xây dựng văn phòng tâm lý học đường để đáp ứng nhu cầu phát triển tâm lý của học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Vì đây là tuổi mới lớn có rất nhiều biến động, những áp lực khó khăn từ gia đình, học tập, đến giao tiếp văn hóa, xã hội... tất cả mọi cái đó đều tác động đến tâm lý học sinh. Ví dụ như một học sinh có thể chỉ vì bạn đăng ảnh xấu của mình lên mạng mà bạn ý có thể tự tử, hay như có những em trường chuyên trượt đại học nên tự tử... Tất cả những cái đó nếu được tư vấn tâm lý kịp thời thì có thể vượt qua được.
Bên cạnh đó, nó sẽ giúp học sinh giải tỏa những vướng mắc về sinh lý như: tỉ lệ những học sinh đồng tính, những chuyển biến về mặt sinh lý...điều này chúng ta cần phải hết sức quan tâm và giúp đỡ các em. Đặc biệt là về phần hướng nghiệp nhất là của học sinh trung học là bị vướng rất nhiều. Chúng ta cần phải định hướng nghề nghiệp nhưng thực chất là cho các em nhận thức được những hoài bão, ước mơ, mong muốn của các em là lớn lên các em muốn trở thành người như thế nào. Đây là một bài toán rất khó.
Vì vậy, cần phải có những tham vấn tâm lý tư vấn học đường trong nhà trường.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm.
-Mới đây, có thông tin cho rằng, tại TP HCM – nơi được cho là triển khai công tác tư vấn học đường tương đối tốt, phần nhiều “chuyên gia tâm lý” là do giáo viên giáo dục công dân kiêm nhiệm. Vậy Ông nhận xét sao về công tác tư vấn tâm lý học đường trong các nhà trường hiện nay?
-Một thực tế hiện nay là hầu hết các trường phổ thông lại không có những chuyên gia tâm lý, không có biên chế, nên các trường các phòng tâm lý vẫn còn chưa có. Hiện mới chỉ có một số trường ở TP HCM, Hà Nội và một số tỉnh làm thí điểm mới có biên chế tư vấn tâm lý học sinh nhưng vẫn chưa thể đủ được.
Còn việc nhà trường liên kết với các phòng tâm lý cũng hạn chế bởi vì nguồn tài chính. Hơn thế, những phòng tư vấn tâm lý cũng chưa chắc đảm bảo vì cũng không có giấy chứng nhận. Sở kế hoạch đầu tư cấp phép cho họ hoạt động nhưng việc họ có trình độ, bằng cấp hay không lại không có ai kiểm soát.
- Một số học sinh phản ánh, việc trường học bố trí phòng tư vấn ở vị trí “lộ thiên” khiến các em e ngại, không dám vào xin tư vấn. Theo Ông đây có phải là nguyên nhân?
- Đấy là một thói quen chưa tốt của người Việt Nam nói chung, học sinh nói riêng. Bình thường dù bất cứ lĩnh vực nào như kinh tế, pháp luật... người ta sẵn sàng bỏ tiền tìm đến cá nhà tư vấn. Tuy nhiên, trong tình cảm thì người ta lại chỉ muốn gọi điện thoại để giấu mặt giấu tên. Còn về gặp các nhà tâm lý để tư vấn thì lo sợ vì mất tiền lại sợ bị lộ mặt. Điều này cũng chính do tập quán văn hóa chúng ta.
- Vậy Tiến sĩ có “kế” gì để công tác tư vấn học đường thực sự hiệu quả?
- Bộ Giáo dục đã nhận thấy được tầm quan trọng của nó thì cần phải có những biên chế. Các trường sư phạm cần phải có những chuyên khoa về tâm lý học đường, có những người có đủ kiến thức, kinh nghiệm để làm hoặc có thể lấy những giáo viên có nhiều kinh nghiệm đi đào tạo thêm về tâm lý học đường thì chắc chắn sẽ làm tốt lên thôi.
Xã hội, cha mẹ học sinh cũng phải cần phối hợp với nhà trường để tháo gỡ những khó khăn
Đối với học sinh thì phải chỉ định, có như thế các em mới chịu đến mới đến. Sau khi được tư vấn tâm lý các em dần nhận thức được thì sau đó việc đến xin nhờ tư vấn sẽ là tự nguyện.
Cảm ơn Ông!
Mai Vân