Huawei hợp tác với công ty nhà nước Trung Quốc có tên Panda International Information Technology Co. Ltd để tham gia một loạt dự án kéo dài suốt 8 năm qua - theo các bản hợp đồng, các văn bản bàn giao công việc và các văn bản thống kê được trích xuất từ dữ liệu hoạt động của Huawei. Thỏa thuận này khiến nhiều người không thể bỏ qua sự dính líu của Huawei.
Các biên bản thống kê này được một cựu nhân viên của Huawei cung cấp cho The Washington Post. Ngoài ra, 2 bộ văn bản khác cũng được cung cấp bởi một số cựu nhân viên của Huawei, những người không công khai danh tính do lo ngại về sự an toàn của bản thân.
Kết hợp cùng với nhau, các văn bản này làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc Huawei - sử dụng công nghệ và các thiết bị mà Mỹ cung cấp - đã vi phạm lệnh kiểm soát xuất khẩu trang thiết bị sang Triều Tiên, nước đang chịu các đòn trừng phạt tăng cường của cộng đồng quốc tế liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ.
Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra về mối quan hệ giữa Huawei và Triều Tiên từ năm 2016 nhưng chưa từng phát hiện ra điều gì. Tuy nhiên, cuộc điều tra này chưa kết thúc. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng từng cáo buộc Huawei gian lận ngân hàng và vi phạm các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Iran. Huawei khẳng định họ vô tội.
Trong một tuyên bố, Huawei khẳng định rằng họ "không có đại diện thương mại" ở Triều Tiên. Phát ngôn viên Joe Kelly của Huawei lại từ chối trả lời những câu hỏi chi tiết hơn, trong đó có câu hỏi về việc liệu Huawei trước đây có từng làm ăn trực tiếp/gián tiếp với Triều Tiên hay không. Người phát ngôn này cũng không bình luận gì về tính xác thực của các văn bản mà The Washington Post nắm được.
Phát ngôn viên của Tập đoàn Panda, công ty mẹ của Panda International, cũng từ chối bình luận về vấn đề này.
Huawei vốn đã bị Mỹ nghi ngờ là có mối quan hệ với chính phủ và quân đội Trung Quốc, và việc phát hiện ra mối liên hệ giữa Triều Tiên và tập đoàn này sẽ càng gây quan ngại cho các nước châu Âu đang phân vân về việc áp đặt lệnh cấm đối với Huawei và tránh xa công nghệ 5G mà công ty này cung cấp. Phát hiện mới cũng xuất hiện trong bối cảnh nhạy cảm với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi Mỹ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc chiến thương mại, cùng lúc ông Trump đang muốn mở lại các vòng đàm phán hạt nhân với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
"Phát hiện về mối liên hệ giữa Huawei và Triều Tiên chắc chắn sẽ làm dấy lên nhiều vấn đề chính trị và ngoại giao ở Washington" - Evan J.R Revere, cựu quan chức Bộ Ngoại giao chuyên trách vấn đề Đông Á, nhận định - "Ngay khi bạn nghĩ rằng quan hệ Mỹ-Triều không thể phức tạp hơn được nữa, thì lập tức xuất hiện thông tin về mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Triều Tiên trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm".
Một chuyến thăm tới Trung Quốc
Kể từ khi được thành lập bởi một cựu kỹ sư thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 1987, Huawei đã phát triển từ một công ty sản xuất thiết bị điện thoại thành một biểu tượng sức mạnh công nghệ của Trung Quốc - nhà sản xuất trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Ngày nay, nó được coi là "người hùng quốc gia", được sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh và tham gia làm ăn ở hơn 170 quốc gia.
Trước năm 2008, Triều Tiên chật vật tìm kiếm các công ty đa quốc gia sẵn lòng xây dựng mạng 3G cho họ, trong một môi trường làm ăn đầy rủi ro. Quá trình tìm kiếm này kết thúc bằng việc thành lập nhà cung cấp mạng không dây Koryolink - xuất hiện sau một chuyến thăm của cố lãnh đạo Kim Jong-Il tới trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến, Trung Quốc.
"Đó chính là lúc chúng ta thấy rằng giới lãnh đạo Triều Tiên mong muốn làm ăn với Huawei, và cũng cho thấy rằng họ đã lựa chọn Huawei làm nhà cung cấp công nghệ chính của mình" - Alexandre Mansourov, Giáo sư chuyên ngành đối ngoại thuộc ĐH Georgetown, từng viết về quá trình chuyển đổi số ở Triều Tiên - "Kể từ lúc đó, họ đã quyết định hợp tác với Huawei".
Koryolink được xây dựng trong một dự án liên doanh giữa Orascom Telecom Holding, một công ty của Ai Cập, và công ty nhà nước Korea Post and Telecommunications Corp của Triều Tiên. Cùng với nhau, chúng được gọi là Tập đoàn Công nghệ CHEO.
Một nhân tố quan trọng khác là công ty Panda International, công ty con của tập đoàn điện tử Panda Group, tập đoàn từng phục vụ cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Vào năm 2001, trong chuyến thăm tới Havana (Cuba), Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã trao tặng Cuba 1 triệu chiếc TV do Panda sản xuất và giới thiệu một đại diện của công ty này với Chủ tịch Cuba Fidel Castro.
Huawei hợp tác chặt chẽ với Panda, sử dụng công ty này như trung gian để cung cấp cho Triều Tiên các trạm thu phát sóng, ăng-ten cùng nhiều trang thiết bị cần thiết để khởi động Koryolink - theo các văn bản mà The Washington Post có được. Trong nhiều năm liền, đội ngũ nhân viên của Huawei và Panda đã bí mật làm việc cùng nhau bên trong một khách sạn gần quảng trường Kim Il Sung ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Huawei còn tham gia vào quá trình "tích hợp mạng" và các dịch vụ "phần mềm" cùng một dự án "mở rộng" của Koryolink - các văn bản cho thấy. Công ty này cũng cung cấp dịch vụ "bảo trì mạng". Một nhân viên đang làm việc ở Huawei, Yin Chao, còn nói với The Washington Post rằng ông đã từng làm việc cho hệ thống phản hồi tự động của Koryolink trong khoảng 2012-2013.
Theo một bản hợp đồng năm 2008, Panda vận chuyển trang thiết bị của Huawei tới thành phố Đan Đông, gần biên giới với Triều Tiên. Từ đây, số trang thiết bị này sẽ được chuyển bằng tàu hỏa tới Bình Nhưỡng.
Các văn bản còn chỉ ra rằng, Huawei từng làm ăn với một công ty Trung Quốc khác là Dandong Kehua - công ty bị Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt vào tháng 11/2017 vì xuất/nhập khẩu hàng hóa tới Triều Tiên. Giới chức Mỹ lúc bấy giờ coi vụ việc trên là hoạt động rót vốn cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo Triều Tiên.
Quốc gia "A9"
Trong các văn bản nội bộ, Huawei đặt mã cho một số quốc gia nhất định, như Triều Tiên, Iran và Syria. Ví dụ, Triều Tiên được họ đặt cho mã "A9" trong cơ sở dữ liệu về các dự án.
"Nếu truy vấn các dự án, bạn sẽ trông thấy nhiều nước như Đức, Mỹ, Mexico. Nhưng thay vì hiện tên quốc gia, bạn sẽ thấy các mã như A5, A7, A9...và bạn đặt ra câu hỏi "Đây là thứ gì?"" - một cựu nhân viên Huawei cho hay - "Tôi cho rằng họ không muốn nói thẳng ra là Iran hay Syria".
Trên một diễn đàn trực tuyến quy tụ các nhân viên của Huawei, một thành viên từng kể về việc ông tới hỗ trợ Koryolink ở "A9" trong mùa Hè năm 2008, trước khi trở về Trung Quốc để hỗ trợ kỹ thuật cho Thế vận hội Bắc Kinh. Người này còn viết cụm từ "chaoxian", có nghĩa là Triều Tiên theo ký tự La Mã để tránh nhắc tới tên nước này theo ký tự Trung Quốc.
Các văn bản mà The Washington Post thu được cũng cho thấy, giới lãnh đạo Triều Tiên quan ngại rằng họ cùng các thành viên gia đình sẽ bị theo dõi khi đang sử dụng mạng của Koryolink. Vào mùa Xuân năm 2008, Orascom và Korea Post giao cho Huawei phát triển một giao thức mã hóa mạng, thêm rằng chính quyền Bình Nhưỡng sẽ sớm tạo ra các thuật toán mã hóa của riêng họ.
Cuối cùng, cả hai bên đi đến thỏa thuận rằng, những người dân thường sẽ sử dụng các máy điện thoại di động tiêu chuẩn quốc tế, và người dùng đặc biệt sẽ sử dụng các điện thoại di động có chứa các thuật toán mã hóa được phát triển trong nước.
Đến năm 2011, Orascom bị công ty Nga Vimpelcom mua lại, đẩy Koryolink sang một chi nhánh mới được thành lập. Công ty đó giờ có tên là Orascom Investment Holding. Thỏa thuận ban đầu cho phép Orascom được vận hành mạng di động ở Triều Tiên đến hết năm 2015. Bởi vậy, chính quyền Bình Nhưỡng đã thiết lập một nhà mạng đối thủ có tên là Kang Song vào năm 2013, với nguồn cung cấp trang thiết bị từ một tập đoàn khác của Trung Quốc - ZTE. Kang Song nhanh chóng vượt mặt Koryolink để trở thành nhà cung cấp mạng không dây thống trị Triều Tiên.
Đến năm 2014, Bộ Thương mại Mỹ cấm xuất khẩu các trang thiết bị có nguồn gốc Mỹ cho Panda, cáo buộc công ty này chuyển trang thiết bị trên cho quân đội Trung Quốc "và/hoặc" cho các nước đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Kể từ đó, bất kỳ công ty nào cung cấp cho Panda các trang thiết bị viễn thông có chứa ít nhất 10% bộ phận do Mỹ sản xuất sẽ bị coi là vi phạm lệnh cấm xuất khẩu.
Tháng 5 năm nay, Huawei cũng bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào danh sách đen do vi phạm các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Iran. Huawei bác bỏ cáo buộc vi phạm xuất khẩu sang Iran, nói rằng họ không phải một mối đe dọa an ninh quốc gia với Mỹ, đồng thời cho rằng chính quyền Trump nhằm vào họ là vì động cơ chính trị.
"Môi trường làm ăn ở Triều Tiên ngày càng trở nên độc hại do các đòn trừng phạt của cộng đồng quốc tế" - James Mulvenon, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, nhận định - "Huawei rõ ràng không muốn bị bắt quả tang đang làm việc trực tiếp với Triều tiên, bởi vậy họ làm ăn thông qua các công ty như Panda".