Phát biểu tại sự kiện, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020. Ngoài mục đích phát triển kinh tế, Chương trình OCOP còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn, bao gồm:
Một là, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm tự hào của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường.
Ba là, phát huy nguồn lực cộng đồng như tri thức quản trị, các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống của cư dân nông thôn, nguyên liệu địa phương và sự tham gia giám sát của cộng đồng.
Theo đó, chương trình OCOP đã trở thành chính sách trọng tâm, có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp cả nước. Chương trình đã giúp nhiều địa phương khai thác được lợi thế gắn với đơn vị làng, xã để phát triển các sản phẩm đặc sản, sản vật, dịch vụ du lịch ở mỗi miền quê Việt Nam, góp phần quảng bá giá trị văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương. Những kết quả, dấu ấn của Chương trình OCOP sau gần 3 năm triển khai cũng là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định: Đồng hành với Chương trình này ngay từ những ngày đầu, Báo Nhân Dân luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trên tất cả các ấn phẩm, góp phần lan tỏa các giá trị hết sức nhân văn của Chương trình. Báo Nhân Dân cũng đã thực hiện rất nhiều tin bài và cả những chuyên đề chuyên sâu về OCOP với nhiều sản phẩm báo chí đặc sắc.
Những năm gần đây, Báo Nhân Dân đã nỗ lực thực hiện Chiến lược chuyển đổi số, kết hợp thông tin, dữ liệu với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, tạo ra những sản phẩm báo chí đặc biệt có chiều sâu và sức lan tỏa lớn.
"Việc xây dựng và cho ra mắt một chuyên trang về Chương trình OCOP cũng nằm trong mục tiêu của báo Nhân Dân là kiên định định hướng, đồng hành, lan tỏa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bám sát thực tế đời sống sản xuất, kinh doanh, kịp thời phản ánh và gợi ý những giải pháp để phát triển bền vững", đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân được thiết kế theo hướng thân thiện, hiện đại, dễ sử dụng, tiện tra cứu. Chuyên trang tập hợp thông tin dữ liệu đa dạng, chính thống về Chương trình OCOP và các sản phẩm OCOP của các địa phương.
"Chúng tôi mong muốn Chuyên trang trở thành nơi giới thiệu các cách làm hay, mô hình OCOP hiệu quả, một diễn đàn phản biện chính sách, tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể, gợi mở tiềm năng cho các địa phương hợp tác và phát triển các sản phẩm OCOP…, góp phần quảng bá, lan tỏa ý nghĩa của Chương trình OCOP đến cộng đồng, giúp bạn đọc có một góc nhìn mới mẻ về chương trình đầy ý nghĩa này", đồng chí nói.
Chia sẻ tại Lễ ra mắt, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao ý nghĩa của việc ra mắt chuyên trang OCOP trên Báo Nhân Dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân đã thể hiện được tinh thần yêu nước. Đằng sau mỗi một sản phẩm OCOP có sự chung tay của rất nhiều con người, góp phần kích hoạt khu vực kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Theo Bộ trưởng, mỗi sản phẩm OCOP hướng tới “kích hoạt” sự năng động, “hồi sinh sức sống” của cộng đồng nông thôn, thông qua đó để đào tạo một thế hệ doanh nhân mới là những người trẻ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP.
Trong mỗi sản phẩm OCOP có tích hợp đa giá trị, có niềm tự hào về giá trị văn hóa bản địa - yếu tố phân biệt giá trị sản phẩm OCOP của từng vùng, miền. “Ngày nay người ta không mua sản phẩm nữa mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, gồm tâm thế, văn hóa, câu chuyện, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nếu bán cái hữu hình thì có giá để so sánh, nhưng sẽ không có cái giá nào để so sánh khi bán niềm tự hào của người dân, những giá trị văn hóa bản địa được lồng ghép tinh tế trong các sản phẩm OCOP.
Bộ trưởng nêu rõ, việc tạo ra một sản phẩm đã khó, nhưng đưa sản phẩm lên kệ hàng siêu thị và duy trì nó lại càng khó hơn. “Ai kể được câu chuyện giàu cảm xúc nhất qua sản phẩm thì người đó sẽ thắng, và sẽ không có điểm dừng cho việc phát triển các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm cần trau chuốt hơn để đáp ứng yêu cầu của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng khẳng định: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đồng hành với Báo Nhân Dân trên chặng đường thúc đẩy sản phẩm OCOP sắp tới, để từ đó lan tỏa giá trị của ngày càng nhiều sản phẩm OCOP hơn nữa, "kích hoạt cả một cộng đồng hồi sinh, khơi dậy niềm tự hào, khuyến khích cộng đồng đoàn kết với nhau, tạo ra sức mạnh theo cấp số nhân, cùng tham gia phát triển sản phẩm OCOP".