Trong đó đáng chú ý là 2 cổ vật bằng đất nung rất độc đáo và có giá trị đó là phù điêu rồng hình lá đề và tượng thần Kinnari, đều có niên đại thời Lý - Trần.
Phù điêu rồng được bố cục trong hình lá đề (lá nhĩ), viền xung quanh là hình hoa văn cuộn sóng, bên trong là đề tài trang trí hình hai con rồng (lưỡng long tranh châu), đuôi phía trên, thân chúc xuống. Hai đầu chúc vào nhau và hướng lên phía trên viên ngọc. Phù điêu này khá lành lặn. Nghệ thuật điêu khắc thời Lý - Trần là một nét son rực rỡ trong lịch sử của nền nghệ thuật Việt Nam. Điêu khắc đời Lý - Trần thường hướng vào đề tài thiên nhiên như mây, nước, hoa sen, hoa cúc… và đặc biệt là hình tượng lá đề và con rồng xuất hiện đậm đặc tại các công trình kiến trúc.
Tượng Kinnari |
Tượng Kinnari bằng đất nung được tạo tác với khuôn mặt bầu tròn, ngực ưỡn về phía trước, đầu đội mũ giống như mũ quan, hơi bợt về phía sau; hai tay như dâng một tờ sớ; đôi cánh thu lại ở phía gần đuôi. Đuôi chốc ngược nhô cao hơn đầu. Khuôn mặt bầu tròn trông rất phúc hậu, mũi thẳng, miệng nhỏ, mắt mở nhìn thẳng. Tượng Kinnari thời Lý - Trần được tạo tác dưới dạng đầu người mình chim thể hiện rõ nét sự tiếp biến với văn hóa Champa.
Có ý kiến cho rằng, biểu tượng chim thần Kinnari của Champa được lấy từ mô típ chim thần Garuda trong thần thoại Ấn Độ. Đây cũng là hiện tượng giao thoa tiếp biến giữa các nền văn hóa rất phổ biến. Hình tượng Kinnari đầu người mình chim xuất hiện nhiều trong các đền, chùa ở nhiều nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, tượng Kinnari nổi tiếng nhất có lẽ là tượng ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Tượng này bằng đá, cao 40cm, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Việc Trung tâm UNESCO sưu tầm cổ vật Việt Nam trao tặng nhiều cổ vật cho BTTH Bình Định không chỉ góp phần làm phong phú số lượng, nhóm hiện vật, mà còn tạo điều kiện cho du khách tham quan, các nhà khoa học có thêm tư liệu nghiên cứu.