Lồng ghép nhiều mục tiêu gắn với chính sách bảo tồn
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Y Thanh Hà Niê Kđăm, trong suốt sự nghiệp lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, XI về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là cơ sở quan trọng trong định hướng chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS giai đoạn vừa qua.
Trên cơ sở chủ trương, đường lối Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội, cơ quan chức năng đã cụ thể hoá thành hệ thống chính sách văn hóa nói chung và chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đồng bào DTTS nói riêng, nhằm tạo chuyển biến, khai thác nguồn lực văn hoá theo hướng bền vững (chẳng hạn, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 về việc phê duyệt “Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ...
Đặc biệt, trong “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” đã xác định và lồng ghép nhiều mục tiêu, nội dung, nguồn lực của Chương trình gắn với chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tộc người. Nhiều mục tiêu, nội dung về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS cũng đã được các cơ quan hoạch định chính sách tích hợp vào mục tiêu, chỉ tiêu chung của Chương trình.
"Có thể khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Qua đó đã góp phần chấn hưng, quảng bá, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các cộng đồng DTTS. Tính hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã tạo nên hiệu quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, hình thành tư tưởng, tình cảm, tinh thần trong đời sống tinh thần của các DTTS và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, vùng và Đất nước", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, văn hoá các DTTS ở nước ta đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Y Thanh Hà Niê Kđăm, có thể nhận diện một số thách thức, biến đổi. Đó là sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Nhiều giá trị văn hóa vốn được xem là đặc trưng, là bản sắc độc đáo của các DTTS có nguy cơ bị mai một như các lễ hội dân gian, phong tục tập quán truyền thống dần ít được thực hành, các sinh hoạt văn hóa dân gian như dân ca, dân vũ bị suy giảm, nhiều nhạc cụ dân tộc không còn được nhiều người DTTS am hiểu yêu thích...
Quá trình tiếp biến văn hoá đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng, không lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ như: Văn hóa lai căng, không lành mạnh, tâm lý chối bỏ các giá trị văn hóa truyền thống, chạy theo xu hướng mới, hình thành lối sống mới, hiện đại và thực dụng ở một bộ phận thanh niên nhưng lại ít quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống.
Yêu cầu giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế. Cùng với việc quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá trong quá trình hội nhập thì vấn đề kiến tạo sự gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS với các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi cũng cần được đặt ra.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện, đánh giá chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các DTTS còn nhiều hạn chế.
Chú trọng nâng cao chất lượng lập pháp về văn hóa
Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Trong đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tính đột phá.
Từ thực trạng nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề xuất: Tiếp tục đổi mới nhận thức trong công tác hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các DTTS. Trong đó, đặc biệt phải chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, chất lượng lập pháp của Quốc hội về văn hóa; xem văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá của quá trình phát triển. Trong quá trình hoạch định chính sách cần xác định đúng các mục tiêu văn hóa cần đạt được và đánh giá đầy đủ tác động văn hóa trước khi ban hành các chính sách, pháp luật, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tiếp tục rà soát văn bản, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng DTTS. Trong đó cần ưu tiên xây dựng Chiến lược tổng thể về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá các DTTS đặc sắc đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Chú trọng xây dựng và phát triển số hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS để phục vụ cho công tác quản lý, khai thác.
Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá DTTS. Nhà nước cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng DTTS; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát một cách chủ động, thường xuyên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.
Chủ động rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS. Cần tiếp tục đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các DTTS.
Đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Nhà nước cần ưu tiên tư đầu tư, tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” và Dự án 9: “Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc về các giá trị đặc sắc của văn hoá truyền thống của các dân tộc như là nền tảng tinh thần, là động lực, là nguồn lực nội sung cho phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Cần tiếp tục cụ thể hóa các nội dung chính sách Bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 10.000 người) các dân tộc thiểu số tại các khu vực tái định cư dự án thủy điện liên thông, kết nối toàn diện với các chương trình, dự án có liên quan.
"Đây là những giải pháp cấp thiết, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ với các lộ trình, bước đi và nguồn lực đảm bảo tương xứng. Các cơ quan hoạch định, tổ chức thực hiện giải pháp cần tiếp tục đầu tư xây dựng nội dung cụ thể về chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng dân tộc, từng khu vực, từng vùng", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh.