Trong suốt 113 năm tồn tại (1862-1975), bất chấp chế độ lao tù khắc nghiệt, các chiến sỹ Cộng sản và những người yêu nước Việt Nam đã kiên cường đấu tranh, giữ vững khí tiết, biến ngục tù thành Trường học Cách mạng. Nhiều người đã trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng…
Di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia
Vốn là một quần đảo hoang sơ và tươi đẹp nằm ở vùng biển phía Đông Nam của nước ta, nhưng trước năm 1975, Côn Đảo được coi là "địa ngục trần gian", bởi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng ở đây một hệ thống nhà tù khổng lồ trong suốt quá trình xâm lược nước ta.
Qua các thời kỳ, hệ thống Nhà tù Côn Đảo có tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng "biệt lập chuồng cọp". Sự tồn tại của mỗi loại phòng giam, hầm đá, phòng cấm cố tập thể, biệt lập chuồng cọp, phòng tắm nắng, hầm phân bò… đều gắn liền với những câu chuyện rùng rợn về cách mà bọn cai ngục tra tấn, hành hạ người tù.
Tính đến ngày 30/4/1975, Nhà tù Côn Đảo đã tồn tại được 113 năm. Trong thời gian đó, khoảng 20 nghìn người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã hy sinh tại đây.
Với những giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 29/4/1979, Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quyết định số 54/QĐ-VHTT đặc cách công nhận Khu Di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Nhớ về những ngày tháng giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn, cựu tù chính trị Côn Đảo chia sẻ: Anh em cựu tù chính trị Trại I-6B Côn Đảo trước đây xác định trong nhà tù cũng là một mặt trận để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Chúng tôi xác định, phải tiếp tục giữ vững khí tiết của người cách mạng, không chấp nhận những điều kiện địch đặt ra, không hô khẩu hiệu xúc phạm Lãnh tụ của chúng ta, không đi làm khổ sai để phục vụ nhà cầm quyền Côn Đảo. Trước sự chống cự của các cựu tù như thế, cai ngục đưa anh em chúng tôi đi cầm cố cả, một phòng giam chúng nhốt khoảng 80 người. Trong buồng giam, chúng tôi đấu tranh bằng cách hằng ngày tạo dư luận bằng cách mỗi người nói một tiếng với nội dung tố cáo địch, không cho ăn, không thuốc trị bệnh, không quần áo mặc... Hàng trăm tù nhân đều làm như vậy nên vang cả khu vực.
Tháng 8/1976, khi thăm lại Nhà tù Côn Đảo, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: "Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng, Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại, Côn Đảo là một trường học lớn cho các thế hệ mai sau".
Bảo tồn nguyên trạng di tích
Thực hiện lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Côn Đảo nói chung và Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo nói riêng luôn ý thức được trách nhiệm và vinh dự lớn lao trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo.
Những năm qua, công tác trùng tu tôn tạo các di tích được thực hiện đúng theo nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng xuống cấp di tích. Trùng tu Nhà Công Quán, Trại Phú Hải, Trại Phú Tường, Chuồng Cọp Pháp, Di tích Nhà Chúa Đảo. Cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích, mở rộng bãi đậu xe, mở rộng sân hành lễ, xây mới nhà hóa vàng trong di tích Nghĩa Trang Hàng Dương...
Mới đây nhất, công trình chỉnh trang Nghĩa trang Hàng Keo với các hạng mục: Bia tưởng niệm; sân hành lễ; đường nội bộ; hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời; hệ thống cấp thoát nước; 14 cụm điêu khắc đá với tổng mức đầu tư trên 34 tỷ đồng đã hoàn thành, được đưa vào phục vụ nhu cầu thăm viếng của người dân Côn Đảo và du khách.
Bà Phạm Thị Tám, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo cho biết, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo là khu di tích đặc biệt duy nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đơn vị nhận thức sâu sắc nhiệm vụ được giao là bảo tồn phát huy giá trị Khu di tích, lưu giữ những giá trị lịch sử mà bao thế hệ ông cha ta đã hy sinh dưới ách thống trị của thực dân và đế quốc.
Du khách trong nước và quốc tế tham quan Nhà tù Côn Đảo. |
Nhà tù Côn Đảo được xem như là bàn thờ thiêng của Tổ quốc, du khách đến đây ngưỡng mộ, tri ân các anh hùng liệt sỹ và đồng bào yêu nước đã hy sinh trên mảnh đất thân thương này. Cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm bảo tồn Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Đảo là những người gắn bó lâu dài với đơn vị, tâm huyết, yêu nghề, cố gắng phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, truyền tải những tình cảm, những thông điệp về giá trị lịch sử đến người dân địa phương và du khách, mỗi người khi đến đây phải hiểu được giá trị di tích đặc biệt đối với mảnh đất thiêng liêng Côn Đảo.
Để bổ sung vào kho tư liệu lịch sử phục vụ công tác bảo tồn, bảo tàng, thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo đã phân loại 1.435 danh sách tù nhân theo tỉnh, thành phố giai đoạn 1862-1930 và 1930-1945. Vào sổ đăng ký 170 hiện vật, bảo dưỡng 152 trang tư liệu, nhập máy tính 258 trang, scan 678 trang, số hóa 406 trang hồi ký tù nhân Côn Đảo vào website tra cứu, thực hiện sưu tầm 1.289 tư liệu, hiện vật...
Điều đáng ghi nhận là ý thức của nhân dân, du khách và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc chung tay bảo vệ, gìn giữ di tích được nâng cao. Công tác bảo vệ, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ tạo mỹ quan và môi trường xanh-sạch-đẹp trong di tích được chú trọng. Chính vì lẽ đó, di tích Nhà tù Côn Đảo sau hơn 47 năm giải phóng vẫn còn được giữ gìn, bảo tồn gần như nguyên vẹn. Những bức tường giam, những hàng song sắt, dây kẽm gai, những xà lim, chuồng bò, chuồng cọp, hầm xay lúa … vẫn hiện hữu như một chứng tích của một thời hoa lửa nơi Côn Đảo.
Anh Đinh Minh Thông, du khách tham quan di tích Nhà tù Côn Đảo cho hay: Khi đến đây, nhìn thấy các hiện vật và kiến trúc vẫn được bảo quản rất tốt, tôi nhận thấy đây là điều đáng quý dành cho các thế hệ sau; mọi người có thể đến tham quan, học tập, tìm hiểu về sự đấu tranh bất khuất của các thế hệ đi trước trong thời kỳ chiến tranh.
Phát huy giá trị đặc biệt, giáo dục truyền thống yêu nước
Khu di tích Nhà tù Côn Đảo đã phát huy giá trị đặc biệt trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang Hàng Keo, Đền Thờ Côn Đảo là những địa chỉ đỏ về nguồn. Những di tích Phú Hải, Phú Tường, những xà lim, chuồng cọp, khu đập đá, cầu ma Thiên lãnh, cầu tàu 914... đã trở thành những địa chỉ du lịch văn hóa lịch sử, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu.
Chị Lê Thị Huệ, khách tham quan di tích Nhà tù Côn Đảo chia sẻ: Chúng tôi được học lịch sử và nghe về các di tích lịch sử, cũng được đi đến nhiều nơi, nhưng thực sự Côn Đảo là nơi mà ghi lại những dấu ấn lịch sử sâu sắc nhất của các bậc tiền nhân đã đi qua. Tôi được chứng kiến những hình tượng được tái hiện lại trong Nhà tù, những công việc khổ sai khiến tôi rất xúc động và cảm thấy tự hào về dân tộc Việt Nam.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo, những năm 2000 trở về trước, lượng khách tham quan di tích trung bình khoảng 5.000 lượt khách/năm. Giai đoạn 2000-2015, lượng khách trung bình khoảng 60 nghìn lượt khách/năm. Giai đoạn 2015-2020 lượng khách tham quan tăng lên hơn 150 nghìn lượt khách/năm. Riêng năm 2022, sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lượng khách tới tham quan các di tích trên 227 nghìn lượt khách/năm, số khách thăm viếng Nghĩa trang Hàng Dương gần 531 nghìn lượt khách/năm. Điều đó chứng tỏ sức thu hút đặc biệt của loại hình du lịch văn hóa lịch sử tại Côn Đảo.
Kế thừa truyền thống kiên trung, bất khuất của cha ông, 47 năm sau ngày giải phóng, bên cạnh hệ thống di tích Nhà tù Côn Đảo được bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt giá trị lịch sử, thì Côn Đảo cũng có nhiều đổi thay. Dễ thấy nhất là diện mạo Côn Đảo ngày càng khang trang, hệ thống đường giao thông nội đảo, những công trình công cộng phục vụ đời sống dân sinh, các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng theo quy hoạch phát triển lâu dài. Những khu resort, khách sạn phục vụ du lịch tăng cao hàng năm để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Hiện nay, trên địa bàn huyện Côn Đảo có 142 cơ sở lưu trú hoạt động kinh doanh, với tổng số 2.689 phòng, sức chứa gần 7.000 người/ngày.
Theo ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng nội bộ của huyện đồng bộ, kết nối các khu vực của huyện Côn Đảo. Bên cạnh đó, huyện đang kêu gọi đầu tư 2 dự án là dự án nhà máy xử lý rác và dự án nhà máy nước 10 nghìn m3/ ngày đêm để phục vụ nhu cầu của huyện. Vừa qua, Đề án kéo điện lưới quốc gia từ Sóc Trăng ra Côn Đảo đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ, đồng thời Dự án mở rộng sân bay Côn Đảo đang được Bộ Giao thông Vận tải tích cực triển khai. Những dự án trên là tiền đề để huyện Côn Đảo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển dân cư, du lịch với các yêu cầu về bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ tài nguyên và sinh thái, bảo đảm an ninh quốc phòng. Hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa lịch sử, gắn với các khu đô thị xanh, bền vững.
Theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2045, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 417, ngày 1/4/2022 xác định xây dựng Côn Đảo trở thành "Khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa lịch sử-tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế". Với mục tiêu này, hiện nay, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã và đang chung tay triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng Côn Đảo trở thành thiên đường du lịch biển đảo và văn hóa, lịch sử hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.