Theo TS Lê Đăng Doanh, tiềm năng tăng trưởng cho lĩnh vực bất động sản Việt Nam rất lớn. Việt Nam có dân số tiếp tục tăng trưởng, đồng thời tầng lớp trung lưu tăng lên và giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng. Thị trường du lịch Việt Nam có dư địa phát triển rất rộng lớn, trong đó phần lớn là khách Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc. Đơn cử như có 143 triệu khách du lịch Trung Quốc đi ra nước ngoài trong năm 2016, 43% số đó có độ tuổi dưới 30 tuổi, nhu cầu chi tiêu khác hẳn so với người già. Một thị trường nữa là tầng lớp trung lưu trẻ.
“Tại FLC Sầm Sơn, tôi thấy nhiều gia đình trẻ đi hưởng thụ, khác với thời chúng tôi ngày xưa. Mảng bất động sản nghỉ dưỡng ven biển như Tập đoàn FLC đầu tư là những nơi Việt Nam có lợi thế rõ rệt”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Đồng quan điểm này, Võ Trí Thành, Nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu QLKT Trung ương nhận định, BĐS nghỉ dưỡng giờ không chỉ dành cho những người “tạm gọi là có tiền”, mà còn gắn với một số phân khúc khác như người lớn tuổi và bảo hiểm. Trong bối cảnh tầng lớp trung lưu tăng, cấu trúc dân số đem lại những cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng.
“Việc bất động sản nghỉ dưỡng bùng nổ rất phù hợp với chiến lược du lịch. Tôi chỉ lấy một ví dụ, Thái Lan có dân số 60 triệu người thì số khách du lịch tới thăm lên tới 30 triệu khách, Việt Nam giả sử làm kém hơn 90 triệu dân thì cũng thu hút 30 triệu khách du lịch, đây là một con số rất tiềm năng”, TS Thành chia sẻ.
Tuy nhiên, TS Thành cũng cảnh báo: Bất động sản là đầu tư tài chính, là dòng tiền lớn, là sự lành mạnh của tài chính ngân hàng. Nên một mặt, chúng ta cần hứng khởi, nhưng mặt khác cần cẩn trọng với bong bóng.
Hội thảo "Xu hướng dòng tiền trong bối cảnh bất động sản phân hóa" được tổ chức vào thứ Bảy, ngày 8/4/2017 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế thuộc quần thể FLC Sầm Sơn, Thanh Hoá. |
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng BĐS nghỉ dưỡng là một phân khúc thị trường mới đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư song để “chọn mặt gửi vàng”, nhà đầu tư cần quan tâm đến sức mạnh tài chính của chủ đầu tư. TS Hiếu phân tích một cách tỉ mỉ: “Ví dụ như FLC, nợ ngân hàng của Tập đoàn FLC là 3,6 nghìn tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu gần 8 nghìn tỷ. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu chỉ bằng khoảng 0,5 lần, thấp hơn so với nhiều khách hàng của ngân hàng tôi với tỷ lệ trên 1 lần. Đây là cái an toàn thứ nhất. Thứ hai, tôi sẽ quan tâm đến lợi nhuận. FLC cam kết mỗi năm đưa ra lợi nhuận trên 10% cho sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, tuy không cao lắm, vì hàng năm tôi vẫn trả lãi 6 - 7% cho tiền gửi khách hàng. Chứng khoán của Việt Nam dù tăng trưởng 30% tính từ tháng 4/2016 nhưng không có tính ổn định lớn. Do đó, thị trường chứng khoán dù tăng mạnh nhưng nhà đầu tư vẫn dè dặt.
Giá vàng hiện dao động quanh mức 1.260 USD/ounce, và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ tăng do còn nhiều bất ổn trên thế giới. Mới đây Mỹ đã bắn hơn 30 quả tên lửa Tomahawk vào Syria và những bước đi tiếp theo của Mỹ vẫn còn khó đoán.
Tình hình chính trị thế giới dự báo sẽ còn bất ổn, do đó thị trường chứng khoán và tỷ giá sẽ còn biến động. Tuy vậy, tôi dự báo biến động tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước sẽ dao động trong biên độ 2-3% năm nay. Kênh tiền gửi có lãi suất khoảng 6-7% mỗi năm.
Do đó, với mức cam kết lợi suất 11%, đầu tư vào bất động sản có mức sinh lời tốt và ổn định. Tập đoàn FLC làm sao phải đảm bảo các cam kết đó, làm sao để đưa khách du lịch quốc tế vào đây để đảm bảo mức sinh lời đó.
Nếu là nhà tài chính, tôi phải tính dòng tiền trong tương lai. Khi tôi mua nhà từ 3-5 tỷ, thường sẽ phải vay ngân hàng, vì vậy, mỗi tháng sẽ phải trả một số lãi cho ngân hàng. Tôi đầu tư vào căn hộ của FLC thì FLC sẽ giúp cho thuê lại căn hộ và tôi sẽ nhận được một số tiền cố định hàng tháng từ tiền cho thuê này. Do đó, khi đầu tư, chúng ta cần tính dòng tiền vào và ra sao cho giá trị ròng của dòng tiền phải trên 0”.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường BĐS đang phân hoá mạnh mẽ, những chủ đầu tư lớn đang có thế mạnh trong phân khúc BĐS nghỉ dưỡng như FLC cần sớm liên kết với các hãng lữ hành quốc tế để xây dựng những khu du lịch chuyên môn hóa với một số nước, từ đó biến du lịch thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ của đất nước.