Liên tiếp bị lừa mua bạc giả
Ngày 30/7, Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Phó Trưởng Công an huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An xác nhận, đơn vị đang tạm giữ 3 đối tượng gồm Đỗ Xuân Luận (SN 1990), quê xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; Nguyễn Đình Đức (SN 1999) và Nguyễn Thái Hòa (SN 2000), cùng trú xã Yên Sơn, huyện Đô Lương để điều tra làm rõ hành vi sản xuất, lừa bán bạc giả tại các tiệm vàng bạc.
Theo hồ sơ, Công an huyện Đô Lương nhận được trình báo của chị Nguyễn Thị Hà, trú khối 4, thị trấn Đô Lương về việc, ngày 19/7, có 2 thanh niên lạ mặt đến cửa hàng của chị bán 5 dây chuyền bạc với số tiền gần 8 triệu đồng. Sau khi kiểm tra, chị mới biết đó là bạc giả. Ngày 22/7, Công an huyện Đô Lương tiếp tục nhận được đơn trình báo của anh Nguyễn Quốc Dũng, trú khối 9, thị trấn Đô Lương về việc bị 2 thanh niên lừa bán dây chuyền bạc giả với thủ đoạn như trên.
Xác định sự việc nghiêm trọng, lãnh đạo Công an huyện Đô Lương đã báo cáo cho Ban giám đốc Công an tỉnh Nghệ An và xác lập chuyên án để điều tra. Bằng các biện pháp nghiệm vụ, Công an huyện Đô Lương xác định 2 đối tượng trên là một nhóm và chúng đã thực hiện nhiều vụ ở nhiều địa bàn khác nhau.
Trích xuất camera an ninh từ cửa tiệm vàng, Công an huyện Đô Lương lập tức xác minh được danh tính 2 đối tượng trên là Nguyễn Đình Đức (SN 1999) và Nguyễn Thái Hòa (SN 2000), cùng trú xã Yên Sơn, huyện Đô Lương. Sau khi củng cố chứng cứ, 2 đối tượng đã được triệu tập lên trụ sở để làm việc. Biết không thể thoát tội, Đức và Hòa đã khai nhận hành vi bán bạc giả để kiếm lời.
“Nguyễn Đình Đức và Nguyễn Thái Hòa khai không biết nguồn gốc của số bạc này ở đâu. Được 1 nam thanh niên nhờ bán và hứa sẽ chia đôi lợi nhuận, do đang thiếu tiền nên 2 đối tượng này đã đồng ý. Các đối tượng đã thực hiện trót lọt một số vụ trên địa bàn huyện Đô Lương, thấy “ngon ăn” nên đang định mở rộng sang các huyện lân cận thì bị bắt”, Trung tá Nguyễn Đức Thịnh cho biết. Liên quan đến vụ án, ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng Công an xã Yên Sơn cho biết thêm: “Nguyễn Đình Đức và Nguyễn Thái Hòa chưa có tiền án tiền sự. Đức đang làm thuê một cửa hàng điện, còn Hòa vừa tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, 2 đối tượng khá nổi tiếng là ăn chơi, phá phách, lười lao động”.
Phát hiện có kẻ đứng sau chỉ đạo, các điều tra viên tiếp tục điều tra và xác định đó là Đỗ Xuân Luận. Tuy nhiên đối tượng có hành tung bí ẩn nên khó theo dõi. Đặc biệt, sau khi 2 đối tượng trên bị triệu tập thì Luận cũng “biến mất”...
Tóm gọn kẻ chủ mưu trong đám cưới
Sau khi xác minh, ban chuyên án phát hiện vào thời gian này Đỗ Xuân Luận đang về quê nhà tại xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định để dự đám cưới. Nhận định rằng Luận chưa biết hành vi phạm pháp của mình đã bị lộ nên ban chuyên án lập tức cử một tổ công tác ra tận Nam Định, nhờ sự giúp đỡ của công an địa phương lên kế hoạch bắt gọn đối tượng.
“Yêu cầu đặt ra với ban chuyên án là phải bí mật bởi đám cưới là nơi đông người, lại toàn người nhà của đối tượng, nếu công khai có thể dẫn đến sự cố không hay. Ngoài ra, yếu tố bất ngờ cũng phải đặt lên hàng đầu, nếu đối tượng phát hiện ra có thể bỏ trốn bởi thông thạo địa hình, lúc này việc truy đuổi sẽ vô cùng khó khăn”, Trung tá Thịnh cho biết.
Sau khi tính toán các phương án, tổ công tác quyết định nhờ Công an xã Yên Thắng mời đối tượng Đỗ Xuân Luận lên trụ sở. Tại đây, các trinh sát sẽ bao vây, khống chế rồi tiến hành bắt giữ. Đúng như kế hoạch, khi thấy công an xã mời lên thì Luận chỉ nghĩ bị triệu tập để hỏi về việc rời xa địa phương lâu ngày chứ không hề biết rằng mình đã “rơi vào lưới”. Sau khi thông báo với người thân, Luận đến trụ sở UBND xã Yên Thắng và lập tức bị các trinh sát Công an huyện Đô Lương ập đến bắt giữ trong sự ngỡ ngàng.
Theo lời khai của các đối tượng, từ đầu tháng 6/2018, Đỗ Xuân Luận đã mua nhiều dây kim loại bạc kém chất lượng của 1 người không rõ lai lịch thông qua mạng xã hội. Sau đó, Luận làm giả bạc theo tỉ lệ 3 phần bạc trộn 7 phần kẽm. Để đánh lừa người mua, Luận tráng tĩnh điện một lớp bạc bên ngoài dây chuyền, sau đó bắt xe vào tận Nghệ An để lừa bán. Mục đích của Luận là nếu bị phát hiện có thể dễ dàng bỏ trốn về quê.
Do không thông thạo địa hình, Luận nhờ Đức và Hòa tiêu thụ số bạc giả trên tại địa bàn huyện Đô Lương. Không chỉ vậy, các đối tượng này còn bán bạc giả tại các tiệm vàng thuộc huyện Đô Lương, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Nam Đàn, Yên Thành, Diễn Châu.
Từ lời khai của đối tượng, ban chuyên án đã tiến hành khám xét nhà riêng của Luận tại Nam Định. Tại đây, cơ quan công an thu giữ 23 dây chuyền kim loại bạc giả, 1 máy hơi, 1 thùng dung môi tĩnh điện, các vật dụng khác dùng để đúc dây chuyền bạc.
Đây là thủ đoạn mới của bọn tội phạm, nhìn qua mắt thường rất khó phân biệt giả, thật. Thậm chí, nhiều tiệm vàng có kinh nghiệm cũng bị các đối tượng “qua mặt”. Trung bình, 1 sợi dây các đối tượng kiếm lời từ 800.000 đồng – 1.200.000 đồng. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, nhóm trên đã gây ra 23 vụ lừa đảo bằng hình thức mua, bán bạc giả trên địa bàn 9 huyện nói trên.