Bầu Kiên có đơn khiếu nại viết tay dài 144 trang
Sáng nay 1/12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ Nguyễn Đức Kiên ("bầu" Kiên), nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), và 5 đồng phạm về tội Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Người Lao Động đưa tin.
Cũng giống như hôm đầu xét xử, các bị cáo đều trong trang phục xanh, còn riêng bầu Kiên vận áo sơ mi trắng, quần âu. Trong khi các bị cáo khác ngồi tỏ ra căng thẳng thì "bầu" Kiên cặm cụi ngồi đọc tài liệu trên băng ghế dành cho bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) tại phiên toà sáng 1/12. |
Khi bị cáo Nguyễn Đức Kiên được gọi ra để thẩm vấn, chủ toạ nhắc nhở: "Đơn khiếu nại của của bị cáo gửi TAND tối cao dài 118 trang, HĐXX đã nghiên cứu kỹ từng nội dung; 26 trang bị cáo gửi VKS, HĐXX cũng đã được nghiên cứu. Đề nghị bị cáo tập trung trình bày nội dung chính".
Bị cáo Kiên nói: "Xin trình bày dài vì bản án với một người không phạm tội 30 năm là rất dài". Bị cáo Kiên đề nghị cho gửi đơn khiếu nại bổ sung, vì đơn này đã nhờ luật sư gõ máy tính lại cho dễ đọc, bổ sung để gửi lại thay thế cho đơn kia. Bị cáo Kiên xin được ký ngay tại toà để gửi cho chủ toạ.
Một thẩm phán nói: Đơn của bị cáo chữ rất khó đọc nhưng chúng tôi cũng đã đọc. Đơn đánh máy chúng tôi cũng sẽ đọc. Sau đó, chủ toạ vẫn chấp nhận để bị cáo ký đơn ngay tại toà để gửi cho thư ký.
Đơn khiếu nại này nói chi tiết về 4 tội danh bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tại phiên toà sơ thẩm cách đây hơn 5 tháng.
Đáng chú ý, bị cáo Kiên đề xuất: “Tại phiên sơ thẩm, toàn bộ phần thẩm vấn tôi bị cách ly. Vì vậy, phiên phúc thẩm tôi đề nghị hạn chế cách ly trong quá trình xét xử. Là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì tôi phải được biết các bị cáo khác, luật sư nói gì trong vụ án". Tuy nhiên, sau phần kiểm tra căn cước, đến phần xét xử, bị cáo Kiên vẫn tiếp tục bị cách ly.
Thẩm vấn các bị cáo về tội Kinh doanh trái phép
Sáng nay, toà bắt đầu thẩm vấn các bị cáo về tội Kinh doanh trái phép. Bản án sơ thẩm xác định từ tháng 5/2007 đến tháng 8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã lập 6 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên để kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền lên tới hơn 21.490 tỷ đồng, theo Tuổi Trẻ.
Việc phát hành trái phiếu của các công ty do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo để bán cho một số Ngân hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có sự giúp sức tích cực của một số cá nhân thuộc ngân hàng ACB, ngân hàng Vietbank nên đã quyết định khởi tố vụ án hình sự tại ngân hàng ACB và ngân hàng Vietbank.
Trả lời tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bác bỏ các nhận định của bản án sơ thẩm về hành vi kinh doanh trái phép. Bầu Kiên cho biết đã viết đơn kiến nghị dài 118 trang về nội dung vụ án để gửi TAND tối cao.
Ông “bầu” tóc bạc cho biết, tất cả các khoản đầu tư góp vốn của 5 công ty mà ông này lập ra đều được các tỉnh và thành phố cấp phép. Sau khi tòa sơ thẩm kết thúc, đến ngày tòa phúc thẩm mở chưa có bất kỳ cơ quan nhà nước nào tuyên phải thu hồi giấy phép của các công ty trên. Đến ngày hôm nay các công ty vẫn hoạt động bình thường, hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu bình thường.
Với tư cách là chủ tịch của 5 công ty trên, Nguyễn Đức Kiên trình bày về vai trò của mình rằng: “Căn cứ vào điều 13 luật doanh nghiệp, điều 4, 7, 8, 18, 19 tôi đã thực hiện đúng khi nộp 3 tài liệu, bản sao giấy đăng ký kinh doanh, nghị quyết của hội đồng quản trị về quyết định cử người đại diện và chứng minh thư của tôi được sao y bản chính”. Theo bị cáo Nguyễn Đức Kiên, hiện nay toàn bộ hồ sơ này đều được lưu giữ đầy đủ tại các phòng đăng ký kinh doanh các tỉnh.
“Bầu” Kiên lấy dẫn chứng điều 4 luật doanh nghiệp đã quy định rõ, góp vốn là được đưa tài sản để làm chủ công ty chứ không phải việc tạo hàng hóa. Điều 8: Kinh doanh, đầu tư đây là hai lĩnh vực khác nhau, hoạt động đầu tư theo luật đầu tư. Việc năm công ty thành lập là hợp pháp, hợp lệ và đúng pháp luật. Việc 5 công ty góp vốn là đúng pháp luật.
“Bầu" Kiên cũng xin có ý kiến về 2 nội dung khác, việc 5 công ty thành lập đầu tư cổ phiếu nhằng nhịt, đầu tư chéo là không có. “Tất cả các công ty do tôi thành lập ngay từ đầu không tạo ra mâu thuẫn nào cho bất kỳ đối tác nào và 5 công ty này vẫn đang hoạt động, đóng góp tốt cho xã hội”, lời của bị cáo.
“Việc các công ty này được thành lập có vốn của các cổ đông rất lớn, lớn nhất là 3.200 tỷ đây là tiền mặt nên không thể nói là công ty ma. Tôi đề nghị tòa án phúc thẩm không tuyên tôi tội kinh doanh trái phép”, Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
Về việc thực hiện các lệnh giao dịch của Công ty Thiên Nam tại ACB, HĐXX hỏi “bầu” Kiên có nhớ người nghe khi ông này gọi điện không, Nguyễn Đức Kiên nói không nhớ vì có rất nhiều người nghe và đều thực hiện theo lệnh của ông Lê Quang Trung.
“Thiên Nam và ACB cho đến ngày hôm nay không có bất kỳ lệnh thanh toán, hoàn toàn không có việc thanh toán”, Nguyễn Đức Kiên nói.
Sau khi "bầu" Kiên trình bày, hội đồng xét xử đề nghị Công ty cổ phần đầu tư thương mại Nhà Rồng, Công ty cổ phần xi măng Hòa Phát, Công ty cổ phần hàng hóa Sài Gòn, Ngân hàng Phương Nam, đại diện Cty cổ phần đầu tư AFG, ACI, ACI HN và Công ty cổ phần đầu tư ACB, Vietbank, Ngân hàng Thương mại Kiên Long, Dệt may Phố Nối, … xác nhận các số liệu liên quan đến hoạt động đầu tư tại 5 công ty của "bầu" Kiên, cụ thể là ACI. Các đơn vị xác nhận số liệu đầu tư mà hội đồng xét xử đưa ra là đúng.
Ông Trần Ngọc Thanh vẫn tiếp tục nằm viện
Khi được tòa hỏi về sức khỏe ông Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội), cảnh sát dẫn giải cho biết ông Trần Ngọc Thanh vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai nên không thể đến tòa. Tòa cho biết nếu cần sẽ công bố các lời khai của ông Thanh tại cơ quan điều tra. Trước đó, tại phiên tòa chiều 28/11, ông Trần Ngọc Thanh bị ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu.
Được biết, bị án Trần Ngọc Thanh là người không có đơn kháng cáo nhưng vẫn được triệu tập đến phiên phúc thẩm với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.