Liên quan đến sự việc cháu P.T.T. (2 tuổi), ở tổ 14 phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, tử vong do hóc dị vật (kẹo) trong cổ họng hôm 11/3, gia đình cháu T. cho rằng, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ (Hà Nội) tắc trách khiến dư luận xôn xao.
Theo gia đình của cháu T. thời điểm xảy ra sự việc gia đình có đưa cháu T. đến Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ cấp cứu nhưng được các bác sĩ kết luận, cháu T. tử vong ngoại viện. Tiếp đó các bác sĩ ở đây có tiến hành cấp cứu theo quy trình cho cháu nhưng vẫn không cứu được.
Khi gia đình đưa cháu T. ra nghĩa trang ở địa phương chuẩn bị an táng, thì mồm cháu bỗng dưng “ngáp ngáp, cơ thể vẫn ấm”, họ vội đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông để cấp cứu. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông các bác sĩ cũng nhận định cháu tử vong ngoại viện do thời điểm nhập viện cháu T. trong tình trạng tim ngừng đập, ngừng thở, đồng tử giãn… Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng tiến hành cấp cứu cho cháu T. nhưng vẫn không có kết quả.
Bác sĩ Hưởng (trái) và bác sĩ Luyến (phải) khẳng định cháu T. tử vong ngoại viện.
Trong quá trình PV Ngày Nay Online làm việc với ê-kíp, bác sĩ của cả hai bệnh viện trực tiếp tham gia cấp cứu cháu T., thì các bác sĩ đều khẳng định, dùng thủ thuật “Heimlich” cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phía bác sĩ Trịnh Thị Luyến - BV Đa khoa Chương Mỹ lại không lấy được dị vật ra được khỏi cổ họng của cháu T., còn bác sĩ Cao Đức Chinh – BV Đa khoa Hà Đông lại lấy được bằng cách mở khí quản. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về trình độ chuyên môn của bác sĩ Luyến.
Dị vật được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông lấy trong cổ họng cháu T.
Giải thích cho việc bác sĩ Trịnh Thị Luyến không lấy được dị vật ra khỏi cổ họng cháu T., thời điểm cấp cứu cho cháu, bác sĩ Phạm Xuân Hưởng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, đồng thời là trực lãnh đạo hôm xảy ra sự việc cho hay: Bác sĩ Luyến cũng làm đúng quy trình cấp cứu, đặc biệt là thủ thuật “Heimlich” nhưng do dị vật vào quá sâu bên trong cổ họng nên không thể lấy ra được. Hơn nữa, Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ là bệnh viện tuyến huyện không được phép mở khí quản của bệnh nhân nên càng khó cho việc lấy dị vật ra ngoài.
Trong khi đó, dẫn lời của bác sĩ Cao Đức Chinh – BV Đa khoa Hà Đông, thủ thuật “Heimlich” rất đơn giản, chỉ với các động tác “dốc ngược, vỗ lưng” thì dị vật bị vướng trong cổ họng sẽ bắn ra ngoài ai cũng làm được. Trường hợp dị vật nếu vào sâu bên trong cổ họng không gắp được thì có thể mở khí quản để gắp dị vật ra.
“Trường hợp cháu T., tôi đã mở khí quản bằng cách chọc một ống tròn vào một điểm trên khí quản và gắp dị vật ra ngoài bởi vỗ không được”, bác sĩ Chinh kể lại.
Còn theo khẳng định của bà Lưu Thị Luyến – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: “Về thủ thuật mở khí quản, theo quy định của phân tuyến kỹ thuật thì không phân biệt tuyến huyện có được làm cái này hay cái kia mà phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của đơn vị đấy, người ta có đủ điều kiện để làm hay không. Nếu như bệnh viện được phê duyệt danh mục đấy có nghĩa người ta đủ điều kiện, nếu đủ điều kiện thì người ta được quyền mở.
Mở khí quản người bệnh, không được nói tuyến huyện không được phép. Bệnh viện tuyến huyện, tuyến thành phố, tuyến trung ương mà có Tiến sĩ, Thạc sĩ, Thạc sĩ chuyên khoa II… nếu người ta có đủ điều kiện thực hiện thì vẫn phải phê duyệt cho họ, còn nếu người ta không đủ điều kiện thì không được phép…”.
Quay trở lại sự việc, sáng ngày 18/3, ngay sau khi tiếp nhận được thông tin từ báo chí, Sở Y tế Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, để nhanh chóng làm rõ những thông tin liên quan.
Mạnh Hưng