Cụ thể, tại các trung tâm VNVC khu vực miền Trung, Tây Nguyên, số lượng được ghi nhận rất cao, tăng gần 300% so với cùng kỳ tháng trước. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM trong tháng 1/2023 ghi nhận hơn 5.000 lượt tiêm vắc xin dại, tăng 25% so với tháng 12/2022 và tăng 400% so với tháng 11/2022.
Lý giải cho tình trạng này, BS.CKI Bạch Thị Chính- Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, trong dịp Tết nhiều người đi chúc Tết đã không may bị chó, mèo cắn/cào hoặc liếm vào vết thương hở, nhận thức của người dân về bệnh nguy hiểm này cũng đã tăng cao nên đã chủ động tìm đến trung tâm tiêm chủng để được tiêm vắc xin kịp thời. Trước đó trong các năm dịch Covid-19, người dân ít giao lưu đi lại nên nguy cơ bị chó, mèo cắn/cào/liếm ít hơn, tỷ lệ mắc dại và tiêm vắc xin dại không có biến động mạnh.
Bị động vật nghi dại cắn là trường hợp cấp cứu cấp bách, cách điều trị và dự phòng bệnh dại duy nhất và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin. Tuy nhiên, theo phản ánh từ người dân, nhiều địa phương không có vắc xin dại từ trước Tết kéo dài cho đến nay, nhiều cơ sở tiêm chủng nhỏ lẻ tại các địa phương thiếu hụt, khan hiếm vắc xin dại, trong khi vắc xin này lại không có trong chương trình TCMR tại các cơ sở tiêm xã phường, khiến người dân thiệt thòi trong phòng ngừa hoặc không có vắc xin tiêm ngay khi có sự cố.
Bên cạnh đó, một số người cũng còn tâm lý chủ quan không tiêm hoặc tiêm vắc xin dại rất trễ, nhiều người đợi chó, mèo đã cắn/cào chết rồi mới đi tiêm. Trong khi bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, 100% người mắc bệnh dại sẽ tử vong khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.
Bác sĩ Chính khẳng định, sau khi bị động vật nghi dại cắn/cào/liếm, phải tiêm ngừa dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại. Đặc biệt, vết thương ở đầu, mặt, cổ càng phải tiêm sớm nhất có thể vì đây là những vị trí gần với não bộ hoặc các bộ phận tập trung nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục. Một khi virus xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh sẽ có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn và tử vong chỉ sau 1 -7 ngày kể từ khi phát bệnh.
Sau khi bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn, cần tiêm vắc xin dại với liệu trình là 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28. Trong trường hợp phơi nhiễm độ III, cần phối hợp tiêm globulin miễn dịch kháng dại. Sau khi tiêm vắc xin dại, cần tránh làm việc quá sức, không uống rượu và các chất kích thích, không được dùng các thuốc ức chế miễn dịch; nếu bắt buộc phải dùng, cần có ý kiến của bác sĩ điều trị.
Đặc biệt, những vùng nguy cơ cao hoặc người thường xuyên tiếp xúc với động vật cần chủ động tiêm ngừa dự phòng vắc xin dại trước khi bị động vật cắn để linh hoạt về mặt thời gian, lịch tiêm cũng đơn giản hơn và không cần tiêm huyết thanh kháng dại, chủ động bảo vệ tính mạng của bản thân.
Bà Vũ Thị Thu Hà- Giám đốc Cung ứng, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, nhu cầu tiêm vắc xin dại có quanh năm nhưng thường có chu kỳ tăng đột biến vào một vài thời điểm trong năm như sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên với mạng lưới kho lạnh đạt chuẩn GSP rộng khắp của hơn 100 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, VNVC luôn có đầy đủ các vắc xin dại thế hệ mới, an toàn và hiệu quả cao cho trẻ em và người lớn, người dân có thể chủ động tiêm dự phòng trước và tiêm ngay khi có sự cố xảy ra để kịp thời bảo vệ sức khoẻ và tính mạng.
Hệ thống kho lạnh tại chỗ cùng với hệ thống xe lạnh, thiết bị vận chuyển vắc xin chuyên dụng giúp dự trữ sẵn sàng vắc xin dại thế hệ mới với số lượng lớn cũng như cấp phát nhanh chóng, kịp thời đến các trung tâm tiêm chủng trong ngày, cố gắng không để xảy ra tình trạng thiếu hụt vắc xin hay khan hiếm vắc xin dại.