Cách đây hai tháng, bệnh nhân Carlos Aguilera đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ u não tại bệnh viện Carlos Haya ở Magala, Tây Ban Nha, Daily Mail cho biết.
Bệnh nhân vừa chơi nhạc, vừa tiến hành mổ não.
Là một nhạc công, thay vì gây mê thông thường, anh đề nghị các bác sĩ cho phép mình chơi nhạc trong quá trình phẫu thuật để đảm bảo rằng ca mổ không làm ảnh hưởng tới khả năng âm nhạc của mình.
Anh đã chơi nhiều bản nhạc jazz cổ điển cho các khán giả là 16 nhân viên y tế trong phòng mổ, bao gồm cả bác sĩ phẫu thuật thần kinh và bác sĩ gây mê.
Trong lúc phẫu thuật, ông Aguilera tỏ ra rất bình thản và tỉnh táo, thậm chí ông không cần tới gây mê tổng quát. Một bác sĩ còn giơ sách nhạc cho Aguilera đọc trong khi đang mổ. Sau 12h liền, ca phẫu thuật đã thành công.
Bác sĩ cầm sách nhạc cho Aguilera xem.
Hôm 16/12, Aguilera xuất hiện khỏe mạnh bình thường tại một cuộc họp báo để nói về cuộc phẫu thuật có một không hai này. Tại cuộc họp báo, toàn bộ những hình ảnh ghi lại quá trình phẫu thuật đã được công bố khiến những người chứng kiến hết sức ngạc nhiên.
“Đối với tôi, âm nhạc là tất cả. Sống thiếu âm nhạc, cuộc sống của tôi như vô nghĩa”, Aguilera nói với những người tham dự họp báo.
Phát biểu sau khi ca phẫu thuật diễn ra thành công, bác sĩ Guillermo Ibanez, người trực tiếp tiến hành ca mổ cho biết: “Chúng tôi quyết định cho Carlos chơi nhạc bởi vì anh ấy là một nhạc công chuyên nghiệp, cuộc đời anh ấy gắn liền với âm nhạc”.
Aguilera cho biết cảm giác khi vừa phẫu thuật vừa chơi nhạc “giống như đang nằm trên một bãi biển”.
“Cuộc sống tràn đầy hi vọng vẫn ở phía trước, tôi như được sinh ra lần thứ hai. Âm nhạc đã theo tôi suốt nửa cuộc đời nên khi các bác sĩ nói rằng có thể thực hiện phẫu thuật khi chơi nhạc, tôi không hề đắn đo”, Aguilera cho biết.
Aguilera chơi saxophone từ khi mới lên 9 tuổi, hiện nay anh đang chơi nhạc trong một ban nhạc ở thành phố Malaga, Tây Ban Nha.
Video ghi lại một số hình ảnh trong quá trình phẫu thuật của Aguilera.
Theo các tờ báo địa phương, ca phẫu thuật hôm 15/10 của Aguilera là ca phẫu thuật đầu tiên tại châu Âu trong đó bệnh nhân chơi saxophone khi đang mổ. Trước đó, một trường hợp khác tương tự cũng đã được ghi nhận tại Mỹ.
Đó là ông Roger Frisch, một nhạc công vĩ cầm. Bằng việc chơi nhạc trong lúc đang mổ, ông đã giúp các bác sĩ định vị chính xác vị trí cấy ghép trong não. Bốn tuần sau phẫu thuật, ông đã có thể chơi nhạc lại bình thường.
Danh Tuyên (theo Daily Mail)