Bệnh tay chân miệng tăng mạnh

Hơn 50% số bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng ở TP HCM là từ các tỉnh đưa về khiến các bệnh viện nhi đều quá tải
Quá tải các ca bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM ngày 10-10 Ảnh: TRỊNH THIỆP
Quá tải các ca bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM ngày 10-10 Ảnh: TRỊNH THIỆP

Số bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng (TCM) ngày càng gia tăng. Nếu trong tháng 9, bình quân mỗi ngày Khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 tiếp nhận khoảng 50 ca thì trong những ngày đầu tháng 10, số ca nhập viện lên đến 130 ca/ngày.

Chưa thấy đỉnh và điểm dừng

Chỉ trong một buổi sáng 10-10, tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 đã có khoảng 40 bé nhập viện vì bị TCM. Đến hơn 12 giờ cùng ngày, các bác sĩ (BS), y tá, hộ lý của Khoa Nhiễm làm việc liên tục, không nghỉ ngơi.

Anh Phạm Minh Trường (33 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) phát hiện con anh biếng ăn, miệng xuất hiện vài nốt hồng ban nhỏ nên nghi ngờ bé bị TCM. Khi anh đưa bé đến phòng khám tư ở huyện, các BS lại chẩn đoán bé bị đẹn, nhiễm trùng miệng. Bé uống thuốc 3 ngày nhưng bệnh ngày càng nặng hơn như sốt cao liên tục, co giật... Gia đình tức tốc đưa bé đến BV Nhi Đồng 2 thì được nhập viện ngay để điều trị TCM.

Tương tự, bé N.L.M (16 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật liên tục... Do chủ quan vì thấy mỗi lần mọc răng bé đều có biểu hiện như sốt, biếng ăn, bứt rứt trong người... nên gia đình không đưa đi khám. Đến khi đưa bé đến BV Nhi Đồng 2 thì bệnh đã ở cấp độ 4, phải chống sốc, thở máy, lọc máu…

Theo các BS, nhiều bé bị bệnh TCM nhưng lại rơi vào thời điểm bé mọc răng, hành nóng sốt, biếng ăn, người bứt rứt, cha mẹ cứ nghĩ đó là triệu chứng của sốt mọc răng hay bệnh lý khác. TCM diễn biến rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời, gặp biến chứng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dễ dẫn đến tử vong. Nếu bé có những dấu hiệu như sốt cao liên tục không hạ, đi đứng loạng choạng, khi ngủ giật mình, chới với, gia đình nên đưa trẻ đến ngay BV.

ThS-BS Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, cho hay tình trạng bệnh TCM đến thời điểm này chưa thấy đỉnh và điểm dừng. Số bệnh nhi mắc bệnh TCM ở các tỉnh chiếm đến 70%; trong đó có nhiều ca nặng cấp độ 4 phải thở máy, lọc máu...

Ghi nhận tại khu phòng khám BV Nhi Đồng 1 chiều 10-10, tổng số ca bệnh vẫn ở mức cao. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, ở khoa vẫn có khoảng 150-180 bé nằm điều trị nội trú.

Số ca bệnh dao động theo ngày và vẫn "đi ngang", tức không tăng cũng không giảm. Thường đến giữa tháng 11, số ca bệnh sẽ bắt đầu giảm, tháng 12 sẽ hết mùa. TCM thường tăng - giảm theo chu kỳ và thời điểm này hằng năm luôn là đợt cao điểm.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố, cho biết tính đến ngày 10-10, BV có 58 bé nằm điều trị nội trú, trong đó có vài bé phải thở máy. Mỗi ngày có thêm khoảng 20 bé nhập - xuất viện  tại khu vực điều trị trong ngày.

Các ca nặng, biến chứng tăng

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ngày 10-10, tại TP HCM, Bộ Y tế đã triệu tập lãnh đạo, cán bộ y tế của 20 tỉnh phía Nam triển khai giải pháp phòng chống.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho hay hiện nay tất cả quận huyện của TP đều ghi nhận có ca bệnh TCM; tập trung nhiều nhất ở quận Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, 7, 9, 12. Trung tâm gặp khó khăn trong việc giám sát, phát hiện ca bệnh TCM do trẻ đi khám các phòng khám tư nhân không được báo cáo lên hệ thống; trường/nhóm trẻ không thực hiện hoặc báo cáo trễ cho trạm y tế; sự tuân thủ cách ly còn hạn chế…

Tại hội nghị, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, nhận định dịch TCM năm nay có xu hướng tăng cao các ca nhiễm virus C4. Đây là loại virus gây tỉ lệ mắc nặng và biến chứng cao hơn. Vì thế, các ca mắc cũng biểu hiện nặng nề hơn.

Trong khi đó, một vấn đề báo động là nhiễm chéo BV. PGS-TS Phạm Văn Quang (BV Nhi Đồng 1) khẳng định hiện nay, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khám bệnh 7.000-8.000 bệnh nhi. Nếu việc phân loại bệnh, cách ly điều trị không chú trọng thì nguy cơ nhiễm chéo bệnh là rất cao.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, phân tích phân nửa số bệnh nhi mắc TCM tại TP HCM là các tỉnh đưa về, gây áp lực cho các BV nhi. "Chỉ cần nhiễm chéo là tử vong ngay. Việc nhiễm chéo do bệnh TCM khiến hơn 100 trẻ tử vong cách đây chưa lâu là bài học nhãn tiền trong công tác điều trị" - ông Khuê nhấn mạnh.

Ông Khuê lưu ý trong thời điểm này, các tuyến dưới cần tăng cường giải thích cho người dân hiểu rõ hơn nữa, tránh mất thời gian chuyển lên tuyến trên. Ba điểm cần lưu ý là hết sức bình tĩnh; phát hiện sớm, điều trị sớm; giảm tải BV, giảm lây nhiễm chéo. Trong tuần này, Bộ Y tế triển khai giải pháp tăng cường công tác kiểm soát lây nhiễm, điều trị bệnh sởi, TCM cho các BV.

“Dịch bệnh TCM tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế có những cái chưa giải quyết được. Rửa tay khi ăn sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh 50 lần” - Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM Phan Trọng Lân nói.

61.821 ca mắc tay chân miệng, 6 ca tử vong

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đến đầu tháng 10-2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc TCM rải rác tại 63 tỉnh, TP. Trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. Một số tỉnh, TP có số ca mắc bệnh cao, tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Theo Người Lao động
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.