Thông tin trên được ông Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ tại buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện các quy chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6/2022, nhằm góp ý cho dự án Luật Đấu thầu sửa đổi.
Báo cáo về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại bệnh viện, ông Trần Văn Khanh cho biết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh được giao quyền tự chủ chi thường xuyên từ năm 2016 đến nay đã được 6 năm, tiết kiệm phần nào cho nguồn ngân sách Thành phố.
Trong quá trình thực hiện tự chủ, phần nào tạo sự chủ động mạnh mẽ trong công tác khám chữa bệnh, phát triển cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tạo nên sự phát triển vượt bậc đối với bệnh viện tuyến huyện trở thành nơi tin tưởng cho người dân đến khám chữa bệnh, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời chia sẽ khó khăn cho các vùng lân cận.
Tuy nhiên, đến nay, bệnh viện gặp nhiều khó khăn bởi giá thu hiện nay đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới ở mức 4/7 phần. 3 phần còn lại là chi phí nhân sự gián tiếp, khấu hao thiết bị máy móc, chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng chưa được tính đúng tính, tính đủ vào cơ cấu giá. Bên cạnh đó, mức giá thu theo quy định cũng chưa bao gồm phần hao hụt trong quá trình bảo quản, cấp phát thuốc và vật tư.
“Việc này dẫn đến càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư sơ sở vật chất, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao”, bác sĩ Trần Văn Khanh chia sẻ.
Mặc khác, hiện nay, việc số hóa trong công tác khám chữa bệnh và truyền tải, lưu trữ dữ liệu cũng như giảm ô nhiễm môi trường được đầu tư hoặc thuê hệ thống công nghệ thông tin (như HIS, hệ thống lưu trữ, hồ sơ bệnh án điện tử, không dùng tiền mặt…) cũng tốn rất nhiều chi phí. Những chi phí này cũng chưa được tính vào cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Theo đó, Bệnh viện Lê Văn Thịnh kiến nghị cơ quan chủ quản, ban ngành cấp trên sớm có chủ trương hoặc ban hành khung giá khám chữa bệnh được tính đúng, tính đủ chi phí.
Cũng theo Bệnh viện Lê Văn Thịnh, số tạm ứng cho đơn vị là 80% chi phí khám bệnh BHYT dựa vào quý trước để cho đơn vị hoạt động vào cuối tháng đầu tiên của quý sau là không đủ. Theo đó, Bệnh viện kiến nghị cần ban hành cơ chế thống nhất trong việc thực hiện, thẩm tra trong công tác khám chữa bệnh BHYT và xem xét lại việc cấp kinh phí tạm ứng 80% chi phí khám chữa bệnh còn thấp.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế nhiều đơn vị hiện nay ban đầu thu nhiều hơn nhưng dần dần cơ sở vật chất xuống cấp, hư hao trang thiết bị phải mua sắm đầu tư nên thâm hụt, dẫn đến các hoạt động gặp khó khăn.
Cũng theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, vấn đề hiện nay là các cơ quan chức năng tham mưu Chính phủ để khai thác tốt nguồn xã hội hóa nhưng không lạm dụng để tăng áp lực thu lên người dân. Sau buổi làm việc với các bệnh viện, Đoàn sẽ có tổng hợp để góp ý cho Luật Đấu thầu, Luật Khám chữa bệnh; đồng thời sẽ tiếp tục làm việc với Sở Y tế và các bệnh viện trong thời gian tới.