Bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, người lao động, cùng với đó là những thay đổi về cơ chế, chính sách (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 01/01/2022) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó có công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Trước tình hình đó, toàn ngành đã chủ động bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, linh hoạt triển khai các giải pháp thích ứng với tình hình mới và đã đạt các kết quả khả quan.
Năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội của cả nước là 17,5 triệu người, đạt 38,08% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3,18% lực lượng lao động với hơn 1,4 triệu người tham gia, vượt 0,68% so với chỉ tiêu được giao đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội). Đến tháng 9/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội ước tăng 8.000 người so với năm 2022.
Đáng chú ý, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế phát triển bền vững hằng năm, năm sau cao hơn năm trước và luôn hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Năm 2021, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 91,01% dân số (vượt 0,01%); năm 2022 là 92,04% (vượt 0,04%); năm 2023 ước đạt 93,22% dân số (vượt 0,02%). Qua công tác truyền thông, đến nay, nhận thức của người dân về chính sách bảo hiểm y tế đã được nâng cao. Hầu hết người dân đều mong muốn được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đảm bảo an sinh cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh sự đồng lòng, quyết tâm vượt khó để đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định tới từng người tham gia, thụ hưởng chính sách.
Đặc biệt, ngành đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố giải quyết dứt điểm các vướng mắc, nhất là trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh…, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia theo luật định.
Chín tháng năm 2023, toàn ngành đã giải quyết cho 65.358 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; gần 6,5 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; hơn 127 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng gần 20% so với cùng kỳ), tương ứng số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khoảng 90 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 13.652 tỷ đồng, tương ứng 15,6% so với cùng kỳ).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thực hiện chi trả cho hơn 3,3 triệu người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng, hơn 4 triệu lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân. Đến nay, đã có khoảng 62% số người hưởng qua phương thức này tại khu vực đô thị, tăng 1% so với năm 2022; vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg.
Ngành luôn ưu tiên tập trung các nguồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác truyền thông. Trong bối cảnh số người nhận bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng, nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài, bền vững cho người lao động, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thủ tục hồ sơ, giấy tờ, tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn tập trung tuyên truyền, đối thoại với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;...
Ngành cũng thực hiện tư vấn trực tiếp tại bộ phận Một cửa của cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh/huyện và Tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành; đẩy mạnh truyền thông trên các cơ quan báo chí, qua Cổng Thông tin điện tử/Fanpage Facebook/ Zalo OA… Qua đó, giúp người lao động hiểu được những thiệt thòi khi rút bảo hiểm xã hội một lần để tiếp tục tích lũy, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với nhiều quyền lợi thiết thực.
Qua công tác truyền thông, tuyên truyền, giải thích chế độ chính sách và thực hiện nhiều giải pháp khác, trong khoảng 4,9 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2022, đã có khoảng 1,3 triệu người quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội, chiếm gần 26,6% số người hưởng giai đoạn này.
Trên thực tế, nhiều người lao động đến cơ quan Bảo hiểm xã hội làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng được cán bộ tại bộ phận Một cửa tuyên truyền, giải thích thì đã từ bỏ ý định và bảo lưu thời gian đóng để khi có việc làm sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hoặc chủ động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm cộng nối thời gian để được hưởng lương hưu khi về già./.