Ngày 20-4, Bộ Công Thương có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ phản hồi về các ý kiến và đề xuất của Bộ Tài chính liên quan tới phương án điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu gạo, chiều ngày 24 tháng 3 năm 2020, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trực tiếp báo cáo, sau đó có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát, đánh giá lại nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo nhằm điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngày 25 tháng 3 năm 2020, tại văn bản số 2280/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo…,trước ngày 28 tháng 3 năm 2020”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong ngày 25 tháng 3 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 987/QĐ-BCTthành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt.
Với thời hạn 3 ngày kể từ ngày 25 tháng 3 năm 2020 và trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, việc tổ chức làm việc với từng tỉnh, từng doanh nghiệp chủ chốt để nắm tình hình là không khả thi. Vì vậy, Bộ Công Thương đã mời các Bộ, ngành có liên quan, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Hiệp hội Lương thực Việt Nam và 20 thương nhân có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tham dự buổi làm việc với Đoàn kiểm tra vào ngày 26 tháng 3 năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị đã có sự tham gia nghiêm túc của đại diện tất cả các bên được mời. Về phía Đoàn kiểm tra, có đầy đủ đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt), Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá, Tổng cục Dự trữ Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh). Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cũng đã tham gia và cùng lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì hội nghị.
Tại buổi làm việc, từng tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và thành viên Đoàn kiểm tra đều đã phát biểu, báo cáo về tình hình sản xuất, nguồn cung thóc - gạo, tình hình xuất khẩu và tình hình ký kết hợp đồng xuất khẩu theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra. Kết quả cho thấy số liệu về cơ bản khớp với các đánh giá trước đó của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản xuất, cung - cầu và xuất khẩu gạo, kể cả các dự báo về tiến độ xuất khẩu tới cuối tháng 5 năm 2020.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến và số liệu báo cáo bằng văn bản của các bên, sau khi xin ý kiến của các thành viên Đoàn kiểm tra, ngày 28 tháng 3 năm 2020, với tư cách là Bộ chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2237/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, đánh giá và kiến nghị phương án điều hành xuất khẩu gạo. Tại báo cáo này, Bộ Công Thương đã giải trình việc tiếp thu (hoặc không tiếp thu) ý kiến tham gia của các Bộ, ngành cũng như của các thành viên Đoàn kiểm tra một cách dân chủ, công khai và minh bạch.
Quan trọng nhất, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra và trong các góp ý sau đó, không có tỉnh, thành phố, doanh nghiệp hay Bộ, ngành nào, kể cả Bộ Tài chính, cho rằng việc chỉ tổ chức một cuộc họp 1/2 ngày là "chưa nghiêm túc" và "chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo" như Bộ Tài chính sau này nhận xét.
Bộ Công Thương cho rằng việc tổ chức cuộc họp với tất cả các bên có liên quan tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 26 tháng 3 năm 2020 là cách làm duy nhất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, việc đi lại khá khó khăn và Đoàn kiểm tra chỉ có 3 ngày để thu thập, phân tích, xử lý thông tin, sau đó xây dựng báo cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cho biết đã 2 lần góp ý với Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu gạo nhưng không được Bộ Công Thương tiếp thu
Bộ Tài chính đã góp ý qua thư điện tử cho báo cáo ngày 28 tháng 3 năm 2020 của Đoàn kiểm tra liên ngành. Sau đó, ngày 03 tháng 4 năm 2020, Bộ Tài chính có công văn số 3905/BTC-QLG góp ý cho báo cáo chính thức số 2412/BCT-XNK ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành và sau đó là của Bộ Công Thương trình bày nhiều vấn đề, bao gồm đánh giá tình hình, dự báo các khả năng, phản ứng của quốc tế đối với lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo, phương án và phương thức điều hành xuất khẩu gạo v..v. Bộ Tài chính không phản đối hạn ngạch xuất khẩu gạo cũng như phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS). Không những thế, Bộ Tài chính còn giúp Bộ Công Thương hoàn chỉnh phương án điều hành qua các góp ý về thẩm quyền áp dụng hạn ngạch cũng như các trường hợp không cần áp dụng hạn ngạch. Trong cả 2 lần góp ý, ý kiến quan trọng nhất của Bộ Tài chính là chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15 tháng 6 năm 2020 để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia". Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế".
Bộ Công Thương đã 2 lần giải trình với Thủ tướng Chính phủ về lý do không thể tiếp thu ý kiến này của Bộ Tài chính. Tại báo cáo này, Bộ Công Thương một lần nữa xin được giải trình như sau:
- Cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra. Cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.
- Đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển bởi bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu).
- Xuất phát từ đây, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu. Chi phí tăng thêm về thời gian và tiền bạc là rất lớn và bất hợp lý trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đã đồng tình hạn chế xuất khẩu gạo để chung tay cùng Chính phủ bảo đảm an ninh lương thực[1].
Bộ Tài chính cho rằng phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS) là bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch. Bộ Tài chính cũng cho rằng ý kiến này của Bộ Tài chính đã "không được Bộ Công Thương tiếp thu"
Như đã trình bày, trong cả 2 lần góp ý cho báo cáo của Đoàn kiểm tra và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều không có ý kiến về các "bất cập" của phương thức FCFS trong điều hành hạn ngạch. Ý kiến này của Bộ Tài chính xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 10 tháng 4 năm 2020 tại văn bản số 4355/BTC-QLG, khi mà phương thức FCFS đã được đề xuất công khai trước đó 13 ngày và Thủ tướng Chính phủ, sau khi cân nhắc tất cả các ý kiến tham gia, đã có văn bản chỉ đạo về phương thức điều hành xuất khẩu gạo.
Trước khi đề xuất phương thức FCFS, Đoàn kiểm tra liên ngành đã thận trọng tham khảo ý kiến Tổng cục Hải quan về tính khả thi của đề xuất. Trong suốt 2 tuần sau khi báo cáo và phương án điều hành của Đoàn kiểm tra được công bố, Bộ Công Thương không nhận được ý kiến nào khác của cả Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính. Mặc dù vậy, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về điều hành xuất khẩu gạo tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương vẫn một lần nữa gửi dự thảo Quyết định của Bộ Công Thương về áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo tới Tổng cục Hải quan để xin ý kiến[2]. Trong góp ý của mình, Tổng cục Hải quan không đề cập tới các "bất cập" của phương thức điều hành FCFS.
Tất cả các phương thức điều hành hạn ngạch đều có mặt thuận và mặt không thuận. Trong bối cảnh phải áp dụng hạn ngạch để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án điều hành hạn ngạch mà theo Bộ Công Thương là tương đối công bằng, có tính công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, khó phát sinh các rủi ro về đạo đức cũng như tham nhũng, lợi ích nhóm v..v. Các nguyên tắc này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và chỉ đạo rất rõ tại khoản 3 văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công Thương khẳng định phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các Bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ. Các doanh nghiệp đã có hàng tại cảng chắc chắn sẽ ở vị thế ưu tiên số 1 bởi họ đều đã rõ tên tàu và số hiệu container và chỉ có họ mới có thể hiện thực hóa tờ khai mà không cần phải thay đổi các thông tin này.
Phương thức FCFS, như mọi phương thức điều hành hạn ngạch khác, có cả điểm mạnh và điểm yếu. Tuy nhiên, đây là phương thức được nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị áp dụng nếu buộc phải áp dụng hạn ngạch. Trên thực tế, trong suốt 2 tuần sau khi phương án được công bố, Bộ Công Thương không nhận được ý kiến trái chiều nào về phương thức FCFS. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là phương thức tương đối phù hợp bởi khả năng giải tỏa cho các doanh nghiệp đã có sẵn hàng tại cảng là rất cao. Rất tiếc là sau đó, việc triển khai cơ chế FCFS trên thực tế đã để xảy ra một số sự việc mà theo nhận xét của các doanh nghiệp là thiếu phối hợp, thiếu công khai, thiếu minh bạch, gây thêm khó khăn[3].. dẫn đến những bức xúc không đáng có, không phải do lỗi tự thân của cơ chế FCFS. Các ý kiến này đã được Bộ Công Thương tổng hợp chuyển tới Bộ Tài chính để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Về các cơ chế điều hành hạn ngạch do Bộ Tài chính đề xuất, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
- Đấu thầu hạn ngạch trên thực tế là bán hạn ngạch để thu tiền vào Ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang phải tìm mọi cách để hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền là việc không nên làm.
- Đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15-20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Như vậy là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH về việc phải "giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo".
- Đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng "nhận ủy thác" để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây.
- Việc phân bổ hạn ngạch cũng không khả thi bởi kinh nghiệm điều hành cho thấy sẽ mất hàng tháng để xây dựng tiêu chí phân bổ sao cho "công bằng" và xin ý kiến các bên liên quan để thống nhất thực thi. Nếu có ý kiến khác nhau phải trình lại Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo. Tiến trình này không chỉ trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH về việc phải "giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo" mà còn thiết lập trở lại cơ chế xin - cho rất nhiều rủi ro đạo đức đã được xóa bỏ theo kiến nghị kiên trì nhiều năm của cộng đồng doanh nghiệp.
Nói tóm lại, cơ chế điều hành FCFS, nếu được triển khai một cách có phối hợp, công khai, minh bạch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì dù vẫn có điểm yếu như tất cả các phương thức điều hành khác, vẫn tốt hơn so với các cơ chế mà Bộ Tài chính đề xuất.
Về mối quan hệ giữa xuất khẩu gạo và dự trữ quốc gia
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng trong nước, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu (và phải xuất khẩu để bảo đảm tiêu thụ hết thóc gạo cho người dân) là khoảng 3 triệu tấn. Phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 4, tháng 5 năm 2020 do Bộ Công Thương đề xuất được xây dựng dựa trên số liệu này.
Mặc dù khối lượng để lại trong nước đã tính cả lượng dành cho dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương vẫn đề xuất và được các Bộ, ngành đồng ý về việc để lại thêm 300nghìntấn từ số lượng xuất khẩu để giúp Bộ Tài chính thực hiện kế hoạch mua dự trữ lương thực năm 2020. Nếu vẫn không mua được thì Bộ Tài chính cần có sự đánh giá lại để làm rõ hơn vì sao lại không thể thực hiện được chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tham chiếu Chiến lược xuất khẩu gạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2017, các loại gạo tẻ phẩm cấp thấp và trung bình sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng giảm. Loại gạo phẩm cấp thấp nhất (IR50404) sẽ ngày càng ít đi (vụ Đông Xuân năm 2020 chỉ chiếm khoảng 12-15% diện tích gieo trồng). Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì chính sách chỉ mua IR50404 để dự trữ (trong khi các loại gạo tẻ khác không thiếu) thì tới thời điểm nào đó sẽ không thể mua đủ.
Việc giao dịch, tham gia cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia được thực hiện theo Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Dự trữ Quốc gia năm 2012 và Luật Đấu thầu năm 2013. Trường hợp doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng thì biện pháp chế tài cần được thực hiện theo quy định của pháp luật. Bộ Công Thương được biết các doanh nghiệp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng đã phải chịu trách nhiệm bằng cách mất tiền bảo đảm dự thầu (1%-3% giá trị gói thầu) cho Bộ Tài chính. Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về giao dịch dân sự, doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Đề xuất cấm các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu là đề xuất không có cơ sở pháp lý. Xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội nhưng cơ quan nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lý như vậy.
Trên đây là ý kiến của Bộ Công Thương về các ý kiến và đề xuất của Bộ Tài chính liên quan tới phương án điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn. Các ý kiến này sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục tổng hợp, giải trình khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ (trước ngày 25 tháng 4 năm 2020) về phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5 năm 2020.