Ông Đinh La Thăng trong buổi làm việc với Ngân hàng SHB.
Trưa 17/3, ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, hơn 22 năm phát triển, SHB đã khẳng định vị trí top 5 NHTMCP lớn nhất Việt Nam. Tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp và phấn đấu trong năm nay sẽ vươn lên nhóm 3 ngân hàng cổ phần lớn nhất cả nước. Năm 2015, doanh thu của ngân hàng đạt trên 12.000 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ doanh thu từ dịch vụ ngân hàng chiếm khoảng 15% tổng doanh thu.
Ông Đinh La Thăng ngắt lời: “Tỉ lệ doanh thu từ dịch vụ chỉ có 15% là quá thấp, ngân hàng phải hướng đến đầu tư vào sản phẩm dịch vụ nhiều hơn. Các ngân hàng nước ngoài lợi nhuận chủ yếu đến từ dịch vụ, đấy mới là hiểu quả. Ngân hàng muốn tăng trưởng, nâng sức cạnh tranh mà cứ tập trung cho vay lấy lãi là không được”.
Ông Thăng nói, hiện cả nước có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó tại TP.HCM có 262.000 doanh nghiệp nhưng đa số là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Những doanh nghiệp này rất khó tiếp cận vốn, SHB làm gì để doanh nghiệp vừa và siêu nhỏ tiếp cận được vốn?
Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển)– Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB cho biết, SHB đã hợp tác cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội và các địa phương cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ vay vốn. Tuy nhiên, để tiếp cận được vốn thì các doanh nghiệp phải đảm bảo các yếu tố về chiến lược phát triển, phương án kinh doanh.
“Ngân hàng sẽ đồng hành với doanh nghiệp ngay khi họ có ý tưởng kinh doanh, tư vấn từ lúc lập phương án, phát triển và quản lý dòng tiền. Vừa qua cho vay đối tượng doanh nghiệp này đã tăng lên đáng kể”, ông Hiển cho biết.
“Mới đây làm việc với trường ĐH Tôn Đức Thắng, tôi thấy có nhiều sáng kiến của sinh viên trường được Bộ Thương mại Mỹ cấp bằng sáng chế nhưng chưa đưa vào sản xuất và thương mại vì thiếu vốn. Các sáng kiến như: giường bệnh thông minh, thiết bị nâng chuyển bệnh nhân và thiết bị nâng bệnh nhân từ giường ra khu vệ sinh. SHB có thể cùng với ĐH Tôn Đức Thắng, các nhà sáng chế hợp tác cung cấp vốn để biến sáng chế thành sản phẩm thương mại được không? ”, ông Thăng gợi ý.
Nghe ông Đinh La Thăng hỏi, ông Hiển nói: “Bí thư cứ cho địa chỉ, ngân hàng sẽ cùng sinh viên và đơn vị sản xuất để thực hiện ý tưởng”. Ông Hiển cam kết với Bí thư sẽ cùng với Trường Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện ý tưởng sáng chế để trở thành sản phẩm thương mại.
“Ngân hàng có ý tưởng vào quỹ đầu tư mạo hiểm chưa, đã tham gia chưa và có ý định tham gia không?”, ông Thăng hỏi.
Theo ông Thăng, dự án khởi nghiệp của sinh viên phải có tiền nên phải có quỹ đầu tư mạo hiểm. Ông muốn thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có một phần vốn từ ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại nhưng tốt nhất là vốn cổ phần.
“Lý luận người ta nói quá nhiều, cái mình cần giờ là thực tiễn nhất là với TP năng động như TP.HCM càng cần xuất phát từ đây. Phải làm sao tạo được niềm tin, khát vọng để cho người dân, DN kinh doanh, làm giàu” - Bí thư Thăng nói.
Ông Thăng cũng đánh giá cao tốc độ phát triển ngân hàng SHB nhưng cũng nhắc nhở SHB luôn luôn quan tâm đến đời sống cán bộ nhân viên, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, không ngừng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, đảm bảo an toàn, phát triển bền vững, minh bạch.
Theo Dân Việt