Theo TS Hoesung Lee - Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), báo cáo đặc biệt của IPCC ước tính, các hoạt động của con người đã làm nóng lên toàn cầu khoảng 1,0°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với khoảng có khả năng là 0,8°C - 1,2°C. Nóng lên toàn cầu có khả năng đạt 1,5°C trong giai đoạn năm 2030 - 2052 nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại. Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu (GMST) quan sát được trong thập kỷ 2006–2015 là 0,87°C (khả năng từ 0,75°C - 0,99°C) cao hơn mức trung bình trong giai đoạn 1850 –1900.
Đại diện Ban thư ký UNFCCC cũng cho biết, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ở thời điểm quan trọng của quá trình biến đổi khí hậu. Những tác động tàn phá của biến đổi khí hậu đang gây ra sự hủy diệt và sự chịu đựng tại tất cả các khu vực trên thế giới. Báo cáo đánh giá thứ năm của IPCC cho chúng ta biết rằng chúng ta đang không đi đúng hướng nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2°C. “Muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C không phải là không thể nhưng nó cũng đòi hỏi một sự chuyển đổi chưa từng có” - vị này nhấn mạnh.
Riêng tại Việt Nam, theo GS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu: Nhiệt độ trung bình cả nước đã tăng 0,62 độ C từ năm 1985-2014. Số ngày nắng nóng gia tăng đáng kể, số đêm lạnh giảm, đồng thời xuất hiện những đợt lạnh bất thường. Thời tiết cực đoan xuất hiện khắp cả nước. Nhiều nơi úng ngập nghiêm trọng trong lúc hạn hán Nam Trung Bộ và Tây Nguyên xảy ra thường xuyên hơn. Số cơn bão mạnh có xu hướng gia tăng. Mực nước biển dâng 3,1 mm/năm… Theo ông Thục, Việt Nam dự tính với kịch bản trung bình, nhiệt độ trung bình sẽ tăng 1,9-2,4 độ C so với 1986-2005, nước biển dâng khoảng 36-80 cm. “Trong kịch bản cao, nhiệt độ trung bình cả nước có thể tăng 3,3-4 độ, nước biển dâng 52-107 cm, khoảng 40% đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập vĩnh viễn” - ông Thục đưa ra cảnh báo.
Trong tình cảnh các nước cùng hứng chịu những hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng là một trong những nước bị tác động khá lớn. Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định: Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy: Biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỷ lệ nhập viện, nhất là người già và trẻ em. Thay đổi các điều kiện khí hậu có nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh, bệnh mới nổi như cúm AH5N1, H1N1, bệnh Zika. Dự báo trong tương lai có thể phát sinh thêm nhiều bệnh mới do tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nước nỗ lực chung tay giảm sự nóng lên của toàn cầu. Cùng với việc phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, gồm 68 nhiệm vụ, trọng tâm tập trung vào việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Dự kiến năm 2019, Việt Nam hoàn thành rà soát cập nhật NDC trình ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu.