Sự bất ổn trên mặt biển rất đáng lo ngại nhưng những gì xảy ra dưới lòng đại dương cũng là điều khiến các chuyên gia quân sự phải lưu tâm, theo phòng nghiên cứu quốc tế của nhà xuất bản McClatchy.
Trung Quốc hiện sở hữu đội tàu ngầm nguyên tử đang phát triển, được đầu tư mạnh, sở hữu nhiều vũ khí hiện đại.
Âm mưu tăng cường hiện diện trên Biển Đông của nước này được cho là nhằm tạo ra một vùng an toàn ở các khu vực nước sâu. Biển Đông sẽ trở thành những "pháo đài" giúp đội tàu ngầm Trung Quốc tự do hoạt động mà không bị phát hiện.
Một tàu ngầm Trung Quốc neo tại căn cứ hải quân Ngong Shuen Chau của Hong Kong. Ảnh: AFP |
Theo ông Carl Thayer, đáy biển ở đây rất sâu. Thêm vào đó, những hẻm núi dưới nước tại khu vực này còn là nơi trú ẩn tương đối tốt cho tàu ngầm.
Benjamin Herscovitch, một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Australia, nhận định "Bắc Kinh không chỉ cải tạo đất, xây dựng đường băng và điều động tàu hải quân mà còn tìm cách củng cố chủ quyền của mình bằng việc mở rộng hiện diện dân sự."
Trong khi đó, hãng tin Itar-Tass của Nga cho hay, các công trình trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông đủ khả năng cho tiêm kích hạng nặng của nước này hoạt động.
Các nhà phân tích cho hay, Bắc Kinh có thể triển khai tiêm kích J-11 đến các đảo nhân tạo xa xôi nằm trong phạm vi 1.000 km tính từ đảo Hải Nam.
Dàn chiến đấu cơ J-11. Ảnh News.cn. |
Theo Itar-Tass, chiến đấu cơ J-11 (phiên bản cấp phép của Su-27) có thể bay quãng đường dài 1.500 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
"Kết luận của tôi lúc này là Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược xây pháo đài ngầm ở Biển Đông", Bernard D.Cole, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, bình luận. Sự thành bại của chiến lược này phụ thuộc nhiều vào quá trình nâng cấp tầm bắn của tên lửa đạn đạo tàu ngầm, ông cho biết thêm.
Về địa lý, Trung Quốc giáp vùng biển Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông. Điều này có nghĩa, để tới Thái Bình Dương, tàu của Bắc Kinh phải đi qua eo biển tương đối hẹp bao quanh bởi Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia. Nhiều quốc gia trong số này có mối quan hệ thân thiết với Mỹ đồng thời thường xuyên tiến hành tập trận chung tại các vùng biển trên.
Brad Glosserman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Honolulu, nhận định một trong những lý do khiến Trung Quốc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền với hầu hết các bãi đá ngầm, đá trên Biển Đông là mong muốn đẩy hải quân Mỹ ra khỏi khu vực.
Cập nhật Tin tức Biển Đông hàng ngày, TẠI ĐÂY.
Xem thêm:
- Biển Đông hôm nay 23/6: Tham vọng 'chủ quyền' không đáy của Trung Quốc tại Biển Đông
- Biển Đông hôm nay 22/6: Chiêu bài lừa gạt dư luận quốc tế của Trung Quốc
- Biển Đông hôm nay 21/6: Trung Quốc 'mị dân' về chủ quyền các đảo tại Biển Đông
- Biển Đông hôm nay 20/6: Trung Quốc đang đơn phương 'đấu tay đôi' với các nước lớn
Trang Ly (T/h)