Đồng thời đề nghị công an tỉnh lập hồ sơ báo cáo Bộ công an, truy tố đối với công ty Đại Nguyên Dương”, ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại cuộc họp chiều nay.
Chiều 26/6, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp công bố kết quả chính thức của Tổ thẩm định tàu 67 hư hỏng. Thành phần tham dự có lãnh đạo ban ngành của địa phương, công an tỉnh, Tổ thẩm định, ngư dân. Phía doanh nghiệp đóng tàu có đại diện công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ công an). Buổi họp này Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) tiếp tục vắng mặt.
Ông Trần Văn Phúc - Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Định kiêm Tổ trưởng Tổ thẩm định báo cáo kết quả chính thức của Tổ thẩm định tại cuộc họp. Trong đó, Tổ thẩm định đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của 2 doanh nghiệp đóng tàu. Nhiều thông tin được ông Phúc đưa ra khiến nhiều người bất ngờ như: công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự ý thay thế thép Hàn/ Nhật bằng thép Trung Quốc không đúng hợp đồng với ngư dân. Nhiều máy tàu do công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng không phải là máy chính hãng...
Giám đốc Sở NN&PT NT tỉnh Bình Định Phan Trọng Hổ cho hay, sáng 26/6, Cty Nam Triệu chuẩn bị 11 máy mới Mitsubishi thay cho ngư dân. Máy mới phải có tư vấn thẩm định từ chuyên gia, đúng máy mới sẽ thay cho ngư dân. Sở NN&PTNT là trung gian giám sát. Đối với đề xuất hỗ trợ trong thời gian tàu nằm bờ, ko tham gia được chuyến biển, chi phí mướn bạn... nhưng công ty chưa chấp nhận vì cụ thể số tiền ngư dân thiệt hại bao nhiêu ko rõ, đề nghị huyện yêu cầu ngư dân báo cáo cụ thể. Qua đó xác định phần nào do công ty gây ra yêu cầu Cty bồi thường thỏa đáng.
Ông Trần Huy Giáp - Phó giám đốc công an tỉnh Bình Định cho biết, qua kiểm tra thì hợp đồng kinh tế giữa cơ sở đóng tàu và ngư dân rất chặt chẽ nhưng trong quá trình thực hiện đóng tàu có những nội dung chưa đúng hợp đồng.
“Nhiều tàu gặp sự cố qua thẩm định chất lượng tàu cá không đảm bảo, có dấu hiệu sai phạm. Do đó bên nào thực hiện không đúng hợp đồng thì đó phải chịu trách nhiệm. Cần sửa chữa một cách nhanh nhất để ngư dân sớm ổn định. Giữa khắc phục và điều tra, ngư dân cuối cùng vẫn là người thiệt thòi nhất. Chúng tôi đã phối hợp để thu thập tài liệu, báo cáo cho Bộ công an. Riêng về vấn đề sai phạm, công an sẽ làm rõ và đề xuất xử lý cá nhân có sai phạm”- ông Giáp cho hay.
Ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhất trí báo cáo Tổ thẩm định tuy nhiên yêu cầu sau cuộc họp 2 công ty đóng tàu ngồi lại cùng ngư dân, chủ tàu và Sở NNPTNT thống kê từng tàu hư hỏng thiết bị gì và 2 bên lập biên bản giữa chữa trong tháng 7.2017. Các giải pháp cần làm sao để tàu sớm ra khơi đánh bắt, đây là mong muốn của ngư dân và tỉnh. Từ kết luận việc tàu hư hỏng công bố trong chiều hôm nay yêu cầu 2 đơn vị đóng tàu phải sửa chữa hoàn chỉnh đảm bảo chất lượng để ngư dân tự tin nguồn lợi cao hơn tàu vỏ gỗ trước đây. Các ngư dân hợp đồng với cơ sở đóng tàu yêu cầu sửa chữa mới 100% không thể sửa chữa sơ bộ để ngư dân hoạt động.
Đối với vấn đề thân, vỏ tàu không đúng chuẩn loại thép phải tháo ra đánh rỉ, thay thép mới sơn đúng quy trình, đảm bảo tuổi thọ của con tàu. Nếu đoạn nào thép không đúng chất lượng dứt khoát phải tháo ra thay lại. Đối với máy chính, lắp không đúng chủng loại thì phải tháo ra thay thế đúng chủng loại hợp đồng, phải mới nguyên đai nguyên kiện; Thiết bị phụ những bộ phận không phù hợp phải tháo ra thay thế lại cho đảm bảo, đúng hợp đồng. Đây là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp đóng tàu.
Ông Châu cũng đề nghị Sở NNPTNT thành lập tổ kỹ thuật phối hợp UBND huyện kiểm tra chất lượng chủng loại nhập vào trước khi đưa lên tàu. Kinh phí kiểm tra yêu cầu doanh nghiệp đóng tàu phải chịu trách nhiệm. Đề nghị Trung tâm đăng kiểm tàu cá Tổng cục thủy sản sẽ kiểm định lại lần 2 trước khi xuất xưởng. Đề nghị phía cty đóng tàu trả kinh phí hao tổn trong thời gian tàu phải nằm bờ chờ sửa chữa… Sở NN phối hợp UBND huyện ven biển kiểm tra gia đình mà các hộ đóng tàu theo nghị định 67 hỗ trợ đời sống vật chất cho ngư dân.
Ông Châu nhận định, việc khắc phục sửa chữa đối với tàu hư hỏng thì phía Cty Nam Triệu có phần tích cực. Nhưng công ty Đại Nguyên Dương hầu như không hợp tác, thiếu trách nhiệm trong vụ việc, không tham gia để cùng giải quyết mà có ý lẩn tránh.
“Đề nghị cơ quan chức năng hướng dân ngư dân khởi kiện công ty TNHH Đại Nguyên Dương trong ngày mai vì vỏ thép không đúng hợp đồng. Đồng thời công an tỉnh lập hồ sơ báo cáo Bộ công an truy tố đối với công ty Đại Nguyên Dương” – ông Châu nói.
Ngoài ra, tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có phương án đề xuất UBND tỉnh, trình Thống đốc NHNN xem xét hỗ trợ giãn nợ, xem xét thời gian ân hạn kéo dài ra với ngư dân. Vì lỗi không phải do chủ tàu gây ra. Ông Châu đề nghị 2 công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương trả lại thì tiền thiết kế phí cho ngư dân.