Điểm chung của các hoạt động đa cấp biến tướng này vẫn là nhà đầu tư được hứa hẹn trả hoa hồng, tiền thưởng cao bất thường so với số tiền bỏ ra ban đầu, hoặc chỉ cần đầu tư tiền vào các dự án sau đó không phải làm gì cũng được hưởng nhiều loại hoa hồng, tiền thù lao và các lợi ích kinh tế khác.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), với loại hình giao dịch tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp, khi người đầu tư đã nộp tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo thì thông thường sẽ rất khó để rút tiền ra khỏi hệ thống, hoặc mỗi ngày chỉ được rút một lượng tiền rất nhỏ trên tổng số tiền đầu tư vào hệ thống. Và các hoạt động giao dịch này được thực hiện trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài.
Tham gia vào hoạt động giao dịch tiền ảo này, thực tế là "đầu tư tiền ảo, mất tiền thật". Nhà đầu tư dễ dàng bị chiếm đoạt tài chính mà không có sự ràng buộc nào giữa hai bên, trong khi hệ thống, dữ liệu về người đầu tư có thể biến mất bất cứ lúc nào.
“Theo quy định hiện hành, các loại tiền ảo và hình thức tương tự không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, trường hợp xảy ra tranh chấp, người đầu tư sẽ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình”, Cục Quản lý cạnh tranh nhìn nhận.
Ngoài ra, hiện cũng có nhiều tổ chức, cá nhân huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khai thác khoáng sản… Thực chất các dự án này chỉ là vỏ bọc để che đậy cho hoạt động kinh doanh đa cấp.
Bản chất của hoạt động này vẫn là lấy tiền của người vào mạng lưới sau trả cho người vào mạng lưới trước. Khi không còn người đóng tiền vào hệ thống thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ rất khó lấy lại số tiền đã đầu tư.
Vì lẽ đó, Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo và khuyến cáo các nhà đầu tư cảnh giác, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo.