Phản hồi của Bộ GD-ĐT được TS Lương Hoài Nam đăng tải trên trang cá nhân ngày 15/8 mới đây.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản phản hồi về bản góp ý của TS Lương Hoài Nam cho Dự thảo Chương trình giáo dục Phổ thông tổng thể.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc nội dung góp ý, trao đổi, đề xuất của TS Lương Hoài Nam cùng các ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân khác trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện chương trình mới...
Trước đó, TS Lương Hoài Nam đã gửi văn bản đến Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trong bản góp ý này, TS Nam đưa ra nhiều đề xuất.
Xem chi tiết: TS Lương Hoài Nam góp ý cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT
Trong đó, đáng chú ý là đề xuất sơ đồ tổ chức và phân luồng giáo dục với các nội dung chủ yếu: tăng cấp tiểu học lên 6 năm (tăng 1 năm so với dự thảo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo); cấp THCS có độ dài 3 năm (giảm 1 năm so với chương trình của Bộ); cấp THPT có độ dài 3 năm (tương đương với chương trình của Bộ); Bổ sung cấp Dự bị Đại học có độ dài 2 năm; tổ chức thi tốt nghiệp THPT và lấy kết quả này để phân luồng học sinh vào các trường Dự bị Đại học, Cao đẳng; sau khi kết thúc cấp dự bị Đại học, tổ chức thi đại học để chọn các thí sinh đủ tiêu chuẩn vào học tại các trường Đại học...
Ngoài ra, trong bản góp ý, TS Nam cũng nhấn mạnh đến những điểm còn yếu kém của người Việt như hiểu biết luật pháp hạn chế, sống và làm việc theo cảm tính...; Khả năng sáng tạo công nghệ và làm công nghiệp kém; Ngoại ngữ yếu kém. Đây là những vấn đề Chương trình giáo dục phổ thông mới cần đặt ra mục tiêu và có các giải pháp cụ thể để giải quyết những yếu kém, nhược điểm này.
TS Nam cũng đề nghị, trong quá trình hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lấy Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục 2011 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) làm “bộ khung” để đảm bảo tính tương thích cao nhất của chương trình giáo dục phổ thông nước ta với các tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận. Thông qua sự tương thích với Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục để tạo sự tương thích cao nhất giữa chương trình giáo dục nước ta với chương trình giáo dục của các nước tiên tiến...
Xem thêm:
- TS Lương Hoài Nam góp ý cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT
- Đổi mới giáo dục phổ thông: Cần giải pháp và lộ trình phù hợp