Theo Bộ TN&MT, sau sự cố môi trường trên biển miền Trung, Bộ trưởng TN&MT đã chỉ đạo tổ giám sát liên ngành phối hợp với Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học giám sát thường xuyên, liên tục quá trình thực hiện các hạng mục bảo vệ môi trường cải thiện, bổ sung để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, báo Vietnamnet đưa tin.
Các vi phạm, tồn tại về bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề xử lý khí thải tại xưởng thiêu kết đã được Bộ TN&MT xác định đầy đủ và Bộ trưởng đã yêu cầu Formosa có kế hoạch khắc phục, đảm bảo các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường của Formosa phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của quốc tế.
Formosa Hà Tĩnh đã cam kết đầu tư trên 100 triệu USD để lắp đặt thiết bị khử SO2, NOx của xưởng thiêu kết, hoàn thành vào tháng 6/2019. Trong thời gian lắp đặt các thiết bị này, Bộ TN&MT cũng đã yêu cầu Formosa kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo sử dụng nguyên liệu và nhiên liệu sạch để không làm phát sinh chất ô nhiễm ra môi trường.
Việc phát thải của doanh nghiệp Đài Loan trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hiện nay đang được Bộ TN&MT giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục. Các thông số ô nhiễm đo được trong nước thải, khí thải của các nhà máy, xưởng sản xuất đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Riêng tại xưởng thiêu kết, các thông số bụi tổng, dioxin/furan, hơi kim loại,… đều thấp hơn nhiều lần so với QCVN 51:2013/BTNMT. Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với QCVN 51:2013/BTNMT.
“Việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là để tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải. Từ kết quả giám sát trong quá trình vận hành thử nâng công suất, Formosa Hà Tĩnh sẽ đầu tư bổ sung công nghệ, thiết bị xử lý đáp ứng nghiêm ngặt QCVN”, Bộ TN&MT thông tin.
Theo báo Tiền Phong , hiện Bộ TN&MT đang giao Tổng cục Môi trường biên soạn một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới (QCVN 51: 2017/BTNMT) về khí thải công nghiệp sản xuất thép, thay thế quy chuẩn của năm 2013 (QCVN 51:2013/BTNMT).
Theo đó, quy chuẩn mới vẫn cơ bản giữ nguyên các thông số kỹ thuật về khí thải công nghiệp trong sản xuất thép, nhưng lại thay đổi hàm lượng oxy tham chiếu từ 7% (QCVN 51;2013) lên 15% (QCVN 51:2017).
Việc thay đổi này khiến dư luận nghi ngờ Bộ TN&MT đang chạy theo Formosa, làm lợi cho doanh nghiệp, bỏ mặc môi trường bị hủy hoại vì ô nhiễm. Cơ sở của việc nghi ngờ này là ngày 16/8/2017, Formosa Hà Tĩnh có công văn số 1708049, gửi Bộ TN&MT báo cáo về việc lắp đặt bổ sung hệ thống công trình bảo vệ môi trường khử lưu huỳnh, khử Nitơ, và khử Dioxin tại xưởng thiêu kết. Và dự kiến hoàn thành hệ thống thứ nhất vào năm 2020, hệ thống thứ 2 vào năm 2021.
Mốc thời gian năm 2020 trong QCVN sửa đổi và trong báo cáo lắp đặt bổ sung hệ thống bảo vệ môi trường của Formosa liệu có liên quan đến nhau? Lí giải điều này, một chuyên gia trong ngành thép cho biết: “Với hệ thống xử lí khí thải hiện nay của Formosa không thể đáp ứng yêu cầu của QCVN 51:2013, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này phải đóng cửa đến năm 2020, khi mà hệ thống bảo vệ môi trường bổ sung của họ hoàn thành thì mới được vận hành sản xuất. Nếu vẫn để Formosa áp dụng văn bản “đặc cách” của ông Bùi Cách Tuyến, Bộ TN&MT sẽ bị các nhà sản xuất thép khác kiện vì ưu ái Formosa, đồng thời các cơ quan chức năng phát hiện; còn bắt Formosa áp dụng theo QCVN 51:2013, thì chắc chắn Formosa vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của Việt Nam”.
Tổng hợp