Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

(Ngày Nay) - Sáng 19/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

Nêu cao tinh thần gương mẫu trong xây dựng, thực thi VBQPPL

Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn về việc làm thế nào để bảo đảm chất lượng ban hành, thực thi VBQPPL tại các bộ ngành, địa phương. Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, việc đầu tiên ban hành VBQPPL phải  đảm bảo tính khả thi; đối với việc thực thi, các cơ quan Nhà nước phải nêu cao tinh thần gương mẫu; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật... có như  vậy một đạo luật được ban hành mới đi vào cuộc sống, tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh.

Tiếp đó, Bộ trưởng trả lời đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chất vấn về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với việc ban hành thực thi pháp luật.

Trả lời đại biểu về mục tiêu, giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật, Bộ trưởng cho biết về pháp luật, chúng ta đã có hệ thống văn bản để điều chỉnh công tác này. Trong quá trình triển khai luật, chúng ta cũng có nhiều đề án, tập trung vào các đối tượng đặc thù (đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...) để tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tuy nhiên, việc thực hiện còn có hạn chế, một phần do nguồn lực... Trong tương lai, Bộ sẽ chú trọng nhiều hơn đối với công tác này.

Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành VBQPPL

Trả lời đại biểu Trương Minh Hoàng về giải pháp đảm bảo tiến độ xây dựng pháp luật, tránh tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, Bộ trưởng cho rằng thời gian qua việc xây dựng VBQPPL đã đạt bước tiến đáng kể. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng xin lùi, xin rút, đưa dự án luật ra khỏi chương trình, dù đã bớt đi so với trước... Điểm qua một số nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp nâng cao tínhchủ động; nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng VBQPPL;...

Trả lời đại biểu Trần Quang Chiểu về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật ban hành VBQPPL thời gian vừa qua, Bộ trưởng khẳng định, luật đã góp phần nâng cao chất lượng ban hành VBQPPL, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có một số phản ánh, kiến nghị về: Vấn đề đánh giá tác động văn bản; lập đề nghị đưa dự án luật vào chương trình;... Bộ trưởng cho rằng, cần thay đổi, tư duy, cách thức tham mưu trong xây dựng VBQPPL; cần xem xét lại việc lập đề nghị đánh giá việc ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh;...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn ảnh 1Nhập mô tả ảnh

 Không đúng tiến độ: Có trách nhiệm người đứng đầu

Dẫn chứng thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, “có những dự án Luật từ khi trình đến khi họp chỉ được báo trước 2 ngày”; về chất lượng, nhiều dự án luật có nhiều vấn đề lớn; nhiều báo cáo tổng kết hình thức, không ký, không đóng dấu; đánh giá tác động chỉ có khoảng nửa trang, không có chứng minh kèm theo; thời gian và sự tham gia của các bộ, ngành còn hình thức.

“Có những bộ, ngành thường xuyên ủy quyền cho Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho ý kiến ghi 3 dòng là đồng ý, mà nếu cần, chúng tôi cũng có thể nêu danh được”, đại biểu Lê Thị Nga thẳng thắn. Ngoài ra, một số dự án Luật chưa có dự thảo Nghị định hướng dẫn kèm theo, chưa được lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của các chính sách…

Trước thực trạng này, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị “Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chấn chỉnh tình trạng này”. Và với tình trạng như vậy, “Bộ trưởng có xử lý cá nhân, tổ chức nào, chuyên viên nào và lãnh đạo nào không?”.

Khẳng định đại biểu Lê Thị Nga đã đánh giá “rất chính xác, đích đáng” tình hình về hồ sơ, thủ tục trình các dự án Luật, Bộ trưởng Lê Thành Long nói rằng, “ở đây có trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành khi trình hồ sơ dự án luật không đúng tiến độ, không bảo đảm quy trình”.

Vì trên thực tế, Quốc hội đã có Nghị quyết liên quan đến xây dựng văn bản pháp luật. Còn xét về nhiệm vụ chính trị, “các bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện đúng chức trách của mình trong công tác xây dựng pháp luật” - Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ rõ - “đây sẽ là một cơ sở quan trọng để các Đại biểu Quốc hội đánh giá khả năng hoàn thành vai trò, nhiệm của của các bộ trưởng khi tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm”.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, trong các phiên họp thường kỳ, chuyên đề của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rất rõ các bộ trưởng, trưởng ngành phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản, chịu trách nhiệm về việc trình không đúng thời hạn, không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng dự án luật.

Trên thực tế, Chính phủ cũng có xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm, đôn đốc, nhắc nhở các trưởng ngành trong các phiên họp của Chính phủ, công bố công khai các dữ liệu về văn bản pháp luật xây dựng chậm và nợ đọng.

“Bộ Tư pháp cùng với Văn phòng Chính phủ cũng có đôn đốc, nhắc nhở, rà soát và có kiến nghị kịp thời”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Có hay không tình trạng đối phó?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) hỏi: Vai trò của Bộ Tư pháp, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc kiểm soát các dự thảo các văn bản quy định chi tiết khi trình Quốc hội như thế nào? Qua theo dõi một số hồ sơ của một số cơ quan trong trình hồ sơ đó có hiện tượng đối phó, Bộ trưởng đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, “trên thực tế, chúng ta có độ trễ nhất định, nhưng cũng có những trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo chưa dự trù hết thông tin”.

Thực tế, Chính phủ đã trình được 10 văn bản quy định chi tiết kèm theo dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản; Luật Lâm nghiệp; Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn ảnh 2

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng mong muốn các Đại biểu Quốc hội chia sẻ: Với quy trình làm luật chặt chẽ như vậy, cùng một lúc, trong thời gian ngắn phải trình cả dự thảo quy định chi tiết thì thời gian vật chất có những hạn chế”.

Do vậy, Bộ Tư pháp cũng cố gắng thẩm định kỹ, soi kỹ từng nội dung, từng chính sách để làm sao quy định chi tiết ở mức cao nhất trong luật, pháp lệnh là tốt nhất, còn nếu không thì cần tiếp tục quy định nội dung quy định chi tiết nhưng phải kiểm soát về số lượng.

* Trong chương trình chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long đã trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, Trần Văn Quý, Nguyễn Thanh Thủy, Tống Thanh Bình, Đỗ Thị Lan, Bùi Sĩ Lợi, Đặng Thị Ngọc Thịnh, Nguyễn Thị Kim Bé, Ngô Thị Minh, Phạm Văn Hòa, Nguyễn Văn Hiển, Phan Thanh Bình, Trần Thị Dung, Nguyễn Ngọc Phương, Trần Văn Mão... các nội dung: Về việc một số luật chuyên ngành vẫn 'lọt' quy định về tổ chức, bộ máy, biên chế; nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng 'nợ', chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn luật; giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; công tác rà soát việc ban hành VBQPPL tại các địa phương, tránh tình trạng "lạm phát" VBQPPL; trách nhiệm, giải pháp khắc phục tình trạng ban hành văn bản còn sai sót, trái luật, trái thẩm quyền; khắc phục tình trạng "vênh nhau", chồng chéo giữa các VBQPPL; hoàn thiện VBQPPL về xử lý tài sản tham nhũng; vai trò của Bộ Tư pháp trong thẩm định, nâng cao chất lượng các dự thảo văn bản hướng dẫn luật trình Quốc hội; giải pháp cải tiến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo để khắc phục tình trạng khiếu kiện kéo dài; nâng cao hiệu quả tuyên truyền Ngày Pháp luật Việt Nam; trách nhiệm của Bộ trưởng Tư pháp trong việc rút dự thảo Luật Nhà giáo; trách nhiệm "gác cổng" của Bộ Tư pháp trong việc để các bộ ngành, địa phương ban hành văn bản trái pháp luật, sai sót; giải quyết những vướng mắc trong triển khai thực hiện kế hoạch ban hành các luật để cụ thể hóa Hiến pháp; giải pháp đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng các dự thảo trình Quốc hội; có hay không "lợi ích nhóm" trong xây dựng pháp luật và giải pháp khắc phục;...

Kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong phiên chất vấn sáng nay có 28 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 6 đại biểu tranh luận, nhiều đại biểu đăng ký nhưng do thời gian có hạn nên chưa đặt câu hỏi chất vấn... Nhìn chung, các đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn thẳng thắn, rõ vấn đề; Bộ trưởng Lê Thành Long nắm khá chắc thực trạng tình hình, nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, tiếp thu các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục nhằm góp phần nâng cao hiệu quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống...

Xây dựng, thực thi pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp phục vụ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, với phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân, Chính phủ luôn coi xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cần tập trung chỉ đạo, điều hành.

Trong tinh thần đó, Nghị quyết số 100/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 xác định rõ nhiệm vụ: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch; gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, phát huy mạnh mẽ dân chủ gắn với thượng tôn pháp luật”.

Hằng năm, tại từng Phiên họp thường kỳ hằng tháng cũng như Phiên họp chuyên đề, Chính phủ đều dành thời gian nhiều hơn để thảo luận, xem xét các nội dung về xây dựng thể chế; đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của các Thành viên Chính phủ trong công tác này.

Dưới sự Lãnh đạo của Đảng, Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các bộ, ngành và sự quan tâm, tạo điều kiện của các vị Đại biểu Quốc hội, công tác xây dựng pháp luật, nhất là xây dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế, nhưng đã đạt những kết quả cụ thể và có những bước chuyển biến mới, đóng góp thiết thực cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chất lượng các dự án luật cơ bản được bảo đảm

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Các Chương trình năm 2017, 2018 (đã được Quốc hội thông qua) và Chương trình năm 2019 (Tờ trình của Chính phủ số 43/TTr-CP, ngày 28/02/2018). Thực hiện các Chương trình nêu trên, cùng với Chương trình năm 2016, Quốc hội đã thông qua 32 luật, nghị quyết (28 luật, 04 nghị quyết); Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 01 pháp lệnh, 01 nghị quyết do Chính phủ trình.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn ảnh 3

Về tiến độ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng để tham mưu, giúp Chính phủ trình Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản bảo đảm tiến độ theo quy định của Luật năm 2015 và các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2019 đã được trình trước ngày 01/3/2018). Một số dự án Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ trình như dự án Luật Cảnh sát biển (thuộc Chương trình năm 2018, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 đã được Bộ Quốc phòng trình Chính phủ thông qua từ rất sớm, tháng 12/2017).

Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản được bảo đảm. Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các Cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, đều được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao (hầu hết các dự án luật đều được thông qua với tỷ lệ trên 80%, có dự án được thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua như Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh Chương trình

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cho biết, vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh Chương trình (năm 2016 có 12 dự án được lùi, rút khỏi Chương trình; năm 2017 có 9 dự án được lùi, rút khỏi Chương trình).

Trong quá trình lập Chương trình, một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật. Chất lượng một số dự án luật chưa được Quốc hội đánh giá cao. Có dự án phải chuyển từ quy trình 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chậm so với quy định; có dự án sát Phiên họp thẩm tra, Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Kỳ họp của Quốc hội mới gửi hồ sơ, nên các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội có ít thời gian để nghiên cứu. Ví dụ: Gần đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, vẫn còn 4/15 hồ sơ dự án luật chưa được gửi các đại biểu Quốc hội.

Chất lượng thẩm định tuy đã từng bước được nâng cao, nhưng chưa đồng đều, đôi khi chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các chính sách và quy định trong dự thảo văn bản. Trong một số trường hợp, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp chưa đánh giá đầy đủ, cụ thể về các nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành do hồ sơ đề nghị, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết gửi thẩm định nhưng không có đầy đủ thông tin. Việc đánh giá mức độ tương thích giữa nội dung của chính sách trong đề nghị, dự án, dự thảo với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên còn hạn chế.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng VBQPPL

Báo cáo cho biết, để bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế, chỉ đạo, điều hành đến tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện hoặc tham mưu để Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung ưu tiên một số giải pháp lớn sau đây:

Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật năm 2015, nhất là các quy định mới như xây dựng nội dung của chính sách, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định chính sách…; đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện quy định, quy trình xây dựng luật theo hướng nâng cao giá trị pháp lý của văn bản thẩm định và bảo đảm trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh. Tham mưu cho Chính phủ lập Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi.

Đầu tư nguồn lực thỏa đáng đi đôi với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo văn bản. Đối với các bộ, ngành có dự án phải xin lùi, rút trong thời gian qua thì cần rà soát, xác định rõ thứ tự ưu tiên để cân đối, bảo đảm phù hợp với nguồn lực, khả năng thực hiện.

Củng cố, kiện toàn và phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành. Ưu tiên bố trí biên chế, tăng cường hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản, trong đó chú trọng năng lực phân tích, xây dựng chính sách pháp luật và kỹ năng soạn thảo, thẩm định cho những người làm công tác xây dựng pháp luật; thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban pháp chế các bộ, ngành để thảo luận, trao đổi chuyên sâu về công tác xây dựng pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Thực tế cho thấy, ở một số bộ, cơ quan ngang bộ, khi tổ chức pháp chế được quan tâm, chú trọng thì tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng đề nghị, dự án, dự thảo được chuẩn bị tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn ảnh 4

Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì lập đề nghị, chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ về những chính sách cần thể chế hoá bằng pháp luật và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi đề xuất đưa vào Chương trình hoặc gửi hồ sơ để Bộ Tư pháp thẩm định; tham gia tích cực và chủ động hơn với các bộ, ngành trong tất cả các công đoạn, từ khâu chuẩn bị Chương trình, soạn thảo đến thẩm định văn bản.

­Tiếp tục huy động trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội; sự phản biện từ các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình xây dựng, thẩm định. Tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các hoạt động nghiên cứu trước và sau khi tổ chức thẩm định để làm rõ thêm các vấn đề phức tạp, còn có ý kiến khác nhau.

Phối hợp hiệu quả hơn nữa với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trong việc theo dõi, đôn đốc việc xây dựng, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thẩm định văn bản và ban hành văn bản quy định chi tiết; phối hợp chuẩn bị kỹ các dự án được Chính phủ thảo luận tại các Phiên họp thường kỳ, Phiên họp chuyên đề; kịp thời Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản và kiến nghị biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

 Khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Để khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, ngoài những giải pháp về nguồn lực bảo đảm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật… thì cần thực hiện nghiêm quy định của Luật năm 2015 về chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm theo dự án luật, pháp lệnh; ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao.

Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và cơ quan của Quốc hội ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng cho đến soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh để quy định cụ thể các vấn đề ngay trong luật, pháp lệnh, nghị quyết; đồng thời, kiểm soát phạm vi, hạn chế nội dung giao quy định chi tiết. Cần dự kiến và đề xuất hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh để bảo đảm tính khả thi trong việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Định kỳ và kịp thời Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời có biện pháp khắc phục; tiếp tục công khai tình hình soạn thảo, trình văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của các bộ, cơ quan ngang bộ hàng tháng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Báo cáo cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã áp dụng nhiều giải pháp để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp đã áp dụng có hiệu quả, chú trọng các giải pháp sau:

Quán triệt đầy đủ, thi hành nghiêm túc Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn để nâng cao nhận thức của các chủ thể về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thực thi pháp luật; xác định rõ trách nhiệm pháp lý của cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện, để công tác này thực sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, là trách nhiệm của mỗi người dân nhằm phát huy đầy đủ nhất tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân.

Tiếp tục trình ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả các Đề án, Kế hoạch về PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy công tác PBGDPL tại địa bàn đặc thù; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn địa phương bảo đảm đủ nguồn lực cho công tác PBGDPL; hướng dẫn, triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến luật, pháp lệnh, chính sách mới ban hành, bảo đảm thường xuyên, liên tục, rộng khắp  sát với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện gắn với triển khai Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.

Hướng dẫn, triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến luật, pháp lệnh, chính sách mới ban hành, bảo đảm thường xuyên, liên tục, rộng khắp sát với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện gắn với triển khai Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; chú trọng nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Đặc biệt chú trọng xây dựng các Sổ tay hướng dẫn thi hành luật ngay sau khi luật được ban hành; chuẩn hóa tài liệu PBGDPL; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; bảo đảm nguồn lực, kinh phí PBGDPL cho đối tượng đặc thù, tại các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện khó khăn ít có tổ chức, cá nhân tham gia; nâng cao hiệu quả thực thi công vụ theo Hiến pháp và pháp luật gắn với xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL, trong đó có việc tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, ban hành kế hoạch; cung cấp thông tin pháp luật; tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; làm tốt công tác thông tin về pháp luật gắn với triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức tiếp cận, sử dụng thông tin về pháp luật.

Bảo đảm kinh phí cho công tác PBGDPL; thu hút, huy động các nguồn lực khác thông qua việc thực hiện quy định của Luật PBGDPL về xã hội hóa công tác PBGDPL.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với trình ban hành, triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2018-2021 (xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử PBGDPL; biên soạn bài giảng, ấn phẩm, tài liệu PBGDPL điện tử, Tủ sách pháp luật điện tử; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, giải đáp pháp luật, đối thoại chính sách pháp luật trực tuyến...); cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật…

Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Trọng tâm là tiếp tục phối hợp với bộ, ngành chú trọng đẩy mạnh công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (xây dựng, triển khai kế hoạch, tổ chức hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra tình hình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...) đặc biệt chú trọng theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực quản lý nhà nước mang tính trọng tâm, liên ngành có nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành (Năm 2015: chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; năm 2016: nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai; năm 2017: hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; năm 2018: điều kiện đầu tư kinh doanh)…

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp còn chú trọng công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL bám sát các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về triển khai thi hành luật, pháp lệnh; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện thể chế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật...

Trong 2 năm vừa qua, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 9.415 văn bản, phát hiện, kiến nghị xử lý 301 văn bản trái pháp luật, nhất là một số thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trình Chính phủ thông qua 67/265 đề mục của Bộ pháp điển với gần 2 nghìn văn bản được rà soát góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

 Thành phần tham dự phiên họp chất vấn gồm: Thành viên UBTVQH; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội (toàn bộ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương); đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương; lãnh đạo các cơ quan thuộc UBTVQH; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Đại diện lãnh đạo: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nhóm vấn đề:

Các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Thí điểm chất vấn - trả lời ngay

Theo Kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của UBTVQH, việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề. Người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn.

Đặc biệt, UBTVQH sẽ thực hiện thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Theo đó, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần. Người trả lời chất vấn sẽ trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 3 phút/lần.

Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận. Thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên./.

Theo Chính phủ
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.