Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình các vấn đề trong sửa đổi Luật Dược

(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu xung quanh việc sửa đổi Luật Dược.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: QH

Tiếp thu những ý kiến của Đại biểu về sửa đổi Luật Dược, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Thuốc là mặt hàng đặc biệt và có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Việc thiếu thuốc điều trị và giải pháp giải quyết triệt vấn đề này, không chỉ là mục tiêu của riêng Việt Nam, mà của nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề đảm bảo cung ứng thuốc, cần phải được nhìn nhận một cách tổng thể.

Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để giải quyết các vấn đề khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc. Luật Đấu thầu có nhiều nội dung liên quan đến y tế, đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và đã được tháo gỡ nhiều khó khăn. Trong đó, có nội dung liên quan đến giá thuốc. Việc mua thuốc giá thấp nhất hay phải đảm bảo được chất lượng, đã được giải quyết trong Luật Đấu thầu.

Đối với Luật Dược sửa đổi, Bộ Y tế tiếp thu trên tinh thần Luật Dược (2016) còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: Vấn đề đăng ký thuốc, gia hạn giấy phép lưu hành… Năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 80 để tháo gỡ những vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật Dược và giao Chính phủ đến ngày 31/12/2024 phải giải quyết được cơ bản những vướng mắc này, tuy nhiên việc sửa đổi tổng thể là bài toán lâu dài.

Thực hiện chỉ đạo chung của Quốc hội và Chính phủ, cơ quan soạn thảo đã phối hợp cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra theo đúng định hướng trong quá trình xây dựng dự án Luật. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu đã được các cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, đây là một Luật chuyên ngành, mang tính chất kinh tế - xã hội, liên quan đến người dân; vì vậy, quan điểm của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì là phải dựa trên nguyên tắc chung của lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng giải trình các nội dung cụ thể như: Về chính sách phát triển công nghiệp dược, dự thảo Luật Dược đã quy định những vấn đề liên quan tới các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt và đã có quy định trong nội dung các điều luật đưa vào dự thảo. Ngoài Luật Dược, còn có nhiều luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các luật về kinh tế... cũng liên quan đến ưu đãi, được tổng hợp để đưa vào dự án Luật Dược sửa đổi.

Liên quan tới vấn đề kinh doanh chuỗi nhà thuốc, đây không phải là nội dung mới, đã được quy định trong Luật Dược (2016). Thực tiễn, có nhiều doanh nghiệp thực hiện theo kinh doanh chuỗi nhà thuốc, có những chuỗi nhà thuốc có tới hàng nghìn cơ sở bán lẻ. Trong Luật Dược sửa đổi lần này, Bộ Y tế đề nghị bổ sung thêm các quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức chuỗi nhà thuốc, trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi; quy định các nhà thuốc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chuỗi cung ứng…

Về vấn đề kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử, trong thực tiễn, vẫn còn khoảng trống pháp lý. Vì vậy, trong dự thảo Luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.

Bênh cạnh đó, Luật cũng quy định thêm về điều kiện kinh doanh các loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề bảo mật thông tin người mua, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử… Các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh thương mại điện tử là những doanh nghiệp đang hoạt động, có giấy phép, đáp ứng đầy đủ các quy định về kinh doanh dược; không mở rộng cho tất cả các loại thuốc.

Về vấn đề giá thuốc, năm 2016, Luật Dược đã quy định các nội dung liên quan đến quản lý giá thuốc bán buôn và thực hiện Luật Giá năm 2023, với nhiều quy định mới về quản lý giá. Điều này đã được triển khai hiệu quả từ năm 2016...

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, về tinh thần chung, dự án Luật Dược sửa đổi là Luật quan trọng, đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp thu đầy đủ, cơ bản những ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đã được sự đồng thuận cao. Hy vọng, dự án Luật Dược sửa đổi sẽ được bấm nút thông qua tại kỳ họp này.

Đổi mới sáng tạo và xuất khẩu bền vững góp phần tăng trưởng kinh tế
Đổi mới sáng tạo và xuất khẩu bền vững góp phần tăng trưởng kinh tế
(Ngày Nay) - Năm 2024, kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ những biến động địa chính trị, địa kinh tế thế giới và các vấn đề nội tại của đất nước; đặc biệt siêu bão số 3 và cơn bão số 4 gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng cho hệ thống hạ tầng năng lượng, công nghiệp, thương mại và sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa phương.
Hình ảnh Hội An trong video clip quảng bá. Ảnh: Trung tâm thông tin du lịch.
Lan tỏa video vẻ đẹp du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình quốc tế CNN
(Ngày Nay) - Nhằm lan tỏa vẻ đẹp du lịch Việt Nam, định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế, ngày 27/12, Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, hình ảnh video quảng bá du lịch Việt Nam đã chính thức xuất hiện trên kênh truyền hình nổi tiếng toàn cầu CNN.
Ông Peter Vesterbacka đã có những chia sẻ về hành trình của Angry Birds và câu chuyện khởi nghiệp.
Tỷ phú Peter Vesterbacka và bài học khởi nghiệp truyền cảm hứng cho sinh viên Việt Nam
(Ngày Nay) - Ai có thể quên được chú chim đỏ "cáu kỉnh" Angry Birds – một hiện tượng toàn cầu, từng "làm mưa làm gió" khắp các bảng xếp hạng game di động? Đằng sau thành công rực rỡ ấy là câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng của tỷ phú Phần Lan Peter Vesterbacka – nhà sáng lập Angry Birds và đồng sáng lập Slush.
Chiến thắng 2-0 ngay trên sân đối phương "mở toang" cánh cửa vào chung kết AFF Cup với Đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VFF.
AFF Cup 2024: Việt Nam giành lợi thế trước Singapore
(Ngày Nay) - Hai pha lập công liên tiếp ở những phút bù giờ của bộ đôi tiền đạo Tiến Linh và Xuân Son đã giúp Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng 2-0 trước Singapore ở trận bán kết lượt đi AFF Cup 2024.