Các chuyên gia cho rằng thử nghiệm bom nhiệt hạch lần này của Triều Tiên là một bước tiến lớn của nước này trong mục tiêu chế tạo đầu đạn có thể trang bị tên lửa, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Mỹ.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
“Triều Tiên đang tiếp tục nghiên cứu để đạt được mục tiêu này. Các cuộc thử nghiệm hôm qua giúp họ có thêm một bước tiến mới”, Kingston Reif từ Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Washington, Mỹ nhận định.
Ngày hôm qua 6/1, Triều Tiên phát đi tuyên bố khẳng định nước này lần đầu tiên thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch trên truyền hình quốc gia KCNA.
Trước đó, Triều Tiên đã 3 lần thử hạt nhân nhưng các vũ khí sử dụng trong các lần thử này đều là bom hạt nhân thông thường, uy lực kém hơn nhiều so với bom nhiệt hạch. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng sở hữu bom nhiệt hạch của Triều Tiên.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng những dữ liệu ban đầu từ các nguồn giám sát khác nhau “không phù hợp với những tuyên bố của Triều Tiên về việc thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch”.
Bom nhiệt hạch có sức tàn phá khủng khiếp (Ảnh minh họa).
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kiểm soát vũ khí hạt nhân nói rằng động thái lần này của Triều Tiên là rất đáng lo ngại.
“Đối với những tin đồn hay tuyên bố của Triều Tiên về bom nhiệt hạch, tôi cảm thấy thực sự nghi ngại. Các sóng địa chấn cho thấy một thứ gì đó tương tự như một thử nghiệm trước đây. Không thể nói rằng Triều Tiên đang không làm gì”, ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân thuộc Liên đoàn Khoa học Mỹ cho biết.
Triều Tiên không có tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang vũ khí thông thường như Hàn Quốc và Nhật Bản, và nước này đang nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể vươn xa hơn nữa, ông Reif cho biết.
Tuy vậy, ông cho biết thêm: “Triều Tiên hiện vẫn chưa triển khai tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới Mỹ. Nước này chưa bao giờ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, mặc dù họ đã trưng bày mô hình”.
Trước đây, Triều Tiên dựa vào sự hỗ trợ của Liên Xô và Triều Tiên để phát triển kho vũ khí của mình, nhưng hiện tại Triều Tiên đã là một nước xuất khẩu chính về công nghệ và hệ thống tên lửa đạn đạo.
Theo ông Reif, có khả năng tới năm 2020, Triều Tiên sẽ thành công trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Danh Tuyên (theo Discovery)