Bốn quan điểm của Việt Nam trong xây dựng, phát triển quân đội ‘bốn không’

Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Canh Tý về những hoạt động nổi bật trong năm 2020 - Năm Việt Nam giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có những chia sẻ về quan điểm của Việt Nam trong phát triển, xây dựng Quân đội với mục tiêu “bốn không” để phòng vệ.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong năm 2019?

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Năm 2019, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, toàn quân luôn đoàn kết, quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt, một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác. Trong đó, có thể điểm qua một số nét sau:

Một là, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên nắm chắc, dự báo đúng tình hình, chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước xử lý kịp thời, nhạy bén, hiệu quả các tình huống về quân sự, quốc phòng, không để bị động, bất ngờ; hoàn thành xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về các chiến lược quốc phòng, an ninh, các đề án về quân sự, quốc phòng bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Hai là, toàn quân đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, xây dựng đơn vị chính quy, “mẫu mực, tiêu biểu”, giữ nghiêm kỷ luật cương.

Đồng thời, toàn quân cũng triển khai thực hiện nghiêm Kết luận số 16 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 gắn với Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương thẩm định chặt chẽ về mặt quốc phòng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi cả nước; phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, xử lý ô nhiễm môi trường, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; gương mẫu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Toàn quân vững vàng, kiên định, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, thống nhất cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Năm là, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần xây dựng niềm tin chiến lược, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và Quân đội.

Năm 2019, Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Việt Nam trong phát triển, xây dựng Quân đội với mục tiêu “bốn không” để phòng vệ?

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Ngày 25/11/2019, Bộ Quốc phòng đã công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam, thể hiện rõ sự minh bạch về chính sách, khả năng quốc phòng của Việt Nam, góp phần tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin chiến lược giữa Việt Nam với các quốc gia trong cộng đồng quốc tế; trong đó, khẳng định “bốn không.”

Thứ nhất, Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; thứ hai, không liên kết với nước này để chống nước kia; thứ ba, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; thứ tư, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Để phòng vệ với mục tiêu “bốn không,” quan điểm của Việt Nam trong xây dựng, phát triển Quân đội là:

Thứ nhất, tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao.

Thứ hai, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, hiệu quả; cơ cấu tổ chức đồng bộ; điều chỉnh, mở rộng, phát triển lực lượng hợp lý, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ tác chiến; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, phù hợp với từng địa bàn, loại hình tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.

Thứ ba, tiếp tục trang bị cho Quân đội vũ khí ngày càng hiện đại, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, có đủ sức răn đe và đánh thắng bất kỳ thế lực nào có âm mưu xâm hại đến độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thứ tư, trong đấu tranh quốc phòng, Việt Nam kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt; chủ động ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình hình. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đều là đối tượng.

Năm 2020, Việt Nam giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN, đồng thời là Ủy viên không Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Lĩnh vực quân sự, quốc phòng của Việt Nam trong năm 2020 sẽ có những điểm gì nổi bật để đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đây là hai trọng trách mang tầm khu vực và toàn cầu.

Để góp phần đảm nhiệm thành công hai trọng trách trên, Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động chuẩn bị mọi mặt cho việc đảm nhiệm tổ chức các sự kiện quân sự, quốc phòng trong năm 2020, từ việc thành lập Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, xác định ý tưởng, xây dựng đề án, kế hoạch, đến công tác tham vấn, khảo sát, lễ tân, tuyên truyền, bảo đảm...

Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì tổ chức 24 sự kiện quân sự, quốc phòng trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 và chủ trì tổ chức 6 hội nghị, diễn đàn trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong 30 sự kiện đó, sự kiện nào cũng quan trọng, song nổi bật nhất là các sự kiện như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn tập An ninh hàng hải ASEAN, Lễ Duyệt binh tàu quốc tế, Triển lãm quốc phòng quốc tế tại Việt Nam và Hội thao Quân sự ASEAN...

Với quyết tâm và tinh thần chủ động, Bộ Quốc phòng sẽ làm hết sức mình để tổ chức thành công các sự kiện quân sự, quốc phòng, tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về đất nước, con người và hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam; tiếp tục khẳng định đóng góp của Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam đối với cộng đồng ASEAN, cũng như góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thưa Bộ trưởng, nhân dịp đón Xuân Canh Tý 2020, Bộ trưởng có thông điệp nào nhắn gửi đến cán bộ, chiến sĩ toàn quân?

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Đón chào Xuân Canh Tý năm 2020, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tôi thân ái gửi tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.

Với tinh thần vui Xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ, chúc cán bộ, chiến sĩ toàn quân đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chúc cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Thông tấn xã Việt Nam luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc năm mới thắng lợi mới!

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.