“Đua” cùng World Cup với nhiều nét mới
Trước đây V.League nói riêng cùng các hoạt động của bóng đá Việt nói chung cũng gần như “nghỉ hè” dài với thời gian lên tới cả tháng. Thế nhưng, đến World Cup này, lần đầu tiên, V.League vẫn đá bình thường. Thậm chí để dành thời gian cho U.23 Việt Nam tham dự ASIAD vào tháng 8, lịch thi đấu còn dày đặc và đá liền đến giữa tháng 7 mới nghỉ. Cụ thể, ngày 13.6, tức là 1 ngày trước khai mạc World Cup, V.League 2018 kết thúc lượt đi . Và cũng chỉ đúng 3 ngày sau, lượt về lại khởi tranh. Trong đó, 7 vòng đấu ở giai đoạn quyết định thành bại của mùa giải diễn ra song song cùng ngày hội bóng đá trên đất Nga.
Nét mới này đã chứng tỏ sự chuyên nghiệp của V.League, trước hết từ đơn vị tổ chức là VPF đã chủ động xếp lịch để V.League đá song song cùng World Cup. Lịch thi đấu các trận muộn cũng không cần đẩy lên kể cả trùng với các trận thư hùng tại Nga. Và quan trọng hơn, chính các đội bóng cùng các cầu thủ cũng có bước tiến lớn về nhận thức, cách tiếp cận, chuẩn bị trong mùa World Cup. Khảo sát một vòng, từ đội bóng đang dẫn đầu bảng và nhìn thấy cơ hội vô địch sớm như Hà Nội đến đội cuối bảng Nam Định, từ Hải Phòng đến FLC Thanh Hóa, CLB Sài Gòn hay B.Bình Dương… thì các HLV Chu Đình Nghiêm, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Đức Thắng, Phan Văn Tài Em, Minh Phương, Đặng Trần Chỉnh… đều cho rằng sự ảnh hưởng là không lớn và cũng không cần ra lệnh cấm đoán hay hạn chế đội xem World Cup. Lãnh đạo, Ban Huấn luyện các đội không còn phải áp dụng việc “cấm trại” hay đi từng phòng kiểm tra để quản quân.
Như một nếp quen, trừ những trận đấu sớm (khung giờ 18h30, 20h30, 21h30) thì đa phần giới cầu thủ, HLV lâu này đều không theo dõi World Cup như một khán giả bình thường, bởi họ hiểu rõ đặc thù nghề nghiệp và yêu cầu tập luyện, thi đấu.
Có thể khẳng định, về mặt tổng thể, V.League cũng như đời sống bóng đá Việt sẽ không bị xáo trộn, ảnh hưởng nhiều bởi World Cup. Rõ ràng, nó vẫn có “đất diễn” và sức hấp dẫn riêng của mình, so với World Cup.
Nỗi ám ảnh về những “cơn bão” chìm nổi
Dù đã khác nhiều, khác cơ bản, song đến World Cup này, nỗi ám ảnh cùng nguy cơ cũ với V-League và bóng đá Việt Nam hãy còn nguyên.
Ảnh minh họa |
Một thời gian dài, , cứ những năm chẵn với World Cup hay EURO diễn ra là V-League và bóng đá Việt lại trải qua một cơn bão, với những dư chấn với hậu quả nặng nề. Rất nhiều cầu thủ vỡ nợ, mất nghiệp bởi vấn nạn cá độ, đánh bóng khi bị cuốn theo vòng quay của những trận cầu đỉnh cao. Thậm chí, có CLB còn mất cả chức vô địch khi “cơn bão World Cup” tràn qua, như B.Bình Dương mùa 2010, theo cách “tự bắn vào chân mình”. Từ vị trí dẫn đầu, đội bóng đất Thủ đã tụt dốc không phanh, sau kỳ nghỉ nhường chỗ cho World Cup. Như thừa nhận của những người trong cuộc, đội tự thua chính mình do nhiều ngôi sao tiền tỉ ngập sâu vào bóng bánh, gắn với việc quản lý kiểm soát yếu kém của lãnh đạo đội.
Có thể thấy, giai đoạn từ 2006 đến 2012, thị trường chuyển nhượng cầu thủ của bóng đá Việt Nam bùng nổ, với nhiều những bản hợp đồng tiền tỉ. Giá trị cao, bỗng dưng có rất nhiều tiền nên nhiều cầu thủ thành tay chơi thực sự, bị cuốn vào trào lưu đánh bóng rồi lâm vào cảnh “sinh nghề, tử nghiệp”. Đây cũng chính là giai đoạn “cao trào” và “đỉnh điểm” của thảm cảnh với những giai thoại về việc cầu thủ này, cầu thủ kia bỗng nhiên “đóng phim… mất tích” rồi việc đánh mất tất cả của những tỉ phú đá bóng như Như Thành, Đoàn Việt Cường, Quang Thanh, Đắc Khánh, Huy Hoàng... Năm 2014, hàng loạt cầu thủ Đồng Nai cũng bị bắt giữ vì tham gia cá độ mùa World Cup. Đến giờ, tuy lương thưởng lót tay không còn cao tới mức “ảo” như trước nhưng không ít cầu thủ Việt, sau hàng chục năm bóng đá nước nhà chuyển mình theo mô hình chuyên nghiệp vẫn giữ tác phong sinh hoạt theo kiểu nghiệp dư hưởng lương cao.
Như một điệp khúc buồn, cứ đến mùa World Cup, lại xuất hiện những trận cầu “có mùi”, ở cả V-League và hạng Nhất. Nhiều trận đấu có tỷ lệ bàn thắng cao bất thường theo nhiều cách cũng bất thường. Càng đáng nói hơn khi các trận đấu này diễn ra trong bối cảnh World Cup, không chỉ vắng khán giả hơn, mà cũng chẳng nhận được sự quan tâm như thường lệ của giới chuyên môn và giới truyền thông.
Suy cho cùng, World Cup tranh tài thì trái bóng V-League vẫn lăn với nhiều nét mới, phần nào đó đột phá. Chỉ có điều, phía sau những trái bóng lăn trên sân cỏ Việt vẫn còn đó sự run rẩy của những nguy cơ tiềm ẩn, có thể báo hiệu “cơn bão” chìm nổi.
Mới đây, giới chuyên môn cùng người hâm mộ đã sốc khi SportRadar, đối tác vủa VPF đưa ra văn bản cảnh báo có 3 trận đấu, cùng ở vòng 6 giải hạng Nhất có dấu hiệu dàn xếp tỷ số. VPF đã lập tức có công văn gửi VFF để báo cáo sự việc, đồng thời chuyển toàn bộ thông tin, tài liệu mà Sportradar thu thập được cho VFF. Trên cơ sở đó, VFF đã có văn bản gửi C45 Bộ Công an vào xác minh, làm rõ sự việc để làm trong sạch giải đấu nếu có.
Sự cảnh báo này có thể chính xác hay không chính xác. Tuy nhiên, qua đây, bóng đá Việt Nam đã được đánh động về một thực tế rằng nguy cơ cầu thủ dính tới cờ bạc, cá độ bóng đá là không hề nhỏ nếu không có sự quản lý chặt và ý thức của từng người.