Học trực tuyến được biết đến từ lâu tại Việt Nam, tuy nhiên, đến những năm gần đây, học trực tuyến như một xu hướng mới đối với học sinh, sinh viên, thậm chí cả người đi làm muốn kiếm thêm tấm bằng.
Theo nhận xét của nhiều sinh viên đã và đang theo học loại hình này, khi học trực tuyến, mọi thành phần, không phân biệt trình độ, giới tính, độ tuổi, vùng miền đều có thể tìm cho mình một hướng tiếp cận khác nhau với vấn đề mà không bị ràng buộc trong một khuôn khổ cụ thể nào.
Học trực tuyến tạo ra nhiều hướng tiếp cận khác nhau cho người sử dụng. Ảnh minh họa.
Chị Nguyễn Nhật Ánh học viên Trung tâm học tập trực tuyến (thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị) chia sẻ, vì công việc khá bận rộn nên chị không có thời gian học trên lớp (lớp Chính trị - Triết học). Chỉ cần một máy tính, một Ipad hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng Internet, chị có thể học trực tuyến ngay cả khi đang nghỉ trưa, thậm chí là khi làm việc nhà.
"Nhiều người băn khoăn học trực tuyến làm giảm tính tương tác nhưng nhóm thảo luận của mình còn có bạn ở tận Bến Tre, Đắk Lắk,… Các bạn ấy cũng bận công việc, nhưng chưa bao giờ chúng mình bỏ bất kì bài tập thảo luận nào cả", chị Ánh nói. "Ngược lại, tham gia lớp học trực tuyến, mình chủ động hơn trong học tập và mạnh dạn hơn trong trao đổi".
Chỉ cần một Ipad, một máy tính, học viên có thể tham gia học trực tuyến ở bất cứ nơi đâu. Ảnh minh họa.
Còn Nguyễn Ngọc Linh (học viên Trung tâm Học Toán cùng thủ khoa) cho biết lý do chọn loại hình học này vì chi phí học tập thấp, chỉ 500.000 đồng/khóa học 9 tháng (bồi dưỡng kiến thức Toán). Hơn nữa, có thể chọn khóa học, giáo viên dạy phù hợp và được giao lưu, hợp tác với nhiều bạn bè trong nhóm để thảo luận bài tập về nhà,…
Học trực tuyến vẫn đảm bảo sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm. Ảnh minh họa.
Theo cô Ngô Thị Thùy Trang, giáo viên tiếng Anh (Trung tâm Cadasa), bên cạnh hệ thống bài giảng, học liệu và các phương pháp hỗ trợ học tập tốt được sử dụng để nghiên cứu, thiết kế bài giảng phù hợp với từng học sinh, kèm theo đó là những nhận xét của giáo viên, giúp phụ huynh biết khả năng tiếp thu bài của con mình ra sao.
Tuy nhiên, bên cạnh những tính năng khác biệt, học trực tuyến cũng có những mặt hạn chế khó tránh.
Anh Nguyễn Công Minh (Tây Hồ, Hà Nội) lo lắng, học qua mạng Internet sẽ làm mất đi kỹ năng giao tiếp của con với mọi người xung quanh, nguồn tài liệu mà các con tham khảo có chính thống không, trung tâm mà các con theo học có chất lượng không…
Chị Trần Thị Hương Thắm (TP. Hưng Yên) bày tỏ: "Cá nhân tôi luôn ủng hộ phương pháp học tập mới này. Nhưng việc thiếu trang thiết bị học tập cho các cháu cần được giải quyết sớm. Nếu Bộ Giáo dục kết hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm,… hỗ trợ học sinh, sinh viên vượt khó học tập tốt phương tiện như: máy tính, điện thoại thông minh, tivi riêng thì loại hình này sẽ phát triển hơn nữa".
Phụ huynh Trần Thị Hương Thắm (TP Hưng Yên) mong muốn học sinh, sinh viên vượt khó học tập tốt được hỗ trợ phương tiện học tập. Ảnh Kim Cúc.
Để phát huy hơn nữa ưu thế và khắc phục nhược điểm của học trực tuyến, Bộ Giáo dục & Đào tạo, các trường đại học và cao đẳng, các cơ sở giáo dục cần xác định học trực tuyến là một chiến lược trong giáo dục mới hướng tới xã hội học tập. Cần tuyên truyền, nhân rộng học trực tuyến, tăng cường hợp tác doanh nghiệp trong việc xây dựng các Website học trực tuyến của cả nước.
Thường xuyên tập huấn, đào tạo về phương pháp, kĩ năng, sử dụng tổng hợp nhiều hợp phần để xây dựng bài giảng. Đầu tư trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí cho giáo viên, giảng viên trong việc tạo bài giảng.
Tổ chức tập huấn, đào tạo kĩ năng xây dựng các giáo án điện tử cho giáo viên, giảng viên. Ảnh minh họa.
Để nâng cao chất lượng dạy và học, các trường có thể đầu tư vào việc bổ sung thêm lĩnh vực học trực tuyến nhằm tạo phương thức học mới cho học viên.
Học trực tuyến đang là xu hướng chung của thế giới. Bởi vậy, việc triển khai trong giáo dục Việt Nam là điều tất yếu nhằm đưa giáo dục Việt Nam tiến gần hơn với nền giáo dục thế giới.
Học trực tuyến là thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo sử dụng các công cụ hiện đại như máy tính, mạng vệ tinh, mạng Internet,… trong đó nội dung học có thể thu được từ các website, đĩa CD, băng video, audio,… thông qua một máy tính hay tivi; người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau qua mạng dưới hình thức như: thư điện tử (email), thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo, video… |
Kim Cúc