Gặp chúng tôi khi đang chờ tới lượt vào thăm Trúc, vợ chồng ông Tùng ngậm ngùi chia sẻ, từ ngày Trúc bị tuyên án tử hình đến nay cũng là bấy nhiêu thời gian vợ chồng ông phải chạy vạy khắp nơi để tìm cách cứu con. Cũng từ lúc con trai bị biệt giam, hàng tháng họ vẫn cố vay mượn, đón xe vào TP Hồ Chí Minh thăm con. Vợ chồng ông Tùng hy vọng, những lần được gặp con ngắn ngủi ấy với những câu chuyện câu trò, họ càng có niềm tin hơn để sống nốt quãng đời còn lại. Đồng thời, cũng góp phần động viên Trúc cố gắng sống tốt dù phải đếm từng ngày chờ thi hành án.
Theo lời bà Út kể, mỗi tháng người thân chỉ được vào thăm Trúc một lần, còn tiếp phẩm thì một tháng được gửi hai lần. Gọi là tiếp phẩm chứ gia đình bà khó khăn, nên cũng chỉ nấu được vài món ăn bồi dưỡng cùng vài ba bộ quần áo cũ đem vào cho con. Vừa trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng ông Tùng vừa phải lo công việc của mình, trong khi ông Tùng bận rộn với các giấy tờ, thủ tục để vào trại thì bà Út lo chỉnh sửa lại những tiếp phẩm chuẩn bị mang vào cho con. Có lẽ khi chứng kiến những hình ảnh đó - nhiều người sẽ có những cảm xúc của riêng mình, dù đứa con của họ đã từng gây ra tội ác và mang trên mình bản án tử hình.
Hồ Duy Trúc tại tòa.
"Hôm vừa rồi vào thăm nó nhưng vội để cho kịp chuyến xe nên tôi quên mất. Nay tôi làm tăng gấp đôi để bù lại hôm trước. Ở trại giam, chân nó bị cùm khóa xích nên tôi gửi thêm vài bộ quần áo cũ vải thun để mặc cho thoải mái", bà Út vừa chỉ vào nồi cá kho vừa phân trần. Cũng theo bà Út kể lại thì tháng trước đó khi vào thăm, khi thấy vợ chồng bà, Trúc rưng rưng bảo rằng “Ba mẹ gầy quá, nên cố gắng giữ gìn sức khỏe, đừng lo cho con làm gì, con chỉ nhờ ba mẹ chăm sóc vợ con của con”. Rồi nó nhìn đứa con trai của nó mà òa khóc, sau đó nó nói với vợ nó là cứ để thằng Tý (con trai Trúc) cho ba mẹ nuôi mà đi tìm hạnh phúc mới, chứ đời nó không còn gì nữa cả…", nói đến đây bà Út không thể kìm được những giọt nước mắt nghẹn ngào.
Và rồi cũng đến lượt gia đình ông Tùng - bà Út được gặp Trúc. Cuộc gặp gỡ giữa những người thân không quá dài nhưng cũng khiến những người chứng kiến xung quanh không khỏi ngậm ngùi. Nhìn cha mẹ già gầy gò, với mái tóc ngày càng bạc trắng, Trúc không nói nên lời, chỉ im lặng rưng rưng.
Thấy cu Tý - đứa con trai thoạt nhìn mình với vẻ mặt đầy hồn nhiên, Trúc đã ẵm đứa con trên tay mình rồi ôm chặt con vào người, thể hiện một nỗi nhớ thương dâng trào. Khi nới lỏng vòng tay ôm con, với ánh mắt buồn tủi, Trúc như vội tìm người vợ không hôn thú đang ngồi thất thần ngay sát bên.
Đứa con nhỏ trên tay Trúc nhìn xung quanh bỗng dưng nói hai từ "Bố ơi…" khiến Trúc càng thêm xót xa. Đúng ra Tý được sinh ra lúc bố mình đã vướng vào vòng tù tội nên về mặt nào đó đối với cu cậu, Trúc là người lạ, nhưng có lẽ tình máu mủ ruột rà luôn có sức gắn kết sâu sắc và đặc biệt… Cứ thế, cuộc đoàn tụ ở một nơi chẳng ai mong đợi giữa những người thân và Trúc đã diễn ra một cách đầy xót xa và ngậm ngùi với đôi ba câu chuyện câu trò qua lại ngắn ngủi. Kết thúc chuyến thăm con, vợ chồng bà Út cùng mẹ con con dâu vội vã trở về quê với công việc buôn bán chuối, kiếm tiền sinh nhai.
"Sau khi đọc các báo đăng thông tin Trúc có thể thoát án tử, vợ chồng tôi cùng vợ con Trúc bỏ tất cả công việc, chuẩn bị hành lý khăn gói đón xe vào TP Hồ Chí Minh thăm Trúc. Trong trại giam, Trúc cũng đã hay tin, và khi gặp chúng tôi, Trúc cũng tỏ ra vui vẻ reo lên "Con được sống rồi cha mẹ ơi!" rồi tất cả chỉ biết ôm nhau khóc, vui mừng không nói nên lời. Nhưng mọi chuyện vẫn đang chờ phán quyết của pháp luật. Dù vậy, đối với bản thân tôi và gia đình phần nào cũng nhẹ lòng và khấp khởi hy vọng Trúc có thể thoát khỏi án tử", bà Út tỏ ra đầy hy vọng về một kết cục may mắn cho con trai mình.
Vợ chồng bà Út cùng những gói tiếp phẩm cho con
Dù tỏ ý vui mừng và hy vọng, nhưng bà Út vẫn không quên nhắc lại những lời nói và hành động không phải của mình ở tòa khi con mình bị tuyên án tử hình: "Trong phút nóng giận, mất bình tĩnh vì Trúc là đứa con trai duy nhất bị tuyên án tử, do ít học nên tôi mới hành xử không đúng với tòa án. Dù thời gian đã qua khá lâu nhưng một lần nữa cho tôi gửi lời xin lỗi vì những hành vi thiếu kiềm chế của mình năm xưa".
Có lẽ cũng từ hành động và lời nói của bà Út vào lần ấy ở tòa cùng tội trạng dã man của Trúc khiến cho dư luận chú ý nhiều đến hoàn cảnh của gia đình này. Và nhiều người đã không khỏi bất ngờ trước cuộc sống cùng cực của gia đình bị cáo Trúc. Và cũng có lẽ chính tấn bi kịch gia đình này đã ít nhiều tạo nên một "tướng cướp Hồ Duy Trúc"?!
Theo đó bà Út (63 tuổi) mồ côi cả cha lẫn mẹ, những anh chị em của bà chưa kịp lớn đã tha phương cầu thực rồi thất lạc nhau, đến nay bà cũng không biết chính xác mình có bao nhiêu anh chị em. Bà sống trong sự đùm bọc của hàng xóm láng giềng. Khi lớn lên bà có 2 đời chồng và sinh tới 12 người con. Hiện bà Út có đến hơn 20 người cháu.
Có lẽ gia cảnh vốn nghèo khó lại đông con cháu khiến cho cuộc sống của bà và con cháu cứ ngày một kiệt quệ, cái đói nghèo cứ luôn đeo đẳng. Điều đáng nói, năm cô con gái đầu của bà chỉ một người được cưới hỏi đàng hoàng, số còn lại đều vì "có con với người ta nên gọi bố của chúng là chồng" nhưng sau khi sinh con thì họ đều bị chồng bỏ rơi, phải quẹo quặt nuôi con.
Và như một lẽ thường, Trúc cũng được sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, khổ sở. Bỏ học ngang, Trúc tìm vào TP Hồ Chí Minh học nghề điện lạnh, nhưng việc học cũng chẳng đầu chẳng đuôi, Trúc kết giao rồi rủ rê bạn bè lập băng nhóm đi cướp nhằm đổi phận nghèo. Riêng với người phụ nữ có con với Trúc, thì sau khi Trúc bị bắt giam, một mình cô vượt cạn sinh con. Rồi vì cuộc sống mưu sinh, cô dạt về phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai thuê phòng trọ làm nghề may để kiếm tiền nuôi con.
Thấy "con dâu" khốn khó, vợ chồng bà Út hằng tháng vẫn gửi thêm chút tiền để phụ giúp thêm cho mẹ con cô. Giờ đây, khi Trúc trong trại giam đang đợi chờ quyết định cuối cùng thì những người thân của anh ta vẫn ngày đêm chật vật kiếm sống và hy vọng Trúc sẽ thoát án tử…
Lật lại bản án, vào tối ngày 24-11-2012, Hồ Duy Trúc cùng đồng bọn sau khi nhậu nhẹt tại đường Phạm Văn Luông, quận 7, đã lên kế hoạch rủ nhau đi cướp xe máy để bán lấy tiền tiêu xài. Khoảng 20h hôm đó, các đối tượng mang theo hung khí chạy đến khu vực cầu Phú Mỹ, quận 7 hướng về quận 2 thì phát hiện chị Nguyễn Thị Ngọc T. đang điều khiển xe máy Honda SH lưu thông cùng chiều. Thấy vậy, Trúc đã kêu đồng bọn cho xe chạy vượt lên chặn đầu xe chị T. rồi Trúc ngồi sau cầm dao chém thẳng vào tay phải chị T. khiến nạn nhân ngã xuống đường.
Buổi gặp gỡ của gia đình tử tù Hồ Duy Trúc ở một nơi chẳng ai mong muốn.
Ngay sau đó, Trúc đến đề máy nhưng xe không nổ nên bỏ lại. Cùng lúc đó, đồng bọn của Trúc cũng xuống giật chiếc ví của nạn nhân bên trong có hơn 4 triệu đồng rồi tẩu thoát, bỏ mặc nạn nhân với vết thương nghiêm trọng trên người. Hành vi dã man của Trúc và đồng bọn đã khiến dư luận rúng động.
Chưa kể, bên cạnh vụ án gây chấn động dư luận này, các đối tượng trong băng nhóm của Trúc còn gây ra 16 vụ án khác với thủ đoạn tương tự, gây thương tích cho nhiều người, cướp được nhiều xe với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Trả giá cho hành vi phạm tội dã man của mình, tại hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Trúc đều bị tuyên án tử hình về tội "Cướp tài sản".
Tuy nhiên, mới đây Quốc hội ban hành Nghị quyết số 109/2015/QH13 về thi hành Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, kể từ ngày Bộ luật Hình sự 2015 được công bố không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình. Bộ luật Hình sự 2015 bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội, trong đó có tội Cướp tài sản... Cũng theo Nghị quyết 109 của Quốc hội, kể từ ngày Bộ luật Hình sự 2015 được công bố hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu ở trên nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Ngay sau khi Nghị quyết 109 được ban hành có nhiều ý kiến nhận định rằng, Hồ Duy Trúc nhiều khả năng sẽ thoát án tử hình. Tuy vậy, xung quanh vấn đề này hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Bởi ngoài những nhận định rằng theo Nghị quyết 109, kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 được công bố sẽ được áp dụng những trường hợp trên chứ không quy định kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực mới áp dụng.
Trong khi hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 đã được công bố ngày 18-12-2015. Và như vậy theo quy định trên thì Trúc (phạm tội Cướp tài sản) và các bị cáo tương tự khác thuộc những trường hợp trên, thì không phải thi hành án tử hình về hành vi phạm tội của mình, mà trước đây Tòa án đã tuyên sẽ chuyển thành hình phạt tù chung thân.
Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng việc Trúc thoát án tử hình chỉ là niềm hi vọng. Lý do là vì dù Nghị quyết 109 đã được công bố, nhưng điều kiện để áp dụng một số quy định theo nghị quyết ban hành đều phụ thuộc vào kể từ thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực. Vì thế, nội dung Nghị quyết 109 và BLHS 2015 chỉ là niềm hy vọng cho các phạm nhân đang chờ thi hành án tử hình. Và phạm nhân Hồ Duy Trúc cũng không ngoại lệ.
Theo CAND Online