Buông tay con ra…

[Ngày Nay] - Thừa điều kiện để chu cấp cho con một cuộc sống sung túc, không thiếu vài triệu đồng đưa con vào các lò luyện kỹ năng, nhưng có những cặp vợ chồng chọn cách giáo dục con rất lạ. Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, nhiều ông bố bà mẹ khuyên các con hãy ra đường và tìm một việc gì đó để làm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dạy con kiểu lính

Cách đây tròn 8 năm, khi cậu con trai Nguyễn Đăng Thái Bình - cựu HS lớp 12 trường THPT Lương Thế Vinh vừa trải qua kỳ thi đại học, anh Nguyễn Quý Thép, một cán bộ Viện Khoa học Việt Nam dẫn con tới Công ty TNHH Nam Cường để… học nghề. Trong khi nhiều người ái ngại thì cả hai bố con lại khá hào hứng lên đường. Anh Thép ngỏ lời với người bạn là giám đốc cho con trai anh được đến học nghề tại xưởng lắp ráp máy nổ động cơ Diezen từ 6 đến 50 mã lực với lời cam đoan, con trai sẽ tuân thủ nội quy, chế độ làm việc… như mọi công nhân khác.

Buông tay con ra… ảnh 1Cậu bé Quý Minh những ngày làm trong xưởng lắp ráp máy nổ.

Nói là làm, cả mùa hè anh gửi cậu con trai vào xưởng. Anh yêu cầu con trai phải thật nghiêm túc, các chú dạy gì nghe nấy. “Đặc ân” duy nhất anh Thép nhờ cậy ông bạn là tìm cho con một người hướng dẫn để vừa dạy con nghề, vừa giám sát, đảm bảo an toàn cho con trai.

Giữa cái nóng bỏng rát của mùa hè, tuần đầu tiên, cậu công nhân Nguyễn Đăng Thái Bình được giao nhiệm vụ ngồi xé vỏ bao bì của các hộp linh kiện nhập về. Công việc tỉ mỉ, cặm cụi kéo dài đến hết tuần. Khi đã rèn được tính kiên nhẫn, sang tuần thứ 2, Bình được chuyển sang khâu vặn bulông. Tuần thứ 3, Bình học cách lắp vòng bi và được giải thích vì sao vòng bi khi đưa vào ổ trục phải nung qua nhiệt cho giãn nở. Cứ thế, Bình thâm nhập dần dần vào từng khâu của dây chuyền nhà xưởng. Cuối cùng, sau hơn một tháng, Bình đã biết thế nào là lắp hoàn chỉnh một chiếc máy nổ.

Nghe thì đơn giản nhưng với cậu bé mới 18 tuổi khi ấy, đó quả là quãng thời gian trải nghiệm vô cùng gian khổ và đáng nhớ của cậu bé Bình. Thay vì được  ngủ nướng trong phòng riêng mát rượi với ti vi, tủ lạnh, 7h sáng, Bình phải tự giác dậy sớm, ăn sáng đầy đủ, phải tự đạp xe đến xưởng. Công ty quy định, bất kỳ ai đến muộn, làm ảnh hưởng tới các công đoạn khác của dây chuyền sẽ bị cắt nửa ngày lương nên Bình chẳng bao giờ dám đi muộn. Cậu bé khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ dầy cộp, làm việc trong môi trường chật, nóng và sặc mùi dầu máy. Bữa trưa, Bình ăn cơm cùng các cô chú công nhân, chợp mắt giây lát rồi lại làm việc tới tận 5h chiều. Một tuần đầu đi làm, về đến nhà là Bình “nằm vật”, cơ thể rã rời không thể nhúc nhích. Biết con mệt, có hôm, anh Thép đạp xe đèo con đi làm. Anh không dùng xe máy để con hiểu bố cũng “chịu khổ” như con.

Hồi ấy, biết anh Thép dạy con như “nhà lính”, có người phản ứng dữ lắm. Họ còn bảo anh nỡ lòng nào đầy đọa con, làm khổ con. Anh chỉ cười: “Tôi nghĩ đơn giản, cha mẹ không thể đi mãi cùng con trên đường đời, cũng không thể làm thay con hết mọi chuyện. Mai này, có thể con tôi làm giám đốc nhưng có thể, nó chỉ là một người công nhân. Tôi muốn tạo cho con cơ hội được học đi đôi với hành và được trải nghiệm cuộc sống trong mọi hoàn cảnh”.

Hè năm sau đó, anh Thép tiếp tục đưa cậu con trai thứ hai Nguyễn Đăng Quý Minh  - khi ấy còn đang là HS trường THPT Nhân Chính đi làm công nhân. Môi trường làm việc dây chuyền dạy cậu bé hiếu động tính kỷ luật và ý thức cộng đồng trong lao động. Một lần, chỉ vì không cẩn thận, Minh làm gẫy một răng ốc, cả một lốc máy khá đắt tiền đã phải vứt bỏ và khâu lắp sau cũng bị ảnh hưởng. Minh nhớ lắm, lần sau làm tăng tính cẩn thận lên gấp đôi, gấp ba… Kết thúc mấy tuần lăn lộn làm công nhân giống anh Bình, Minh được bạn bố trả 397.000 đồng tính đúng theo đúng năng lực. Nâng niu phong bì tiền trên tay, Minh tự rút ra kinh nghiệm “Đây là mức lương lao động chân tay của con, nếu có chất xám, con sẽ tìm được công việc tốt hơn bố nhỉ”.

“Tôi nghĩ mình đã làm đúng khi để các con lớn lên trong lao động. Con phải hiểu được kiếm đồng tiền khó nhọc ra sao, trân trọng những giây phút nghỉ ngơi như thế nào…”- anh Thép nói. Sau những trải nghiệm đầu đời, cậu con trai Thái Bình được nhận học bổng du học tại trường ĐH Tổng hợp nghiên cứu hạt nhân của CHLB Nga. Cậu bé khá tự tin và rắn rỏi tự lập trên đất bạn. Cậu con trai thứ hai cũng ngày càng chững chạc trong cuộc sống. Hơn ai hết, anh Thép hiểu người được hưởng thành quả sau những mùa hè vất  vả, nghiêm khắc ấy chính là các con chứ không phải bố mẹ.

Không đầu quân vào làm ở những nhà máy có quy định ngặt nghèo, Nguyễn Nhật Hùng - cựu HS trường THPT Trần Phú lại bắt đầu mùa hè lao động chân tay một cách rất tình cờ.

Vài năm trước, khi đến chơi ở tòa nhà Parkson mới khai trương trên đường Thái Hà, Nhật Hùng mê nhất khu nhà hàng và ước sẽ được nếm thử các món như lẩu không khói, các món ăn Thái Lan, Nhật Bản, cá hồi, kem tươi... Gia đình Hùng khá giả, bố mẹ đều có vị trí nhất định trong xã hội, dư tiền cho con trai ăn xả láng, nhưng bà nội Hùng lại gợi ý: Cháu hãy tự làm việc để kiếm tiền đổi lấy “thức ăn”.

Thế là suốt mùa hè những năm đại học, Hùng xin làm thêm lần lượt tại các quán ăn trong Parkson, từ bưng bê, dọn bàn, phụ bếp đến rửa bát. Tiền công nhận về, đủ mua được món nào là Hùng “tự thưởng” cho mình món ăn đó. “Chưa bao giờ mình được ăn những món ngon lành như vậy” - Hùng nhớ lại. Nhưng vui nhất chính là Hùng đã hiểu ra chân lý “có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”. Kể từ những mùa hè kiếm tiền bằng mồ hôi của chính mình, Hùng không còn tiêu xài phung phí số tiền bố mẹ cho. Hùng nói, em biết cân nhắc và tính toán trước khi mua món gì, biết cái nào cần mua và cái nào không nên mua, cũng như biết tiết kiệm để có thể du lịch, mua chiếc máy ảnh mình đam mê và làm những điều mình muốn.

Đừng sợ con khổ

Thống kê 2 năm trước của Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam khiến nhiều người giật mình, có đến 83% sinh viên ra trường bị nhà tuyển dụng từ chối vì thiếu kỹ năng sống. PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, giảng viên Tâm lý học (ĐH Sư phạm TP HCM) nhận định: “Việc thiếu kỹ năng sống không những ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai của trẻ mà còn khiến các em bị nhiều thiệt thòi vì không được khám phá và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn”.

Buông tay con ra… ảnh 2Ảnh minh họa (Ảnh: FFC)

Lý giải về tình trạng này, theo chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục Phạm Hiền, cha mẹ thời nay kỳ vọng vào con rất nhiều nhưng thực tế nhiều ông bố bà mẹ đang quá bao bọc và chiều chuộng con từ những việc nhỏ nhất. Con không tự giác, dựa dẫm, ỉ lại và không chủ động trong các công việc của mình, luôn để ông bà và bố mẹ thúc giục, làm cho con, làm hộ con.

Theo chuyên gia Phạm Hiền, cha mẹ hãy buông tay con ra, cho con tự làm những việc vừa sức để con biết nhận diện công việc, biết tự chăm sóc bản thân, hình thành thói quen tự giác, nề nếp, yêu lao động, có kĩ năng xử lý một số tình huống từ đơn giản đến phức tạp, nguy hiểm… trong cuộc sống hàng ngày. Dạy con kỹ năng sống là một quá trình lâu dài và kiên trì: “Với từng lứa tuổi, cha mẹ hãy cho con tiếp xúc, quan sát và được thực hiện các công việc phù hợp, vừa sức với từng độ tuổi. Chẳng hạn, trong giai đoạn từ 2 - 3 tuổi con có thể: nhận diện được các đồ dùng cá nhân của mình (quần, áo, khăn tay, balo, bình sữa,…), tự lau miệng sau khi ăn; biết cất đồ chơi đúng nơi quy định; tự mặc được quần áo đơn giản,…Từ 4-5 tuổi, bố mẹ cho con tự đánh răng, rửa mặt; rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn; dọn giường trước và sau khi ngủ… Thay vì cha mẹ là người làm cho con, hãy cho con cơ hội được tự làm”.

Hiện nay, có không ít trung tâm đào tạo kỹ năng sống mở ra như nấm sau mưa khiến nhiều phụ huynh… loạn cào cào. Nhưng, thực ra, cha mẹ hoàn toàn có thể tự rèn giũa, đào tạo con mình theo nhiều cách khác nhau.

Bà Phương Hoài Nga – chuyên gia tâm lý tại một trường phổ thông tại Hà Nội cho rằng, cha mẹ giúp con trải nghiệm bằng cách tham gia làm một vài công việc nào đó là ý tưởng khá hay. Trong xã hội hiện đại, càng lúc những đòi hỏi đối với người lao động càng khó hơn. Các bạn HS càng được chuẩn bị sớm thì khả năng định hướng nghề càng tốt hơn, rủi ro giảm thiểu. Các bạn trẻ sẽ hiểu về giá trị của sức lao động và cách giải quyết các mối quan hệ trong công việc. Công việc nào cũng có tính hai mặt, có thuận lợi và có rủi ro, nhưng cha mẹ có thể đưa ra cho con một vài lựa chọn để con chọn một công việc làm thêm thích hợp nhất. Để tránh nguy hiểm cho con, hãy gợi ý con có thể rủ thêm bạn bè để cùng làm, cùng trải nghiệm. Cha mẹ nên hiểu rõ công việc đó của con và con sẽ gặp khó khăn gì. Nếu được, hãy tìm cho con một người hướng dẫn để giúp con học nghề nhưng cũng bảo trợ cho con.  

Tôi nghĩ mình đã làm đúng khi để các con lớn lên trong lao động. Con phải hiểu được kiếm đồng tiền khó nhọc ra sao, trân trọng những giây phút nghỉ ngơi như thế nào…”
Anh Nguyễn Quý Thép
Cán bộ Viện Khoa học Việt Nam

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).