Trẻ em không tự nhiên biết cách đưa ra những lựa chọn hợp lý. Kỹ năng sống giúp trẻ biết cách ứng phó với các tình huống trong đời thường cũng như biết đưa ra những quyết định tốt, có ảnh hưởng lâu dài. Nếu cha mẹ lựa chọn cách nuôi dạy con áp đặt, không cho trẻ sự lựa chọn, trẻ có nguy cơ lớn lên trở thành một người thụ động, mất phương hướng và không thể đưa ra những quyết định tốt.
Phụ huynh thường quan tâm chủ yếu tới việc học hành của con cái: Đảm bảo chúng làm đủ bài vở, đạt được điểm số tốt, ôn luyện chăm chỉ để có thể thi vào các trường đại học danh tiếng.
Tuy nhiên, các kỹ năng sống đơn giản như giặt giũ hay tự bảo vệ ý kiến của bản thân cũng quan trọng không kém trong việc đảm bảo thành công trong tương lai. Nếu thiếu những kỹ năng như vậy, ngay cả những người được học hành tử tế nhất cũng sẽ gặp bất lợi trong cả công sở lẫn ngoài cuộc sống.
Trong khi trẻ em có thể được học một số kỹ năng sống trong nhà trường (quản lý thời gian) hoặc các lớp học ngoại khoá (nấu ăn, lái xe), nhiều kỹ năng khác phức tạp hơn và đòi hỏi sự tham gia, hỗ trợ của cha mẹ.
Hiểu về tiền bạc
Ngoài trường lớp, không gì đảm bảo thành công trong tương lai cho trẻ em nhiều hơn việc dạy chúng sử dụng tiền bạc một cách thông minh. Đây là một tổ hợp các kỹ năng bao gồm quản lý tiền bạc, kiềm chế chi tiêu, xử lý nợ một cách có trách nhiệm và đầu tư vào các mục tiêu tương lai.
Cha mẹ có thể dạy cho trẻ về tiền bạc từ khi chúng bắt đầu biết nói. Trao đổi, trò chuyện với trẻ em về tiền bạc là một trong những cách tốt nhất để trẻ bắt đầu học. Khi trẻ lớn lên, cha mẹ nên cho phép con cái tự quản lý tiền bạc của mình để chúng có thể học về nguyên lý của đồng tiền và tầm quan trọng của việc tích luỹ vì một mục tiêu nào đó.
Trẻ em cũng có thể học cách trở thành người tiêu dùng thông minh nếu chúng có cơ hội tự quản lý tiền bạc của mình. Một số phụ huynh cho con một khoản tiêu vặt hàng tuần, trong khi một số phụ huynh khác lại cho con tự khoản lý một số khoản chi tiêu nhất định, ví dụ như chi tiêu cho quần áo và đồ dùng.
Học nấu ăn
Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên nấu ăn sẽ có thói quen ăn uống lành mạnh và dung nạp ít calorie hơn những người ít nấu nướng. Bởi vậy, dạy trẻ nấu ăn chính là cách luyện cho chúng một chế độ ăn uống lành mạnh trong tương lai.
Bên cạnh đó, tự nấu ăn cũng giúp người trưởng thành tiết kiệm tiền bạc nhiều hơn, bởi vậy người biết nấu ăn sẽ kiểm soát ngân quỹ thực phẩm của mình tốt hơn.
Chủ động
Ngày nay, nhiều nhà tuyển dụng phàn nàn về việc sinh viên mới ra trường khi tham gia vào lực lượng lao động cần được cầm tay chỉ việc trong từng nhiệm vụ tưởng chừng nhỏ nhất. Rất nhiều trong số những nhân viên trẻ này đã lớn lên trong các gia đình mà bố mẹ lập thời gian biểu và quan tâm giám sát từng hoạt động của con cái.
Sự quan tâm của cha mẹ là cần thiết, tuy nhiên việc cho phép trẻ có sự độc lập nhất định sẽ bồi dưỡng lòng tự tôn của trẻ, giúp trẻ có thái độ làm việc chủ động, tích cực. Bài tập về nhà là một lĩnh vực thường được cha mẹ giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, cha mẹ cần xác định đúng thời điểm cần can thiệp và thời điểm cần đứng ngoài cuộc để con cái phát huy sự chủ động của mình.
Giao tiếp với người lạ
Khi ra ngoài xã hội, con em chúng ta sẽ gặp gỡ những người lạ: Giáo viên, huấn luyện viên, nhà tuyển dụng, đồng nghiệp, và rất nhiều người khác.
Trẻ em khi trưởng thành cần được học các kỹ năng giao tiếp như nhìn thẳng vào mắt người khác, nói năng rành rọt và biết bảo vệ quan điểm của mình khi cần thiết. Nhưng nếu từ nhỏ, trẻ em không được khuyến khích giao tiếp với người lạ, hoặc nếu cha mẹ luôn lên tiếng thay cho con mình, thì những kỹ năng giao tiếp này sẽ không được phát triển. Hậu quả là chúng có thể cư xử lúng túng trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng sau này.
Và lời dặn dò “không được nói chuyện với người lạ” cũng là điều mà cha mẹ nên cân nhắc lại. Số liệu thống kê cho thấy xác suất trẻ em bị TV đổ vào đầu cao hơn nhiều so với xác suất chúng bị người lạ bắt cóc. Thay vì dạy con cảnh giác tuyệt đối với người lạ, cha mẹ nên chỉ cho chúng hiểu là không phải người lạ nào cũng là người xấu. Ví dụ như khi trong trường hợp trẻ bị lạc, chúng nên tìm kiếm sự giúp đỡ của những bà mẹ có con nhỏ khác, vì đây là những người sẽ sẵn sàng giúp chúng nhất.
Quản lý thời gian độc lập
Việc trẻ em có thể quản lý thời gian một cách hiệu quả trước khi rời ghế nhà trường hay không sẽ quyết định thành công sau này của chúng.
Quản lý thời gian để luôn luôn tới trường đúng giờ và ưu tiên làm bài tập trước khi chơi là những bài học trẻ cần biết đểu sau này có thể làm chủ thời gian biểu bận rộn ở trường đại học, hoặc phân phối thời gian cho các nhiệm vụ ở công sở.
Cha mẹ hay có xu hướng áp đặt trẻ thực hiện các hoạt động trong ngày theo thứ tự ưu tiên họ đề ra. Tuy nhiên, cần hiểu rằng trẻ sẽ học được nhiều nhất nếu chúng được tập luyện cách quản lý thời gian một cách chủ động, độc lập.
Bảo vệ quan điểm của bản thân
Người trưởng thành thường xuyên gặp phải tình huống phải đứng lên tranh đấu cho bản thân, như khi đề nghị được tăng lương, khi bị ai đó tranh lượt xếp hàng, khi bị tính sai hoá đơn mua bán…
Đôi khi, đây là những tình huống rất khó xử, và càng khó xử hơn nữa nếu từ nhỏ, chúng ta không có cơ hội luyện cách phản ứng và bảo vệ bản thân.
Dù cha mẹ thường muốn bảo bọc con cái và đôi khi việc họ lên tiếng bảo vệ con mình là điều cần thiết, nhưng điều này chỉ nên là ngoại lệ chứ không nên trở thành một nguyên tắc ứng xử. Thay vào đó, chúng ta cần tạo điều kiện cho trẻ tự đứng lên bảo vệ mình để biến tình huống khó xử thành những cơ hội cho trẻ củng cố sự tự tin.
Cha mẹ cũng có thể huấn luyện cho con cái giải quyết các tình huống khó xử bằng cách sẵn sàng lắng nghe và cho lời khuyên khi được hỏi. Đôi khi, trẻ chỉ có nhu cầu trò chuyện về những tình huống khó xử ở trường học, trong quan hệ với bạn bè để có thể tự tìm kiếm cách giải quyết. Phụ huynh cũng cần lưu ý rằng trẻ sẽ quan sát và học tập theo bố mẹ, bởi vậy bố mẹ cũng cần có ý thức bảo vệ bản thân mình.
Đối mặt với thất bại
Thấy con mình vấp ngã là điều không dễ dàng, càng khó khăn hơn nữa khi bố mẹ để cho con mình vấp ngã rồi tìm cách đứng lên. Nhưng đây là điều rất cần thiết cho tương lai của con trẻ.
Khi cha mẹ giúp con cái sửa chữa những lỗi sai của mình, họ đã giúp con trong ngắn hạn nhưng lại làm hại chúng trong dài hạn. Việc cha mẹ luôn o bế và sửa chữa lỗi sai của trẻ sẽ biến chúng thành những con người thiếu tự tin, mất phương hướng và luôn luôn cần tới một bàn tay dẫn dắt. Những đứa trẻ không bao giờ phải đối mặt với thất bại khi lớn lên cũng khó có thể đối mặt với những biến cố trong cuộc sống như khi một mối quan hệ tan vỡ hay một dự án kinh doanh không thành công.
Tìm việc làm
Theo thống kê tại một số trường đại học của Mỹ, những sinh viên đi làm thêm trong dịp nghỉ hè sau khi ra trường thường thu hút những nhà tuyển dụng nhiều hơn những sinh viên dành kỳ nghỉ hè để đi hoạt động tình nguyện.
Quy trình tìm việc làm đòi hỏi những kỹ năng nhất định và việc luyện tập những kỹ năng này là rất có ích đối với trẻ em. Tuy nhiên, không nhiều trẻ có cơ hội có một việc làm bán thời gian trong kỳ nghỉ hè, do chúng thường tham gia hàng loạt hoạt động như trại hè, lớp học ngoại khoá hoặc các chuyến tình nguyện mùa hè xanh.
Gọn gàng, ngăn nắp
Gọn gàng, ngăn nắp là một trong những đức tính giúp người trưởng thành thành công trong các nhiệm vụ được giao.
Trong khi nhiều đứa trẻ có tính ngăn nắp bẩm sinh, nhiều đứa trẻ khác lại khá lôi thôi và bừa bộn. Cha mẹ có thể giúp con cái khắc phục tính cách này bằng cách đề ra danh sách công việc cần làm, cung cấp thùng đồ, giá sách để con sắp xếp đồ đạc, tạo dựng những thói quen ngăn nắp như chuẩn bị quần áo, cặp sách trước khi đi ngủ.
Dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa
Một trong những cách tốt nhất để dạy trẻ cách dọn dẹp và chăm sóc nhà cửa là phân công việc nhà. Đây là cách để trẻ hiểu về lượng công sức phải bỏ ra để duy trì nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ.
Ý thức dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa sẽ rất có ích cho trẻ sau này, khi chúng phải sống chung với người khác trong kí túc xá hoặc khi lập gia đình.
Theo một số nghiên cứu khoa học, việc nhà không chỉ giúp trang bị cho trẻ em những kỹ năng cơ bản như lau nhà và dọn phòng tắm, mà còn có lợi cho trẻ trong việc phát triển tinh thần, củng cố năng lực học thuật và thái độ làm việc chuyên nghiệp.
Bơi lội
Hầu hết các phụ huynh đều kiểu rằng bơi lội là một kỹ năng sống cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ sống gần ao hồ. Tuy nhiên, bên cạnh những lý do thực tế thì bơi lội còn là môn thể thao nhẹ nhàng mà trẻ có thể theo đuổi suốt đời.
Trẻ em có thể học bơi ngay từ khi được 18 tháng tuổi.