Sau khi có thông tin nữ sinh bị cưa chân cụt chân do sự tắc trách của Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) là Lê Thị Hà Vi (SN 2000, hiện đang cư trú tại thôn 3, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin), phải nộp viện phía 23 triệu đồng, chúng tôi đã liên hệ với TS. BSCKII Nguyễn Tiến Lý - Phó Giám Đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM.
Đây là bệnh viện “xuất phát” số tiền viện phí trên.
TS. Lý cho biết, theo nguyên tắc tài chính là phải thông báo cho gia đình bệnh nhân số tiền viện phí phải đóng, còn việc ai đóng số tiền ấy lại là chuyện khác.
Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân không phải chi trả số tiền ấy mà toàn bộ số tiền đó được phía Bệnh viện Cư Kuin chi trả.
“Chiều 16/4, Giám đốc Bệnh viện Cư Kuin đã gọi cho tôi và xin số tài khoản của kế toán để chuyển số tiền thanh toán cho bệnh nhân Lê Thị Hà Vi sau quá trình điều trị tại đây. Số tiền phải thanh toán sau khi đã trừ tất cả là hơn 18 triệu đồng.
Trên thực tế chúng tôi cũng đang lên kế hoạch tìm nguỗn hỗ trợ và miễn giảm viện phí cho Hà Vi nếu như địa phương họ không chi trả”, ông Lý nói.
Trước thông tin, ngay từ ngày 17/3, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk miễn phí các chi phí khám, chữa bệnh và phí lắp chân giả cho người bệnh, ông Lý nói: Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM không thuộc Bộ Y tế mà thuộc Bộ Lao động Thương binh - Xã hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bé Hà Vi (Ảnh: Vietnamnet)
Về việc gia đình Hà Vi chọn nằm phòng theo yêu cầu, ông Lý lý giải:
“Khi Hà Vi vào Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, chủ trương của chúng tôi là cho cháu sớm hòa nhập cộng đồng chứ không ưu ái gì nếu không sẽ phản tác dụng điều trị.
Vì vậy, chúng tôi cho Hà Vi nằm với những người cùng cảnh ngộ như thế để cháu thấy thương tổn của cháu là nặng nề nhưng so với nhiều người chưa là gì, mà không cho nằm ở phòng riêng hay phòng chăm sóc đặc biệt. Có như thế, Hà Vi mới có ý thức vươn lên, phấn đấu.
Thứ 2, khi sắp xếp vào đó tôi cũng nói là phòng hậu phẫu, phòng điều trị đặc biệt theo yêu cầu. Nằm đó chỉ áp dụng cho người nào sau mổ, còn lúc Hà Vi chuyển sang là mới mổ, tôi cho vào đó nhưng sau một vài ngày, tôi bảo cho vào phòng bình thường. Lý do là để cháu hội nhập và đỡ chi phí. Nhưng gia đình cũng thiết tha cho Hà Vi được ở lại phòng theo yêu cầu vì phòng đó điều kiện chăm sóc sẽ tốt hơn phòng thường.
Tất nhiên, chúng tôi không ép bệnh nhân nằm giường này giường kia để thu thêm tiền và khi tính tiền chúng tôi cũng tính tiền tương đương các phòng bình thường”.
Đồng thời, ông Lý cũng chia sẻ quan điểm cá nhân của mình:
“Chúng ta không nên làm chuyện này thêm ầm ĩ nữa. Đứng về góc độ chuyên môn, tai biến là rất có thể xảy ra không chỉ các bệnh viện tuyến huyện mà các bệnh viện lớn thậm chí cả bệnh viện Trung ương cũng có thể có.
Thứ hai, chúng ta cần có hướng khắc phục và nghĩ tới tương lai của Hà Vi. Cần động viên để Hà Vi sớm phục hồi. Chúng tôi cho Hà Vi ra viện lúc này là phù hợp vì để em ấy sớm quay lại với công việc học tập”.
Sáng 18/4, chúng tôi cũng xác nhận thông tin về số tiền kia từ phía gia đình Hà Vi. Chị gái Hà Vi cho biết: "Khoảng 6h sáng ngày hôm qua (17/4) ông Tâm (Giám đốc Bệnh viện Cư Kuin – PV) có gọi điện cho tôi nói rằng số tiền đó bệnh viện sẽ hỗ trợ cho gia đình. Trước đó gia đình chưa thấy nói gì về khoản này cả”.
Trước đó, ngày 7/4/2016, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đã có công văn kêu gọi sự hỗ trợ, tinh thần tương thân tương ái trong ngành y tế để giúp đỡ cho bệnh nhân Hà Vi và gia đình.
Theo đó, nội dung công văn “Kêu gọi ủng hộ nạn nhân Lê Thị Hà Vi” nêu rõ: Mức ủng hộ, tùy lòng hảo tâm, mức tối thiểu 50.000 đồng/người (không vận động đối với CCVC có thu nhập quá thấp và khó khăn về kinh tế).
TS. Nguyễn Xuân Trường (Chánh Văn phòng Bộ Y tế) cho rằng: Việc “cưa cụt chân” của Hà Vi là lỗi của bệnh viện. Việc điều trị và làm chân giả cho Hà Vi vẫn phải làm còn kinh phí sẽ phải tính.
Bộ cũng có công văn yêu cầu miễn toàn bộ chi phí điều trị cho Hà Vi. Được biết, Sở Y tế Đắk Lắk đã quyên góp từ cán bộ, nhân viên trong ngành trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” để hỗ trợ cho Hà Vi.
Nguyễn Huệ