Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.
Qua khảo sát của cơ quan chức năng địa phương, hiện có hơn 5.800m tuyến đê biển Tây qua địa bàn 2 huyện trên bị sạt lở nguy hiểm.
Trong đó, đoạn dài nhất từ Giồng Cát đến Tiểu Dừa (huyện U Minh) khoảng 2.500m. Đoàn này hiện đai rừng còn rất mỏng (từ 5m-15m), thậm chí có những vị trí không còn đai rừng phòng hộ. Diễn tiến sạt lở đặc biệt nguy hiểm và liên tục, uy hiếp trực tiếp thân đê, gây nguy hiểm trực tiếp đến các khu dân cư, hệ thống điện cao và trung thế, trạm y tế, trường học,…
Trước tình hình trên, Chủ tịch tỉnh Cà Mau giao Sở NN&PTNT phối hợp các địa phương khoanh vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn.
“Cần bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở, khẩn trương xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí đê xung yếu trình Ủy ban tỉnh phê duyệt để làm cơ sở bảo vệ đê”, Chủ tịch Cà Mau yêu cầu rõ.
UBND các địa phương có trách nhiệm vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ nguy hiểm phía ngoài đê; cấm mọi tác động vào rừng, đất rừng khu vực này, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn; cắm biển cảnh báo lưu thông đối với các phương tiện.
Người dân ở khu vực sạt lở cần chủ động, có biện pháp phòng tránh trong trường hợp đai rừng phòng hộ bị sóng biển phá hủy hoàn toàn.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện có ít nhất 5 đoạn tuyến đê biển Tây (3 đoạn ở huyện Trần Văn Thời và 2 đoạn ở huyện U Minh) bị sạt lở nghiêm trọng, với nguồn vốn cần khắc phục khẩn cấp là hơn 69,7 tỷ đồng.