Đại biểu Bùi Thị An: Mong tân Thủ tướng dùng một mũi tên bắn được nhiều thỏ. (Ảnh: Việt Hưng)
Nhìn lại nhiệm kỳ vừa rồi cũng có ý kiến cho rằng việc chưa có tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ đã không tạo được động lực đột phá cho cá nhân?
Tôi thấy nhận xét đó cũng đúng đấy, vì chúng tôi đã đề nghị nhiều lần Thủ tướng cần đánh giá xem bộ nào làm tốt, ngành nào làm tốt, ai làm tốt, khen đúng chứ không nên nhận xét “một số địa phương, một số bộ ngành, một số cán bộ…”.
Bây giờ là phải có địa chỉ cụ thể, mà muốn có địa chỉ cụ thể là Thủ tướng phải nắm thật chắc tình hình ở dưới để bắt đầu có phân loại. Như thế thì nó có tác dụng động viên, còn tất cả đều chung chung thì sẽ rất là khó.
Cũng có đại biểu tại hội trường đã thốt lên, nếu Thủ tướng mạnh mẽ cách chức Bộ trưởng khi thấy khả năng họ không hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, tình hình chắc đã khác. Bà chia sẻ với nhận xét này?
Vừa rồi nhiệm kỳ cũ các đồng chí không muốn kỷ luật ai, thương cán bộ nhưng thật sự ra, nếu đi thẳng vào vấn đề thì nếu xử lý một kẻ tội phạm cũng là nhân đạo.
Tất nhiên so sánh như thế là khập khễnh nhưng mình muốn nói là phải có phân loại, khen chê rất minh bạch thì mới động viên được người tốt, và như thế mới có thể có nội lực phấn đấu, còn nếu cứ chung chung thì rất khó.
Thế nên tôi rất mong là tân Thủ tướng làm được việc đấy, khen chê trong việc thi đua. Thi đua là phải đi phát hiện chứ không phải chờ làm hồ sơ lên, vì vừa rồi cử tri cũng kêu nhiều. Vừa mới khen xong thì có chuyện, thậm chí bị bắt, bị đi tù. Thế vấn đề là gì? Khi khen không đúng là dân mất niềm tin. Khen chê cũng phải đúng.
Nhưng muốn thế thì bộ máy phải rất hiệu quả, con người phải rất tinh nhuệ, rất chí công vô tư, rất là đúng tiêu chuẩn cán bộ thì mới làm được công việc đấy, nếu không thì tất cả mọi chuyện sẽ bị méo đi.
Thưa bà, trong nhiệm kỳ của Chính phủ vừa qua, bà nhìn nhận như thế nào? Những người sẽ tiếp tục công tác tại cơ quan hành pháp trong nhiệm kỳ tới có khả năng mang tính đột phá, là động lực cho Chính phủ mới không?
Tuy không đồng đều nhưng có bộ, có ngành đã có đột phá. Đột phá trong chỉ đạo điều hành, đột phá trong hiệu quả chỉ đạo. Ví dụ giao thông, tuy vẫn còn một số việc phải bàn như việc đồng bộ trong các loại hình giao thông, hay là hiệu quả đầu tư nhưng phải nói là nhiệm kỳ vừa rồi có sự đột phá trong ngành như hạ tầng giao thông phát triển. Trong công tác chỉ đạo cán bộ, các đồng chí đã dám công khai minh bạch, xử lý rất nhanh và xử lý đúng cho nên cử tri rất khen hay việc bổ nhiệm cán bộ bằng cách thi tuyển vào những cấp cục, vụ, tôi cho rằng đấy là đột phá và vấn đề cán bộ là vấn đề số 1 trong công tác điều hành.
Lấy ví dụ một ngành thôi, tôi cho đấy là đột phá. Và từ đó tôi thấy đột phá thể chế, công khai minh bạch thì cử tri rất khen, vì sự minh bạch mới giúp cử tri giám sát được, sự minh bạch mới để cho phân minh được, khen chê rõ ràng.
Vậy lĩnh vực nào cử tri còn bức xúc vì chuyển biến còn chậm?
Tôi thì tôi nghĩ là phải nói đến Công thương, vì diện quản lý rộng quá. Nhưng vấn đề của ngành Công thương phải nói đến hàng giả, hàng nhái, quản lý thị trường, quản lý chất độc, hàng cấm… vì Bộ Công Thương là một trong những bộ đầu mối cho nhập những thứ đó.
Hay là vấn đề triệt tiêu các yếu tố phi thị trường, tại sao để giá xăng dầu cứ chênh thế? Tại sao quản thuế cũng không ổn, đặc biệt với tiêu thụ nông sản tôi cho là không ổn? Tại sao người nông dân cứ khổ mãi như thế? Từ cà phê, ca cao, thanh long, dưa hấu, hành tím… người sản xuất bán rất rẻ nhưng đến người tiêu thụ lại rất đắt, tức là thương lái "ăn". Tại sao Nhà nước lại không lo? Cứ để thương lái họ ép giá, thế là nông dân cứ khổ thôi!
Hay là chuyện hàng đa cấp bây giờ cũng là chuyện quản lý của Bộ Công Thương chứ. Bây giờ cứ để hàng nghìn người ra đứng đường khóc vì cái chuyện đấy. Trách dân một phần thôi, quản lý nhà nước thì mình phải có trách nhiệm chứ. Rồi vấn đề tín dụng đen, tại sao lại để như thế? Không thể không nói đến quản lý nhà nước, trong đó ngành Công thương có nhiều mặt phải rút kinh nghiệm.
Từ những phân tích đó, trong việc chọn thành viên Chính phủ mới, theo bà nên đặt tiêu chí nào ưu tiên hàng đầu?
Theo tôi, tư lệnh ngành đầu tiên phải có tầm, để nhìn ra, để dự báo, sau đó phải có tâm và tổ chức thực hiện tốt phải biết lắng nghe dân, hiểu dân. Nói thì rất trừu tượng nhưng nếu anh không lấy sự hài lòng của dân làm thước đo chính của ngành mình thì sẽ không đạt yêu cầu vì mình ăn lương của dân nuôi cơ mà!
Mong tân Thủ tướng dùng một mũi tên bắn được nhiều thỏ “Ưu tiên của tân Thủ tướng, năm đầu tiên, khi tiếp quản Chính phủ, cần phải xem lại những vấn đề nổi cộm nhất mà vừa rồi đã được đề cập tại báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng, Chính phủ. Có thể bắt đầu việc đầu tiên là xem xét bộ máy, biên chế. Từ bộ máy, biên chế sẽ làm được bao nhiêu vấn đề khác, như kỷ cương hành chính, chống tham nhũng, lãng phí, tức là một mũi tên bắn được rất nhiều con thỏ. Về vấn đề bộ máy và con người cụ thể, tinh giảm bộ máy, bộ máy có hiệu quả hơn, con người làm việc tốt hơn, kỷ cương tốt hơn và từ đó mọi chuyện khác nó sẽ ổn. Kỷ cương tốt hơn tức là trong phát triển kinh tế yêu cầu làm đúng quy hoạch là phải làm đúng quy hoạch, thu đúng chi đúng… tất cả đều liên quan đến kỷ cương. Không có gì có thể thoát khỏi con người cả, dù trang thiết bị có hiện đại mấy mà không có con người thì máy cũng là máy thôi. Khía cạnh khác, người ta gọi tham nhũng là giặc, giết được giặc thì sẽ bảo vệ được đất nước. Mà đây là giặc tham nhũng là nội xâm thì cũng phải giết thôi vì giặc ngoại xâm và giặc nội xâm thường liên kết với nhau. Tôi rất mong tân Thủ tướng sẽ nêu rõ được quyết tâm chống tham nhũng, cử tri sẽ rất mừng”. |
Theo Dân trí