Chỗ bấu víu cho quan tham
Từ sau Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (diễn ra năm 2012), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng với quy mô và mức độ quyết liệt chưa từng có kể từ khi nước này thực hiện chính sách mở cửa. Bắt đầu triển khai từ năm 2013, chiến dịch được mệnh danh là "đả hổ diệt ruồi" đã thu được thành công ngoạn mục với hàng loạt "hổ lớn tham nhũng" sa lưới, bị trừng phạt đích đáng, trong đó có cả Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Tuy nhiên, ở góc độ khác, vẫn có nguy cơ lặp lại hạn chế mà nhiều chiến dịch chống tham nhũng tiến hành trước đó gặp phải: Nhiều tội phạm là lãnh đạo công ty nhà nước và tư nhân, cán bộ cỡ trung, cao cấp ở các cương vị liên quan đến quyền lực, kinh tế - được mệnh danh là đám "chồn, cáo" tham nhũng - bỏ trốn ra nước ngoài với những tài sản khổng lồ do tham nhũng, hối lộ mà có, được tuồn khỏi Trung Quốc từ trước. Lợi dụng sự hợp tác giữa Trung Quốc và nhiều nước còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc dẫn độ tội phạm, đặc biệt là các nước phương Tây, ra tới nước ngoài, những kẻ này ung dung "coi như là thoát". Tình hình này ảnh hưởng không nhỏ tới chiến dịch, khi dư luận thiếu tin tưởng vào quyết tâm và hiệu quả phòng, chống tham nhũng, trong khi những kẻ tham nhũng lại coi đây là "chỗ dựa" để tiếp tục phạm tội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ước khoảng 18.000 quan chức Trung Quốc đã chạy trốn khỏi đất nước trong vòng 20 năm qua, mang theo số tiền tham nhũng khoảng 129 tỷ USD. Mặc dù Trung Quốc đã ra sức đẩy mạnh các thỏa thuận hợp tác về vấn đề dẫn độ tội phạm kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên chiến dịch truy lùng quan tham ẩn náu ở nước ngoài vẫn gặp không ít khó khăn. Theo Reuters, Trung Quốc đã ký kết hiệp ước dẫn độ tội phạm với khoảng 40 quốc gia, tuy nhiên lại chưa có hiệp ước tương tự với Mỹ, Canađa hay Ôxtrâylia - ba quốc gia được coi là "thiên đường" của các tội phạm kinh tế do thủ tục dẫn độ khó khăn. Số liệu của Văn phòng Điều tra Liên bang thuộc Bộ Các vấn đề toàn cầu Canađa cho biết, trong số 100 quan tham bị Trung Quốc truy nã gắt gao nhất thì có tới 26 người đang lẩn trốn tại Canađa. Nhiều quan chức tham nhũng, doanh nhân Trung Quốc biển thủ số tiền lớn sau đó chạy sang Mỹ, nhập tịch vào đây bằng cách đầu tư vào bất động sản.
Trong khi đó, nhiều nước phương Tây từ chối ký kết hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc vì nhiều lý do, trong đó có lý do rằng Trung Quốc không sẵn sàng cung cấp bằng chứng tội phạm của đối tượng cần dẫn độ. Điều này làm dấy lên hy vọng cho một số không ít quan chức tham nhũng tìm cách trốn sang nước khác bởi họ tin rằng có thể giấu mình đằng sau những quy định phức tạp về dẫn độ và quyền tài phán.
Từ đặt bẫy "săn cáo" đến chăng "lưới trời"
Để khắc phục hạn chế này, tháng 7-2014, Trung Quốc đề ra chiến dịch "Săn cáo" nhằm điều tra những phần tử tham nhũng chạy ra nước ngoài. Để hỗ trợ tốt hơn cho chiến dịch này, cuối tháng 3-2015, một chiến dịch xuyên quốc gia mang tên "Lưới trời" tiếp tục được tung ra. Chiến dịch "Săn cáo" nhắm vào các mục tiêu cụ thể, trong khi "Lưới trời" quăng lưới bủa vây trên diện rộng. Khi phát động chiến dịch này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: "Việc đưa tội phạm tham nhũng hồi hương được coi là mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc". Tầm quan trọng của các chiến dịch này thể hiện ở chỗ được đặt dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Công tác Truy nã và Thu hồi tài sản quốc tế thuộc Tổ Điều phối chống tham nhũng Trung ương Trung Quốc, mà Tổ trưởng là ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) Những người trực tiếp phụ trách chiến dịch nói trên là quan chức cao cấp thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát Tối cao, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Ngoại giao, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Với mục tiêu đánh tan các dường dây tham nhũng, lật mặt các "ngân hàng đen" chuyên rửa tiền và chuyển tiền bẩn, tịch thu tài sản bất chính và bắt giữ, thuyết phục đối tượng chạy trốn ra nước ngoài quay trở về nước, có thể nói Trung Quốc đã "dốc toàn lực" cho chiến dịch này để vượt qua những trở ngại to lớn.
Theo thông tin từ giới truyền thông Mỹ và Trung Quốc, trong vấn đề truy tìm và dẫn độ nghi phạm tham nhũng Trung Quốc, mặc dù Mỹ đã cam kết hợp tác, hỗ trợ Trung Quốc, nhưng có thể thấy sự hợp tác này là có giới hạn.
Mỹ không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc và dường như cũng tỏ ra lạnh nhạt với chiến dịch này của Bắc Kinh khi để nhiều đối tượng bị Trung Quốc truy nã vẫn sống ung dung ở nước họ. Mặc dù từ năm 2015, Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn sớm đi tới ký kết một hiệp ước dẫn độ giữa hai nước, tạo thuận lợi cho Trung Quốc truy tìm và dẫn độ những đối tượng tình nghi tham nhũng hiện đang lẩn trốn tại Mỹ. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có hiệp định nào giữa hai nước được ký kết, thậm chí chỉ đưa ra thảo luận, xem xét.
Không chỉ Mỹ mà cả châu Âu cũng đặt điều kiện, buộc Bắc Kinh phải nhận lại người Hoa di dân nếu muốn được sự giúp đỡ trong chiến dịch "Lưới trời". Bởi vì Trung Quốc cũng chưa có hiệp ước dẫn độ với Liên hiệp châu Âu, cho nên nếu Trung Quốc không làm gì giải quyết tình trạng "di dân", các nước cũng sẽ không quan tâm tới "Lưới trời" của Trung Quốc.
Niu Di-lân cũng là một nước có nhiều đối tượng tham nhũng Trung Quốc chọn làm nơi ẩn náu, chỉ sau Mỹ và Canađa. Thế nhưng với việc chính quyền Niu Di-lân có quan điểm khác về hệ thống luật pháp của Trung Quốc do hệ thống chính trị khác nhau, mong muốn của Trung Quốc ký kết một hiệp định dẫn độ tội phạm với Niu Di-lân rất khó trở thành hiện thực. Cuối năm 2016, Thủ tướng Niu Di-lân John Key nói rằng đất nước mình sẽ ký hiệp định dẫn độ tội phạm nếu đó là những vụ nghiêm trọng, nhưng dẫn độ sẽ không dẫn đến việc bị cáo phải đối mặt với án tử hình. Trong khi đó, Trung Quốc được biết đến là nước có số lượng phạm nhân bị tử hình nhiều nhất thế giới.
Bất chấp những khó khăn mang tính khách quan đó, ngay năm đầu triển khai, chiến dịch "Lưới trời" đã thu được thành công ấn tượng, dẫn đến việc 1.023 quan tham phải hồi hương quy án và thu hồi 3 tỷ nhân dân tệ (hơn 462 triệu USD). Đặc biệt, trong năm 2015, Trung Quốc bắt đầu xúc tiến kế hoạch dẫn độ Lệnh Hoàn Thành, một doanh nhân đang ẩn náu tại Mỹ. Anh trai của Lệnh Hoàn Thành là Lệnh Kế Hoạch, người từng giữ cương vị Chánh văn phòng Trung ương đảng, trợ lý của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và là một trong những quan chức cấp cao nhất của nước này sa lưới chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Tờ Nhật báo phố Wall dẫn nguồn thạo tin cho biết, giới chức Trung Quốc nghi ngờ Lệnh Hoàn Thành có liên quan đến ít nhất 3 vụ án tham nhũng và rửa tiền với số tiền lên tới 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số rất nhỏ so với số quan chức tham nhũng Trung Quốc lẩn trốn ở nước ngoài và số tiền đám này cất trữ. Tháng 4-2016, chính quyền Trung Quốc tiếp tục phát động "Lưới trời 2016", ngay sau khi vụ việc rò rỉ "hồ sơ Panama" xảy ra, liên quan đến mạng lưới rửa tiền bẩn, trốn thuế quy mô toàn cầu do công ty luật Mossack Fonseca (có trụ sở chính ở Panama) - nhà cung cấp dịch vụ tài sản ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới cầm đầu. Theo số liệu được công bố chính thức tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015, năm 2016, nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục bắt giữ và đưa về nước 1.032 nghi phạm lẩn trốn tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 134 cựu quan chức thuộc các cơ quan Nhà nước, 19 người trong số này nằm trong danh sách truy nã khẩn cấp, và thu hồi về 2,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 346 triệu USD).
Phát huy kết quả đạt được của "Lưới trời", theo nghị quyết về hoạt động năm 2017 do Văn phòng Công tác Truy nã và Thu hồi tài sản quốc tế chỉ đạo, việc phối hợp thực hiện công tác này sẽ tiếp tục được hoàn thiện để đạt hiệu quả cao hơn. Trong đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc sẽ phụ trách công tác truy tìm các đối tượng thuộc diện quan chức phạm pháp bỏ trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản phi pháp. Bộ Công an Trung Quốc triển khai chiến dịch "Săn cáo" để bắt giữ các nghi phạm đang lẩn trốn ở nước ngoài. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ phối hợp Bộ Công an chặn đứng các hoạt động chuyển, rửa tiền phi pháp thông qua các công ty ở nước ngoài và các "ngân hàng đen', ngân hàng ngầm.
PHƯƠNG LINH (theo UBKTTƯ)