Anh Bắc Nguyễn (Mê Linh, Hà Nội) có hai con (học lớp 11 và lớp 8) cho biết, nghỉ Tết anh cho các con được nghỉ ngơi và vui chơi thoải mái. Vì vậy nên hai con anh hết đi chơi với bạn, đêm lại về ôm máy tính đến 1-2 giờ sáng, ngày lại ngủ nướng.
Năm nào anh Bắc Nguyễn và vợ cũng mệt mỏi và phải tốn thời gian để ổn định nề nếp cho các con.
Những trò chơi, câu đố về ngày Tết được tái hiện trong buổi đầu tiên đi học của các bé mầm non Trường MN Ban Mai, Hà Nội sáng 15/2. (Ảnh: Đình Khoa).
Trong khi đó chị Nguyễn Hà, nhà ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ mùng 8 Tết bố mẹ đã đi làm nhưng con trai 4 tuổi hiện vẫn phải nhờ bà nội ở quê Bắc Giang trông giúp.
“Về nghỉ Tết, bé được về quê, có nhiều bạn cùng tuổi và các anh chị nên vẫn ham vui. Bố mẹ động viên nhưng con khóc đòi ở lại” – chị Hà cho biết. Vì vậy, chị quyết định cho con ở nhà thêm vài ngày nữa ...khi nào con nhớ lớp học ở Hà Nội sẽ về đón về đi học.
Còn chị Hà Linh có con đang học lớp 1 (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, cả Tết con cùng các bạn trong khu phố đến giờ ngày nào cũng tụ tập vui chơi, hết nghịch ngợm lại về nhà mượn máy tính bảng rồi máy tính của bố mẹ chơi. Bố mẹ nhắc đến chuyện học bài là cháu nhăn nhó, cáu cẳn bảo cô không giao bài tập thì không cần phải học trước.
Không có bài tập cô giao con đỡ mệt nhưng dịp Tết mấy năm nay chị Linh đều vất vả để nhắc nhở con dậy đúng giờ, ngồi vào bàn học hay đơn giản là mở sách vở ra ôn lại bài cũ.
Ngoài chuyện con chểnh mảng việc học thì việc các phụ huynh ở tỉnh xa, gần ngày làm việc mới quay trở lại thành phố cũng khiến nhiều trẻ mệt mỏi, uể oải sau các chuyến vui chơi đi lại.
Làm gì để trẻ hào hứng trở lại?
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Sư phạm Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Cách thức mà các quốc gia hay thực hiện là tổ chức 1 tour ngoại khóa ngay sau đó. Trẻ sẽ đỡ stress.
Còn ở VN thì các thầy cô thường tổ chức buổi liên hoan để các con cùng nhau ăn uống nói chuyện và chia sẻ kỉ niệm Tết.
Với cha mẹ thì cần gọi con dạy sớm từ vài hôm trước ngày đi học lại, bố trí lịch cho con làm bài tập Tết: chia bài thành những phần nhỏ cho con làm để con đỡ ngại”.
Riêng bà Hương có một “chiêu trò” để khiến con hào hứng. “Mình dắt con ra quán cafe từ vài hôm trước để con học ở đó. Ngồi học ở quán cafe đẹp, không khí vui vẻ con học dễ chịu. Sau hai buổi cà phê như thế, mỗi lần chị cho con làm các bài toán mà con không hề có cảm giác bị gò ép. Sáng nay con chị còn mang một bọc kẹo để đến lớp liên hoan.
Phó Hiệu trưởng Trường MN Ban Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) ông Ngô Phương Bắc chia sẻ: “Buổi học đầu năm nhà trường có nhiều hoạt động nhỏ, tái hiện không khí ngày Tết để trẻ hứng khởi như xem múa lân, trẻ được trả lời các câu hỏi về ngày Tết như loại hoa, quả nào có ở ngày Tết, cho trẻ tự kể những câu chuyện Tết của gia đình mình. Mỗi câu trả lời sẽ được khích lệ bằng những đồng tiền vàng bằng sô-cô-la. Trẻ còn được chia thành những nhóm 2 bạn để nói lời chúc Tết cho nhau. Như vậy trẻ vừa được chơi, vừa được học cách chào hỏi, nói lời chúc Tết hay cảm ơn mọi người”.
Với riêng giáo viên khi đón các con các cô đều niềm nở và tạo thật nhiều những trò chơi để trẻ bắt nhịp nhanh với trường lớp mà vẫn vui vẻ.
Cô Trần Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B Trường TH Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Kỳ nghỉ Tết kéo dài nên việc chuẩn bị tâm thế để các em quay lại trường học là rất cần thiết. Phụ huynh cần tránh tình trạng để con chơi thả phanh, đến sát ngày đi học lại hối thúc hối tháo mà cần có kế hoạch giúp trẻ chuyển từng bước từ vui chơi sang nề nếp.
Dịp trước Tết, cô Hằng đã họp lớp, nhắc nhở phụ huynh cần tạo thói quen dậy đúng giờ. Trước ngày đi học bố mẹ cũng hướng dẫn các con chuẩn bị trước đồ dùng cần thiết để đến lớp.
Buổi học sáng 15/2 (tức mùng 8 Tết), cô Hằng cho biết nhà trường đã giảm thời gian chào cờ để cô trò các lớp về làm quen với không khí học sau đợt nghỉ dài.
Tiết học đầu tiên, cô Hằng dành 10-15 phút để các học sinh kể về ngày Tết của mình thế nào, vui chơi những đâu; sang năm mới các con sẽ làm gì có ích, để ông bà bố mẹ vui,…Tuần đầu tiên, lớp 1C lại được khen thưởng vì có thành tích thi đua nên cô trò càng phấn khởi.
Trong khi đó, cô Hoàng Thị Mai Quỳnh, chủ nhiệm lớp 1C Trường TH Đức Giang cho biết cô đã chuẩn bị nhưng phong bao lì xì nho nhỏ để mừng tuổi các con. Tiết đầu tiên, cả lớp ngoài việc được chia sẻ Tết vừa qua đã được đi đâu, làm gì, được nhận lì xì và những lời chúc gì là phần cả lớp hào hứng trong các tiết mục văn nghệ với các bài hát đầu xuân.
Các tiết học, cô lại lồng các trò vui chơi để buổi học hứng thú với học sinh.
Theo Vietnamnet