Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới cũng bày tỏ lo ngại về việc kiểm soát tác động xã hội và kinh tế của AI, cũng như các công nghệ mới nổi khác. Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thông qua bộ luật AI toàn diện đầu tiên trên thế giới, nhưng Đạo luật AI của EU có hiệu lực kể từ tháng 8 năm nay, không nên được xem là tiêu chuẩn tốt nhất để các nước khác áp dụng.
Theo một báo cáo nghiên cứu của The Asia Group về các cách tiếp cận quản lý AI khác nhau của chính phủ các nước châu Á, hầu hết các quốc gia này không có kế hoạch sao chép mô hình của EU. Cái gọi là "hiệu ứng Brussels", ý chỉ tầm ảnh hưởng của EU trong việc định hình quy định toàn cầu, dường như không áp dụng cho bối cảnh quản trị AI ở châu Á.
Thay vào đó, kế hoạch quản trị AI của các nước tại khu vực châu Á hiện đang đi theo hai xu hướng: một nhóm tập trung thúc đẩy đổi mới và lợi ích kinh tế, trong khi nhóm khác hướng đến giải quyết các vấn đề lo ngại về an ninh quốc gia. Nhóm ủng hộ mục tiêu đổi mới bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và Singapore, có khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận định hướng, hướng dẫn và tự điều chỉnh. Nhóm tập trung vào mục tiêu an ninh bao gồm Trung Quốc, áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn với những yêu cầu bắt buộc trong quá trình phê duyệt các mô hình AI trước khi đưa vào sử dụng thương mại.
Mỹ hiện đã áp dụng kết hợp các sắc lệnh hành pháp và hướng dẫn tự điều chỉnh để tạo sự linh hoạt hơn cho các công ty, tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon vốn dẫn đầu sự phát triển AI trên toàn cầu. Ngược lại, Trung Quốc đã ban hành nhiều quy tắc, quy định nhằm kiểm soát sự phát triển của AI, qua đó quản lý và giảm thiểu rủi ro xã hội và chính trị.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ xây dựng chính sách riêng nhằm quản lý sự phát triển của AI, còn Ấn Độ dự kiến sẽ tăng cường sự giám sát của chính phủ và đưa các quy định liên quan đến AI vào Đạo luật kỹ thuật số quốc gia trong thời gian sắp tới.
Với những động thái đa dạng và sự phân chia này, khó có khả năng sẽ có sự liên kết rộng rãi hoặc bất kỳ khuôn khổ quản trị AI thống nhất nào có tầm ảnh hưởng toàn cầu - mặc dù các cách tiếp cận quốc gia khác nhau chắc chắn sẽ ảnh hưởng lẫn nhau.
Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc hiện đã bước vào một "cuộc đua phát triển AI". Một số chuyên gia nhận định rằng sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa hai này cũng sẽ tạo ra tác động đến việc thiết lập tiêu chuẩn AI toàn cầu. Trung Quốc đã rất quyết đoán trong việc soạn thảo luật AI riêng và nhằm mục đích định hình các tiêu chuẩn AI toàn cầu thông qua các khuôn khổ của Liên Hợp Quốc và các kênh khác.
Sự khác biệt trong quy định về quản trị AI giữa các quốc gia được xem là vấn đề đáng quan ngại, đã được nhấn mạnh trong báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc về quản trị AI toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng rằng nếu các nhà lãnh đạo toàn cầu có thể hợp tác để khám phá và quản trị AI, họ có thể xem công nghệ này vừa là thách thức, vừa là cơ hội lớn nhất cho nhân loại, hơn là tài sản của bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào trên hành tinh này.