“Tháng giêng là tháng ăn chơi” - thành ngữ đi cùng với truyền thống ăn Tết Âm lịch của người dân Việt Nam bao đời nay. Sau kì nghỉ Tết Âm lịch dài là tiếp nối các lễ hội, đình đám khắp các miền đến hết tháng Giêng. Người người nô nức trẩy hội để cầu cho mình cùng người thân có một năm mới nhiều may mắn, sức khỏe, tiền tài... Càng ngày khi đời sống kinh tế nâng cao, Tết Âm lịch và các hội hè càng linh đình hơn, người tham gia cũng nhiều hơn.
Đã có ý kiến cho rằng, do kì nghỉ Tết kéo dài đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế trong thời kì hội nhập và đề xuất không giữ truyền thống nghỉ Tết Âm lịch mà nên nghỉ Tết Dương lịch theo châu Âu.
Tết Âm lịch là nét đẹp cổ xưa không thể bỏ.
Đem vấn đề này trao đổi với cụ bà Nguyễn Thị Khuyên (80 tuổi, Cầu Giấy, HN), người đã gắn bó cả cuộc đời ở Việt Nam cùng những tập tục truyền thống của dân tộc, cụ Khuyên chia sẻ rằng, với cụ, mỗi dịp tết đến đều là những kỳ nghỉ vô cùng ý nghĩa.Ý kiến gộp kì nghỉ Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch đã gây ra những tranh luận nhiều chiều.
Cụ Khuyên cho biết: “Tôi đã sống ở Hà Nội 80 năm rồi, từ lúc nhỏ cho đến giờ tôi chẳng đi đến đâu. Nhưng con cháu bây giờ đứa nào cũng thành đạt. Đứa ở Úc, đứa ở Mỹ, đứa cháu gái vừa được bố mẹ bảo lãnh cho qua Đức cùng. Bây giờ gia đình chỉ có hai ông bà già ở nhà. Cả năm, dịp nghỉ tết là cơ hội duy nhất để vợ chồng tôi tập trung được con cái đầy đủ”.
Theo cụ Khuyên: “Tết Nguyên Đán là một nét văn hóa cổ truyền từ lâu đời. Nhắc đến Việt Nam là nhắc đến một quốc gia có rất nhiều lễ hội. Vài năm trở lại đây, người dân có xu hướng chi tiêu mạnh tay hơn trong ngày tết. Do đời sống được cải thiện nâng cao hơn nên những cuộc nhậu nhẹt, bù khú diễn ra nhiều hơn.
Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ nét đẹp truyền thống trong văn hóa truyền thống đáng quý này được. Nếu chúng ta biết kiềm chế, biết tổ chức tết thì nên rút ngắn ngày nghỉ Tết Âm lịch xuống 3 ngày. Nếu làm được như vậy thì không cần phải gộp Tết Dương lịch và Am lịch vào làm một. Dù sao Tết Âm lịch cũng là một nét văn hóa đẹp và phá bỏ đi là rất khó”.
Bỏ tết âm lịch là chỉ tính đến lợi ích kinh tế trước mắt
Trao đổi với PV báo Người đưa tin về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Việt – Giám đốc Bảo tàng tiền sử Đông Nam Á - người có nhiều năm sống và làm việc ở các nước châu Âu khẳng định: “Ý kiến đó đơn thuần chỉ tính đến lợi ích kinh tế trước mắt. Thực tế lặp lại tâm nguyện của những chính trị gia Nhật Bản trong cuộc cách tân của họ, mà không đo lường hết giá trị của văn hóa và di sản”.
Tiến sĩ Nguyễn Việt, giám đốc Bảo tàng tiền sử Đông Nam Á.
Theo ông Việt, người Nhật đang trả giá với sự phú quý khô khan, tẻ lạnh của mình và đang tìm mọi cách phục hồi lại những ấm áp sâu lắng của các lễ hội cổ truyền. “Theo tôi, lễ hội là vốn quý của nhân văn tích lũy ngàn đời, luôn có hai mặt. Nhìn vào tiêu cực để hô hào xóa bỏ là cực đoan và vô văn hóa” - ông Việt khẳng định.“Ở đời có câu phú quý sinh lễ nghĩa, đúng là chúng ta chưa có phú quý ở mức cao so sánh với thế giới. Nhưng không vì chạy đua để đạt được cái phú quý so sánh đó mà bỏ đi cái Lễ nghĩa ngàn đời mới có được”, ông Việt chia sẻ.
Tìm hướng đi đúng đắn cho nét truyền thống văn hóa này, vị tiến sỹ nêu quan điểm: “Chúng ta phải cùng nhau hạn chế, khắc phục và tiêu diệt những tiêu cực phát sinh từ lễ hội, chứ không phải tiêu diệt lễ hội. Ý kiến đề xuất hô hào từ bỏ Tết Nguyên Đán có thể khẳng định là sai”.
“Đồng thời, Bộ Lễ (các Ban Tuyên giáo, Ban Tôn giáo, Bộ Văn hóa, Thông tin, các ngành, viện liên quan đến văn hóa, khoa học xã hội và nhan văn) cần được tập hợp lại trong một hội thảo nhằm phân tích hiện trạng, đánh giá được mất và đưa ra biện pháp hiệu quả cho bảo tồn, phát huy lễ hội và triệt tiêu mặt có hại của lễ hội”, vị tiến sỹ nhấn mạnh.
Cù Hiền