Xe quá tải làm sập mặt cầu. Ảnh: Nhân dân.
Vấn nạn xe quá tải ở Việt Nam đã trở thành chuyện “bình thường ở huyện” khi câu nói “xe tấn tám chở tám tấn” là câu nói truyền miệng của nhiều người.
Cơ quan chức năng có xử phạt không?
Tất nhiên là có, nhưng không thể dẹp hết được. Chỉ vì mức phạt chưa đủ nghiêm khắc để khiến những người chủ của các phương tiện quá tải đó phải chùn tay.
Chẳng những vậy, các trạm cân không thể lập ở khắp nơi, mà nơi nào có trạm cân thì chắc chắn sẽ có một lực lượng “cò” để dẫn xe “đi đường vòng”, trốn trạm.
Đó là còn chưa nói đến khả năng tiêu cực, tham nhũng (nếu có) của một số người trong các lực lượng chức năng, càng khiến cho việc xử lý thêm khó khăn.
Việc xử lý xe quá tải hiện giờ giống như “bắt cóc bỏ đĩa”, phạt thì cứ phạt, nhưng vi phạm thì cứ vi phạm, và cuối cùng thì năm nào cũng tổng kết thành tích xử lý được rất nhiều trường hợp, nhưng vấn đề khi nào chấm dứt được tình trạng vi phạm thì... không biết.
Chúng ta không thể chịu cảnh sống chung với vấn nạn như thế này mãi được. Không thể dùng các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để mong chờ ý thức của chủ phương tiện và tài xế tốt lên.
Ý thức cao chỉ tồn tại sau khi xã hội có được hệ thống pháp luật nghiêm khắc, nghiêm minh. Với những xe quá tải, hãy phạt ở mức cao nhất là tịch thu, sung công quỹ chính phương tiện đó.
Có như thế mới khiến những người chủ hãng, chủ phương tiện không dám mạo hiểm để kiếm tiền lời từ việc vận chuyển quá tải.
Tất nhiên sẽ có những ý kiến phản đối như việc này là “ăn cướp của dân”, hay “luật nào cho phép tịch thu”, giống như khi xưa người ta phản đối ông Nguyễn Bá Thanh khi vị cố Bí thư Đà Nẵng này quyết định tịch thu xe của những “quái xế” đua xe ở thành phố.
Nhưng, hãy nhớ rằng nếu anh không vi phạm pháp luật thì không ai “ăn cướp” được của anh cả, muốn giữ “cần câu cơm” của mình, thì đừng phạm pháp.
Phan Huỳnh Tuấn
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.