Giáo viên, hiệu trưởng nhiều trường THPT cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi THPT quốc gia, đòi hỏi các trường phải có kế hoạch chi tiết dạy học, luyện đề.
Khó cho học sinh
Cô Lê Thị Tuyết Nga, giáo viên dạy Ngoại ngữ, trường THPT Phong Châu (Phú Thọ) cho biết nếu học sinh quay lại trường học từ 15/6, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8/8 thì các em chỉ có 7 tuần để vừa học vừa ôn tập, rất cập rập. Theo kế hoạch, sau khi học trực tuyến, học sinh phải có vài tuần để ôn tập, cũng cố lại từng mảng kiến thức đã học để xem các em nắm đến đâu.
“Chừng đó thời gian rất ít, các em sẽ không ôn tập đươc nhiều nhưng nếu quyết tâm vẫn sẽ thực hiện được với tinh thần trống buổi nào học buổi đó, học cả thứ 7, chủ nhật vì hiện nay, học sinh lớp 12 đang học trực tuyến tương đối tốt. Như Tiếng Anh, giáo viên còn quay clip, quay trực tiếp để tương tác với học sinh, các em học và làm bài tập đạt mức độ 90%”, cô nói.
Ngoài ra, một giải pháp để học sinh tăng cường kiến thức cũng như rèn kỹ năng làm bài chính là luyện đề. Sau khi có đề minh họa, Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên các trường thiết kế 1 đề tương tự theo cấu trúc, độ khó để Sở tập hợp, đánh giá và gửi về các trường cho học sinh tập dượt.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh khẳng định, sau 2 tháng dạy học trực tuyến, học sinh đã dần vào nề nếp.
Ở lớp chọn, 100% học sinh tham gia, vừa học cơ bản vừa học nâng cao đặt mục tiêu lấy điểm 8, 9. Còn ở các lớp thường, tuy có một số em khó khăn không có thiết bị học tập, các em đã chia nhóm 2-3 em học một máy. Vì vậy giáo viên đã dạy học theo thời khoá biểu như trên lớp.
Với tình hình dạy học như vậy, ông Nguyên cho rằng, nếu kiểm soát được dịch bệnh, học sinh lớp 12 quay lại được trường học trong tháng 5 sẽ đảm bảo thực hiện chương trình để ôn tập, tiến tới kỳ thi THPT quốc gia.
Trên cơ sở chương trình Bộ GD&ĐT đã giảm tải, đề minh hoạ cũng dừng ở cấp độ nhẹ nhàng hơn năm trước. Tuy nhiên, nếu đến 15/6 các em mới đi học thì hơi cập rập, không có thời gian để ôn tập nhiều cho học sinh yếu kém. Vì thế ông cho rằng, nếu học sinh quay lại trường học muộn quá, Bộ cho xét tốt nghiệp, chất lượng vẫn đảm bảo và các trường ĐH sẽ có phương án tuyển sinh riêng.
Sớm “chốt” phương án
Nhiều giáo viên bình luận, chưa có năm nào học sinh lớp 12 lại lận đận như năm nay. Bộ GD&ĐT giảm tải chương trình, công bố đề minh hoạ với mức độ, yêu cầu thấp hơn đồng nghĩa các em phải làm quen dạng đề mới. Và thời điểm này, với nhiều thông tin thi hay không thi, nếu để các trường đại học xét tuyển, mỗi trường có một cách thức để thi, tuyển sinh họ có đủ thời gian để học sinh tìm hiểu hay không?
Cũng có ý kiến cho rằng, nếu tổ chức thi, ngoài việc tinh giản nội dung, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc cả phương án giảm bớt số môn thi trong bài thi tổ hợp (2 bài thi tổ hợp và Khoa học Xã hội gồm 6 môn). Vì hiện nay, các em đang học cùng lúc nhiều môn để xét tuyển đại học và xét tốt nghiệp.
Thầy Nguyên Vũ, giáo viên trường THPT Chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế) ủng hộ phương án xét tốt nghiệp, còn việc tuyển sinh giao cho các nhà trường. Đã đến lúc các trường phải tự đảm bảo chất lượng bằng cách “siết đầu ra” để đảm bảo tên tuổi, uy tín của trường. Các trường ĐH phải có giảng viên chất lượng để đảm bảo dạy học, không thể đổ lỗi cho nhà trường THPT là nếu xét tốt nghiệp các em bỏ bê, không có kiến thức nền.
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị các kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay nhằm tránh bị động là rất đúng đắn, đáp ứng mong đợi của các nhà trường. Tuy nhiên, dù là phương án nào cũng mong Bộ GD&ĐT tính toán, công bố sớm.
Nếu phương án thi, học sinh trở lại trường học muộn nhất 15/6, các nhà trường chỉ còn đúng 1 tháng để dạy học, sẽ có nhiều việc thực hiện cùng lúc nên từ bây giờ các trường phải lên kế hoạch chi tiết mới đảm bảo.
Vì chương trình học kỳ II đã được rút gọn, học sinh không quá nặng nề nên ông Bình ủng hộ phương án này vì kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ 2015 đến nay, các phần việc Bộ và địa phương đã quen. Các trường đại học cũng căn cứ kết quả đó để tuyển sinh, đỡ cập rập nghĩ phương án tuyển sinh. Nếu thi, ông Bình hy vọng Bộ giữ định dạng đề thi, các câu hỏi cơ bản ra vào học kỳ II, câu hỏi khó tập trung học kỳ I.
Phương án 2, Bộ GD&ĐT phải tính đến là dịch bệnh kéo dài, các em không thể quay lại trường học, khi đó khó có thể tổ chức một kỳ thi vì chỉ học trực tuyến mức độ học tập giữa các địa phương không đồng đều. Tuy nhiên, để bỏ thi, Bộ sẽ phải có văn bản trình Quốc hội và được sự đồng ý mới thực hiện được. Các bước này cũng mất rất nhiều thời gian.
Vì thế, ông Bình cho rằng, với phương án nào, Bộ cũng cần tính toán để công bố sớm, nhằm cho các cơ sở giáo dục phổ thông có kế hoạch dạy học cũng như các trường đại học, học viện có kế hoạch tuyển sinh năm nay đảm bảo chất lượng.