Chiến lược mới 5K + vắc-xin đang là hướng đi đúng và trúng, trong đó việc xét nghiệm nhanh có vai trò tiên quyết trong việc sàng lọc, phát hiện sớm mầm bệnh trong cộng đồng và các khu vực cách ly, phong toả để giúp các lực lượng chống dịch đưa ra những đối sách kịp thời, hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh.
Trong thời gian gần đây, các bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 đang dần được sử dụng rộng rãi hơn so với xét nghiệm nhanh kháng thể do tính ưu việt của phương pháp này.
Với thao tác đơn giản, thuận lợi và không cần hệ thống thiết bị phức tạp đi kèm, xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể tìm ra các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 nhanh hơn, sớm hơn ngay từ giai đoạn mới nhiễm thay vì phải chờ phơi nhiễm 7-10 ngày như xét nghiệm phát hiện kháng thể, do đó có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược sàng lọc đại trà ở thời điểm hiện nay.
Thời gian đầu khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát trên quy mô toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá và đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) một số sản phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (đầu tiên là 2 sản phẩm do Hoa Kỳ và Hàn Quốc nghiên cứu và sản xuất), và tới nay danh sách này đang ngày một dài hơn với các bộ kit chất lượng cao có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, nhưng đáng tiếc vẫn thiếu sự góp mặt của các nhà sản xuất Việt Nam.
Về giá cả, các bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên của nước ngoài cũng ngày càng hợp lý hơn, tạo điều kiện tiếp cận rộng rãi và bình đẳng cho các quốc gia, trong đó có cả các nước đang phát triển như Việt Nam. Trước hết, phải khẳng định chủ trương ưu tiên phát triển và sử dụng hàng Việt Nam (bao gồm các sản phẩm xét nghiệm RT-PCR, xét nghiệm nhanh và vắc-xin) trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.
Đứng từ cả góc độ nhân đạo lẫn kinh tế - xã hội, rất cần thiết phải có những đánh giá, tính toán, cân nhắc thấu đáo để tránh hậu quả đáng tiếc liên quan đến sức khoẻ cộng đồng và sự phát triển chung của đất nước. Dù được tạo điều kiện tối đa, nhưng đến nay cũng chưa có bằng chứng để khẳng định các sản phẩm xét nghiệm nhanh trong nước có chất lượng tương đương với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại, đặc biệt là các sản phẩm đã được WHO công nhận, giới thiệu. Kể cả các xét nghiệm RT-PCR trong nước cũng đã nhiều lần cho kết quả không chính xác, có những trường hợp xét nghiệm nhiều lần âm tính trong khu cách ly, cuối cùng lại thành dương tính khi đã về với cộng đồng, gây hoang mang cho dư luận xã hội và đặt các lực lượng phòng chống dịch vào thế bị động (ví dụ như trường hợp bệnh nhân 2899 tại Hà Nam).
Nên khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm này đăng ký để được WHO đánh giá, cấp phép. |
Thời gian vừa qua, có phản ánh ở một số khu công nghiệp trong đợt bùng phát lần này, tỉ lệ phát hiện chính xác bằng kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên do Việt Nam sản xuất chỉ đạt trên 50%. Báo chí cũng đã phản ánh không ít trường hợp sai sót trong xét nghiệm sàng lọc có sử dụng bộ kit xét nghiệm nhanh sản xuất trong nước, gây ra những xáo trộn không đáng có, dẫn tới lãng phí về nguồn lực phòng chống dịch vốn đang rất thiếu thốn.
Đơn cử, chỉ cần một trường hợp bị xác định “dương tính giả” cũng sẽ kéo theo biết bao nhân lực y tế, phương tiện, thiết bị, hệ thống điều tra dịch tễ, truy vết, cách ly… phải vào cuộc. Khi phát hiện chỉ là “dương tính giả” thì nhiều khi cũng đã muộn, người bị nghi nhiễm đã bị đưa vào nơi cách ly điều trị, đối mặt với nguy cơ “dương tính thật” do lây nhiễm chéo từ các bệnh nhân khác.
Ở chiều ngược lại, do độ chính xác không cao của sản phẩm xét nghiệm nhanh trong nước dẫn tới nhiều trường hợp “âm tính giả”, bỏ lọt người bị dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Đây là điều tối kỵ bởi lẽ kết quả “âm tính giả” sẽ tạo tâm lý chủ quan, làm lây lan dịch bệnh dẫn tới mất kiểm soát. Vì những lý do trên, thiết nghĩ rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Y tế trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, đánh giá, xác nhận hiệu quả sử dụng của các sản phẩm xét nghiệm nhanh có nguồn gốc cả trong nước và nước ngoài, chỉ chấp nhận đưa vào sử dụng các sản phẩm có độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác cao với đầy đủ bằng chứng khoa học. Tốt nhất nên khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm này đăng ký để được WHO đánh giá, cấp phép hoặc khuyến nghị sử dụng trước khi đưa vào áp dụng đại trà tại Việt Nam.
Về giá thành sản phẩm, có thông tin cho rằng kit xét nghiệm kháng nguyên nhanh sản xuất trong nước rẻ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập khẩu. Điều này cần được phân tích, đánh giá lại thấu đáo, bởi theo thông tin từ nhiều nguồn công khai, một bộ kit kháng nguyên trong nước có giá trung bình dao động trong khoảng 135.000 đồng trở lên, phổ biến ở mức giá 150.000 – 160.000 đồng; đây là mức giá không thấp hơn nhiều, thậm chí chỉ ngang bằng so với một số sản phẩm nhập khẩu, chưa nói tới vấn đề chất lượng, vốn phải được coi là tiêu chí số một trong những vấn đề liên quan đến sức khoẻ con người. Lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số đầu mối phụ trách việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đã cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi trong thời gian vừa qua, trong đó có những vụ việc đã bị điều tra, khởi tố, đưa ra ánh sáng.
Dư luận cũng đang đặt vấn đề tương tự với các sản phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong nước trên thị trường: phải chăng vì một lí do gì đó khó nói mà từ khâu quản lý, cấp phép đến việc lựa chọn những sản phẩm này để đưa vào sử dụng rộng rãi đang được cổ vũ tối đa, dù hiệu quả chưa thực sự được chứng minh so với các sản phẩm tương tự đã từng được quốc tế công nhận rộng rãi? Mới đây, Bộ Y tế đã có cách tiếp cận rất chặt chẽ và khoa học trước đề nghị được cấp phép sử dụng khẩn cấp của một doanh nghiệp nghiên cứu vắc-xin phòng chống COVID-19 trong nước, nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn và nhân dân cả nước.
Dù khuyến khích, tạo điều kiện hết sức cho các đơn vị nghiên cứu và phát triển trong nước, nhưng không thể vì bất kì lí do gì mà có thể đem sức khỏe, tính mạng của nhân dân ra đặt cược với những sản phẩm chưa đủ chứng cứ khoa học, lâm sàng.
Có lẽ, Bộ Y tế cũng cần có cách làm tương tự với các sản phẩm xét nghiệm nhanh COVID-19 hiện nay, vừa khuyến khích, tạo điều kiện cho “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, nhưng cũng phải đảm bảo tính khách quan, khoa học và công bằng đối với các sản phẩm khác trên thị trường, tất cả vì mục tiêu kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước