Một số cuộc bầu cử được dư luận quốc tế quan tâm theo dõi bởi kết quả bầu cử sẽ xác định những người có tầm ảnh hưởng lớn đối với thế giới trong thế kỷ 21. Ngày 5/11/2024, hơn 160 triệu cử tri Mỹ dự kiến đi bỏ phiếu để bầu ra tổng thống mới của nước này.
Tổng thống đương nhiệm Joe Biden quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp, trong khi cựu Tổng thống Donald Trump hy vọng đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 sau nhiệm kỳ đầu từ năm 2017-2021.
Dư luận cũng sẽ theo dõi cuộc bầu cử tại Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 17/3/2024 và nhận được sự ủng hộ của chính giới và dư luận trong nước. Nhiệm kỳ hiện tại của ông sẽ kết thúc vào ngày 7/5/2024.
Ấn Độ có kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 4 và 5/2024. Theo Viện chính sách Chatham House (Anh), đây sẽ là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất thế giới vào năm tới. Hơn 900 triệu người trong số 1,4 tỷ dân của quốc gia Nam Á đã đăng ký đi bầu cử. Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi hy vọng sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 trong cuộc bầu cử sắp tới.
Ngày 2/6/2024, gần 100 triệu cử tri Mexico cũng sẽ đến các điểm bỏ phiếu để bầu Tổng thống mới cho nhiệm kỳ 6 năm. Lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia Bắc Mỹ này, hai ứng cử viên hàng đầu (Claudia Sheinbaum Pardo và Xóchitl Gálvez) đều là nữ. Năm 2024, Mexico cũng sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu hơn 20.000 quan chức, con số cao kỷ lục đối với nước này.
Hơn 400 triệu cử tri châu Âu sẽ bầu Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ 5 năm tới trong cuộc bầu cử diễn ra từ ngày 6 đến 9/6/2024. Cuộc bầu cử tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ quyết định thành phần của nghị viện khoảng 700 ghế, có nhiệm vụ giám sát lập pháp châu Âu.
Cuộc bầu cử năm 2024 sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên của EU không có các ứng cử viên của Anh do nước này đã rời EU năm 2020. Sự kiện này sẽ diễn ra trong bối cảnh có sự chia rẽ nội bộ về vấn đề di cư và Ukraine, ảnh hưởng ngày càng tăng của phe cực hữu ở châu Âu và các quy định chặt chẽ hơn về nội dung có hại và gây hiểu lầm trên mạng.
Trong khi đó, thời gian bầu cử Quốc hội ở Vương quốc Anh vẫn chưa được ấn định, nhưng sẽ phải được tổ chức trước tháng 1/2025 hoặc có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 12/2024. Cuộc thăm dò cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền, vốn là đảng cầm quyền chính ở Vương quốc Anh kể từ năm 2010, đang trên đà mất quyền lực vào tay Công đảng trong bối cảnh bất mãn gia tăng về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và nhiều vấn đề khác.
Kết quả của những cuộc bầu cử, đặc biệt tại các nước lớn, sẽ xác định những người có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, góp phần tạo ra những thay đổi trong cục diện cũng như trật tự toàn cầu hiện nay. Những thay đổi chính phủ có thể thay đổi cán cân địa chính trị, ảnh hưởng đến xung đột Nga-Ukraine, xung đột ở Trung Đông, cũng như các quan hệ thương mại và kinh tế toàn cầu.
Tạp chí “The Economist” của Anh lưu ý rằng thế giới sẽ chứng kiến bầu cử diễn ra tại các quốc gia như Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người, Mỹ (342 triệu người), Brazil (218 triệu người), Indonesia (280 triệu người), Pakistan (245 triệu người) và Nga (144 triệu người). Tất cả các cử tri sẽ trải nghiệm “cuộc bầu cử AI” đầu tiên của họ.
AI có thể giảm chi phí vận động tranh cử khổng lồ, đồng thời đóng vai trò là một lựa chọn hữu ích cho các chính trị gia mới ít được biết đến và những ứng cử viên có ý tưởng chính sách hay nhưng đang gặp khó khăn trong việc gặp gỡ cử tri vì thiếu vốn.
Tuy nhiên, AI có một số sai sót nguy hiểm. Điều đáng lo ngại nhất là thông tin sai lệch có thể được truyền tải qua các sản phẩm “deepfake” của các chính trị gia nổi tiếng. Deepfake là một video giả, bắt chước khuôn mặt và giọng nói của người thật. Vì thông tin sai lệch được truyền tải từ một “người” trong video giống chính trị gia thật nên chắc chắn sẽ có tác động lớn đến cử tri.
Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Biden và người tiền nhiệm Trump hay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần trở thành nạn nhân của deepfake. Theo giới quan sát, nội dung do AI tạo ra có thể tác động đáng kể hơn rất nhiều đến các cuộc bầu cử so với mạng xã hội.
Trong một bài viết được đăng trên trang Axios của Mỹ, ông Tom Newhouse, Phó chủ tịch doanh nghiệp AI Convergence Media, nói rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024 “sẽ là cuộc bầu cử AI”, gây rối hơn nhiều so với cái gọi là “bầu cử Facebook” năm 2008 và 2012.
Ông dự đoán “điều bất ngờ tháng 10” năm tới là từ AI. Hãng tin AP cũng dẫn lời những người tham gia cuộc thăm dò về bầu cử nói rằng các công cụ AI, có thể nhắm mục tiêu vi mô vào các đối tượng chính trị, tạo ra hàng loạt thông điệp có sức thuyết phục, cũng như các hình ảnh và video giả thực tế trong vài giây. Điều này sẽ làm tăng sự lan truyền thông tin sai lệch và gây hiểu lầm trong cuộc bầu cử năm tới.
Giới quan sát nhấn mạnh sự cần thiết phải có các khung pháp lý phù hợp để giảm nguy cơ AI ảnh hưởng trực tiếp đến các cuộc bầu cử. Hiện các công ty công nghệ thông tin lớn đã bắt đầu thử các phản ứng của riêng họ.
Kể từ tháng 11/2023 – một năm trước cuộc bầu cử Mỹ – Google đã yêu cầu YouTube và các bên khác hiển thị quảng cáo chính trị thông qua dịch vụ của họ phải chỉ rõ việc sử dụng AI để tạo hoặc tổng hợp hình ảnh/giọng nói ở một vị trí mà người dùng có thể nhìn thấy. Meta, công ty điều hành Facebook, cũng đang thực hiện việc dán nhãn bắt buộc tương tự đối với các quảng cáo chính trị sử dụng AI.
Các quốc gia đã có phản ứng khác nhau. Tại Mỹ, đạo luật được đưa ra trước Thượng viện Mỹ vào tháng 9/2023 cấm sử dụng AI không đúng cách trong quảng cáo chính trị. Các bang Texas và California của Mỹ cũng đã chuyển sang xây dựng luật cấm lưu hành các video deepfake liên quan đến bầu cử.
Tại EU, một dự thảo “Đạo luật AI” đã được Nghị viện châu Âu và các nước thành viên nhất trí vào ngày 9/12 bao gồm các nghĩa vụ rõ ràng phải áp dụng trong các trường hợp hệ thống AI “được phân loại là có rủi ro cao, xem xét tác động tiềm tàng đáng kể của chúng đối với nền dân chủ và quy định của pháp luật”.
Tại Hàn Quốc, một sửa đổi đối với Đạo luật bầu cử công chức cấm mọi hành vi sử dụng deepfake trong chiến dịch bầu cử trong khoảng thời gian 90 ngày trước ngày bầu cử đã được tiểu ban pháp luật của Ủy ban đặc biệt về cải cách chính trị của Quốc hội thông qua vào ngày 4/12.